Tuyển sinh đại học 2025: Thí sinh cân não chọn ngành, trường

Thời điểm này, học sinh lớp 12 dồn sức tìm hiểu thông tin tuyển sinh.

Học sinh THPT được trực tiếp tham quan, tìm hiểu môi trường học tập, sinh hoạt và cơ sở vật chất tại các trường đại học. Ảnh: Đ.H

Học sinh THPT được trực tiếp tham quan, tìm hiểu môi trường học tập, sinh hoạt và cơ sở vật chất tại các trường đại học. Ảnh: Đ.H

Với khát khao chinh phục cánh cửa đại học, các em không chỉ chạy đua với thời gian mà còn với chính bản thân, quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực.

Theo sở thích hay xu hướng thị trường?

Mùa tuyển sinh đại học là khoảng thời gian “cân não” khi các em phải đối mặt với quyết định quan trọng về ngành học và trường đại học. Đây không chỉ là lựa chọn về tương lai nghề nghiệp mà còn là bước ngoặt ảnh hưởng đến cuộc đời mỗi người.

Dự ngày hội tư vấn - tuyển sinh được tổ chức đầu tháng 1 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Nguyễn Thanh Nhã - học sinh lớp 12 Trường Phổ thông thực hành Sư phạm (Trường Đại học Đồng Nai) mong muốn tìm trường đại học có ngành Truyền thông đa phương tiện. Rảo qua nhiều gian hàng của các trường đại học, Nhã cho biết, có khá nhiều đơn vị đào tạo ngành này với nhiều phương thức tuyển sinh; điểm chuẩn ở các trường với nhiều mức khác nhau.

“Tuy nhiên, em muốn chọn những trường có thâm niên, uy tín về nhóm ngành này như Đại học Kinh tế TPHCM với ngành Truyền thông số và Thiết kế đa phương tiện hay Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Em chú trọng vào 2 phương thức tuyển sinh là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM”, Nhã cho hay.

Nguyễn Uyên Nhi - học sinh lớp 12 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) lại chọn khối ngành Pháp luật để vào đại học. Nhi cho biết, hiện khá nhiều trường đại học đào tạo nhóm ngành Luật với nhóm ngành khác nhau như Luật, Luật Dân sự, Luật Kinh tế, Quản trị - Luật...

“Em có hai phân vân lúc này. Một là chọn ngành học nào để ra trường dễ xin việc. Do đó, em hỏi thầy, cô ở các trường kỹ lưỡng về ngành học đó cũng như cơ hội việc làm. Hai là, em chọn trường nào để phù hợp với khả năng của mình. Em mong muốn vào Trường Đại học Luật TPHCM nhất bởi trường này nổi tiếng về ngành Luật, nhưng thấy điểm chuẩn các năm trước thì em không tự tin”, Nhi cho hay.

Tương tự, nhiều học sinh khác phân vân giữa việc chọn ngành theo sở thích cá nhân hay theo xu hướng thị trường lao động. Yếu tố về học phí, vị trí địa lý và chất lượng đào tạo của các trường cũng được học sinh cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều bạn trẻ tìm đến sự tư vấn từ thầy cô và các sinh viên khóa trên để có thêm thông tin và góc nhìn.

“Lựa chọn ngành học, trường học không chỉ cần hiểu rõ về nó mà còn phải xuất phát từ niềm đam mê và tự tin vào bản thân cũng như ủng hộ từ gia đình”, Nguyễn Thành Nhân - học sinh tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) chia sẻ và cho biết thêm: Em muốn theo học khối ngành Khoa học sức khỏe, nhưng chỉ học các ngành thiên về kỹ thuật, như: Xét nghiệm y học, hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa... Tuy nhiên, gia đình lại mong muốn em trở thành bác sĩ nên định hướng học ngành Y khoa hoặc Răng Hàm Mặt.

“Em thấy điểm chuẩn các ngành này cao, học lại mất nhiều thời gian hơn nên rất phân vân”, nam sinh chia sẻ.

Trong khuôn khổ “Ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 18” do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 5/1 với hơn 10.000 học sinh tham gia, nhiều em đặc biệt quan tâm và đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những đổi mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng như phương thức xét tuyển đại học năm 2025.

Những thay đổi này, dựa trên Chương trình GDPT 2018 thu hút sự chú ý bởi chúng không chỉ ảnh hưởng đến cách thức thi cử mà còn tác động đến cơ hội lựa chọn ngành nghề và định hướng tương lai của các em.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Theo các chuyên gia tuyển sinh, trường đại học sẽ xác định phẩm chất, năng lực và môn học phổ thông phù hợp nhất với lĩnh vực đào tạo để lựa chọn thí sinh. Đồng thời, các trường sẽ thiết kế tổ hợp xét tuyển linh hoạt và thuận lợi, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh và đảm bảo tuyển chọn được ứng viên phù hợp.

Trước câu hỏi của thí sinh về mức độ cạnh tranh trong nghề nghiệp, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai. Ông khuyên học sinh không chỉ dừng lại ở việc chọn ngành nghề phù hợp hay đảm bảo cơ hội việc làm sau khi ra trường, mà còn biết nắm bắt xu hướng thị trường lao động.

Theo ông, các em cần chú trọng rèn luyện thái độ, đạo đức nghề nghiệp và sự vững vàng trong việc tiếp cận công nghệ, bởi đây là những yếu tố cốt lõi tạo nên năng lực cạnh tranh trong thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, ông lưu ý rằng trách nhiệm nghề nghiệp và khả năng chịu áp lực là những kỹ năng không thể thiếu.

Liên quan đến điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đại học Quốc gia TPHCM, thông tin, đề thi năm nay có một số điều chỉnh để phù hợp với Chương trình GDPT mới.

Cụ thể, phần giải quyết vấn đề trong đề thi thay đổi đáng kể. Nếu như những năm trước, các câu hỏi tập trung chuyên sâu vào môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý... thì năm nay sẽ chuyển hướng khai thác các vấn đề đa dạng hơn, bao gồm khoa học, xã hội, kinh tế và pháp luật. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo mọi thí sinh, bất kể lựa chọn môn học nào ở bậc phổ thông, đều có thể tiếp cận đề thi một cách công bằng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 được công bố và lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp đa chiều, ban soạn thảo quy chế dự kiến đề xuất lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố.

Trong đó, một điểm đáng chú ý là ban soạn thảo quy chế dự kiến đề xuất bỏ khái niệm “xét tuyển sớm” trong công tác tuyển sinh đại học. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, mục tiêu ban đầu của việc xét tuyển sớm là thu hút và giữ chân những học sinh tài năng, xuất sắc. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, phương thức này không đạt được kỳ vọng, thậm chí gây ra bất lợi và thiếu công bằng cho những thí sinh không có điều kiện tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hay sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sớm.

Bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, dù thí sinh xét tuyển sớm hay chung, tất cả nguyện vọng đều được đặt trên cùng một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh quốc gia. Hệ thống này đang ngày càng được cải tiến, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và tính minh bạch trong các phương thức tuyển sinh của trường đại học. Bỏ xét tuyển sớm không chỉ giảm áp lực cho thí sinh, tránh tình trạng “thí sinh phải đi rải hồ sơ khắp nơi”, mà còn tiết kiệm nguồn lực cho các trường.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, quy chế tuyển sinh được xây dựng với định hướng có lợi nhất cho thí sinh, để các em tập trung học tập và đăng ký xét tuyển một cách thuận lợi. “Những công việc khó sẽ do Bộ GD&ĐT và các trường đại học đảm nhận”, bà Thủy khẳng định.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-thi-sinh-can-nao-chon-nganh-truong-post716308.html
Zalo