Tuyển sinh ĐH năm 2025: Bỏ xét tuyển sớm, giảm thủ tục đăng kí

Sau khi tiếp thu ý kiến từ các trường, Bộ GD&ĐT thông tin một số điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025, dự kiến ban hành trong tháng 2.

Bỏ xét tuyển sớm

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, các điểm mới được Bộ sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay, gồm: bỏ xét tuyển sớm (riêng xét tuyển thẳng thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT dành cho các thí sinh thuộc diện tài năng, xuất sắc, vượt trội); nếu dùng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển thì phải sử dụng cả kết quả 2 học kì năm học lớp 12; cơ sở đào tạo ĐH cần quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.

Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển; điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng. Điểm cộng ưu tiên khu vực/đối tượng theo quy định cũ tối đa là 2,75 điểm), đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa; bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành/chương trình đào tạo chỉ tối đa có 4 tổ hợp xét tuyển; từ năm 2026 các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển.

Như vậy, so với dự thảo công bố trước đó, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh đáng kể. Ví dụ, tại dự thảo, Bộ cho phép xét tuyển sớm và chỉ tiêu không vượt quá 20%. Xét tuyển sớm theo định nghĩa của Bộ là những phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét trước khi biết điểm thi tốt nghiệp.

Bà Thủy lí giải, việc bỏ quy định xét tuyển sớm từ năm nay để đảm bảo công bằng hơn giữa các thí sinh, không làm giảm cơ hội trúng tuyển. Vì dù xét tuyển bất cứ phương thức nào, mỗi thí sinh chỉ được phép trúng tuyển 1 nguyện vọng vào một ngành/trường. Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng kí không giới hạn số lượng nguyện vọng và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ sẽ giúp thí sinh trúng tuyển cao nhất vào nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH Ảnh: TRỌNG QUÂN

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH Ảnh: TRỌNG QUÂN

Liên quan đến thay đổi trong điểm xét tuyển, trúng tuyển của thí sinh phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức, các tổ hợp xét tuyển. Các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, điều này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển.

Ngoài ra, một số điểm mới của quy chế tác động trực tiếp tới kế hoạch tuyển sinh các trường. Theo đó, quy chế bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển, tức không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển tối đa cho một ngành hay một chương trình cụ thể. Lí giải quy định này, bà Thủy cho hay, từ năm 2025, mỗi thí sinh chỉ dự thi tốt nghiệp THPT 4 môn (trước đây là 6 môn) nên số lượng tổ hợp xét tuyển không quá lớn, việc giới hạn số lượng tổ hợp cho một ngành không cần thiết.

Hướng tới sự công bằng

Trước những thông tin mới được đưa ra so với dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025, Học viện Ngoại giao cho biết, đề án tuyển sinh của học viện sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, Học viện đang dự kiến điểm cộng khuyến khích chỉ còn tính đối với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Đây là năng lực cần thiết nhất khi sinh viên vào học. Các chương trình đào tạo của Học viện yêu cầu ngoại ngữ cao, sinh viên “đuối” ngoại ngữ theo học rất vất vả. Thứ hai, phương thức tuyển sinh của Học viện sẽ rút gọn hơn, không còn nhiều đối tượng xét tuyển như những năm trước.

Theo Bộ GD&ĐT, bỏ xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến thí sinh và các trường. Thay vì biết kết quả trúng tuyển từ tháng 3, 4 năm nay, khi tất cả nguyện vọng của thí sinh đăng kí lên hệ thống cùng với cơ sở dữ liệu, hệ thống lọc ảo chung chạy và cho ra kết quả đúng với nguyện vọng, năng lực cao nhất của thí sinh. Tức là năm nay, trừ những thí sinh được tuyển thẳng theo quy chế (thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế), còn lại, sau khi Bộ GD&ĐT lọc ảo (dự kiến tháng 8), thí sinh mới biết kết quả tuyển sinh ĐH.

Năm nay, Học viện Ngân hàng tăng chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kì thi đánh giá năng lực. Học viện dự kiến tuyển sinh 3.644 chỉ tiêu với 5 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng; xét học bạ; xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả các kì thi đánh giá năng lực; xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với xét học bạ, Học viện dành 20% chỉ tiêu xét tuyển, giữ ổn định so với năm ngoái. Phương thức xét chứng chỉ quốc tế, Học viện dự kiến dành 15% chỉ tiêu. Ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kì thi đánh giá năng lực, Học viện dự kiến dành 20% chỉ tiêu, tăng 5% chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, có lấy kết quả kì thi đánh giá V-SAT do Học viện Ngân hàng tổ chức và kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 50% còn 45% chỉ tiêu so với năm 2024.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, những điểm mới của Quy chế tuyển sinh năm 2025 sẽ thay đổi nhiều hoạt động tuyển sinh của một số trường. Ông đánh giá việc thay đổi này là tốt để đảm bảo chất lượng đào tạo không quá chênh lệch như hiện nay.

PGS. TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, bỏ xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng đối với các trường top dưới. Dữ liệu của thí sinh năm nay được đưa vào hệ thống lọc ảo chung với tất cả các phương thức xét tuyển. Như vậy, sự cạnh tranh giữa các trường sẽ khốc liệt, chặt chẽ hơn. Số lượng thí sinh đăng kí sẽ giảm đi hoặc có thể là ít đi ở một số trường. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới quy mô tuyển sinh của các trường ở top dưới.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, bỏ xét tuyển sớm là đảm bảo công bằng cho các thí sinh giữa các vùng miền. Việc này giúp tạo ra sự ổn định, chất lượng và tránh thủ tục hành chính rắc rối.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuyen-sinh-dh-nam-2025-bo-xet-tuyen-som-giam-thu-tuc-dang-ki-post1717577.tpo
Zalo