Các trường và thí sinh chưa hiểu chính xác về xét tuyển sớm

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng cần làm rõ cách hiểu về xét tuyển sớm vì một số cơ sở đào tạo và cả thí sinh có lẽ đang có cách hiểu chưa chính xác.

 Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Duy Hiệu.

Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT công bố, giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu và các trường không được gọi vượt số này gây nhiều băn khoăn cho các cơ sở giáo dục và cả học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng "xét tuyển sớm" là các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, như xét tuyển thẳng, xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, kết quả kỳ thi riêng…

Điều này dẫn đến lo ngại hạn chế chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ khiến thí sinh cạnh tranh gay gắt hơn. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục băn khoăn việc 80% chỉ tiêu còn lại sẽ phải xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho rằng các trường và người học đang bị nhầm lẫn khái niệm "xét tuyển sớm" và các "phương thức tuyển sinh".

Bà Thủy khẳng định "xét tuyển sớm" khác với "phương thức xét tuyển". Trong đó, “xét tuyển sớm” được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, các “phương thức xét tuyển” được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Không phương thức nào được gọi là “phương thức xét tuyển sớm”, vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển.

Do hiểu nhầm chỉ kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển riêng (không sử dụng điểm thi tốt nghiệp), các trường và thí sinh lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu. Điều này sẽ giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường đang sử dụng như xét học bạ, xét điểm kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

Bà Thủy nhắn nhủ thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau.

Từ hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung.

"Do đó, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Cũng theo bà Thủy, dự thảo có quy định điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển chung. Các quy định này nhằm hướng đến đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào của tuyển sinh và chất lượng đào tạo ở bậc đại học.

Do vậy, các em có thể yên tâm, tiếp tục nỗ lực học tập và ôn tập thật tốt (dù đang định hướng theo phương thức xét tuyển nào) để có kết quả cao nhất trong năng lực của mình. Các em sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng để vào được trường và ngành mà mình yêu thích.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cac-truong-va-thi-sinh-chua-hieu-chinh-xac-ve-xet-tuyen-som-post1514410.html
Zalo