TUYỂN SINH LỚP 10: Thi 3 môn để giảm áp lực

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có 3 môn thi, gồm toán, ngữ văn và môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội.

Bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3

Theo dự thảo, đối với tuyển sinh THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.

Đối với việc tổ chức thi tuyển, dự thảo Quy chế tuyển sinh quy định 3 môn thi, gồm: toán, ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn. Môn thi thứ ba sẽ không cố định mà thay đổi hằng năm, được công bố trước ngày 31-3, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.

Theo Bộ GD-ĐT, môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân; Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Công nghệ; Tin học. Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.

Về thời gian thi, dự thảo Quy chế tuyển sinh quy định ngữ văn là 120 phút; toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, Bộ GD-ĐT đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GD-ĐT, các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của quy chế. Tính đến ngày 7-10, đã có 63 Sở GD-ĐT gửi ý kiến góp ý; đã lấy ý kiến của 8.898 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo (chiếm 92,9%) và 631 ý kiến đề nghị bổ sung. 60/63 Sở GD-ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực. Dự kiến quy chế tuyển sinh này sẽ được hoàn thiện và ban hành trước 31-12-2024.

Dự kiến năm học 2024-2025 thi tuyển lớp 10 gồm 3 môn: Toán, ngữ văn và 1 môn thứ ba hoặc bài thi tổ hợp. Ảnh: TẤN THẠNH

Dự kiến năm học 2024-2025 thi tuyển lớp 10 gồm 3 môn: Toán, ngữ văn và 1 môn thứ ba hoặc bài thi tổ hợp. Ảnh: TẤN THẠNH

Nên chọn toán, văn, ngoại ngữ

Với những đề xuất nói trên, khó tránh khỏi ý kiến trái chiều của chuyên gia cũng như học sinh, giáo viên.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Ba Đình, TP Hà Nội cho rằng để học và làm việc sau này sẽ liên quan nhiều môn khác nhau nhưng để thi lên lớp 10, cần 3 môn cốt lõi cố định hằng năm là toán, văn và ngoại ngữ. "Nếu được chọn, tôi sẽ chọn môn thứ 3 bắt buộc là ngoại ngữ vì đây là môn rất quan trọng trong hội nhập kinh tế thế giới. Trước đây, chúng ta thi toán và văn, còn hiện nay ngoại ngữ phải là môn bắt buộc vì đó là công cụ hết sức cần thiết cho mỗi người. Kể cả sau này học sinh theo đuổi ngành học gì thì các em cũng phải cần ngoại ngữ" - vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Việc cân nhắc "chốt" môn thi thứ ba là ngoại ngữ cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng từ trước đến nay, toán và ngữ văn là hai môn bắt buộc, trong khi ngoại ngữ là môn quan trọng, muốn hội nhập với toàn cầu thì nó là môn học không thể thiếu, do vậy cố định 3 môn này là phù hợp.

Dưới góc độ phụ huynh, bà Huỳnh Ánh Phương (có con đang học lớp 9 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho rằng không cần thiết phải "đánh đố" và tạo ra áp lực cho học sinh khi cứ đến gần tháng 3 là nhấp nhổm lo thi môn thứ ba là gì. "Bộ GD-ĐT bỏ đề xuất bốc thăm môn thứ ba nhưng lại chỉ công bố môn thứ ba trước ngày 31-3 thì cũng không khác gì bốc thăm, học sinh cũng không còn thời gian để chuẩn bị. Cố định 3 môn thi như hiện nay đã là đủ áp lực với các con rồi" - bà Phương nói.

Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn việc Bộ GD-ĐT yêu cầu luân phiên thay đổi các môn thi hằng năm để không học lệch có thể sẽ dẫn đến hệ quả là càng học lệch. Giả sử năm nay thi tiếng Anh, sang năm sẽ chuyển sang môn khác như lịch sử, địa lý, công nghệ… Như vậy, học sinh sẽ không học tiếng Anh để dành thời gian ôn các môn kia. Nếu học sinh không tập trung học tiếng Anh 1-2 năm chắc chắn sẽ rơi rụng kiến thức và có thể sẽ có những khóa học sinh kém tiếng Anh.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tuyen-sinh-lop-10-thi-3-mon-de-giam-ap-luc-196241019202823313.htm
Zalo