Dạy tiếng Anh theo năng lực, nhu cầu người học
Thay vì 'dạy học để thi' như trước, giáo viên tiếng Anh phải đổi mới sáng tạo theo hướng phát huy năng lực học sinh...
Từ năm 2025, dạy học tiếng Anh ở các nhà trường có nhiều thay đổi. Thay vì “dạy học để thi” như trước, giáo viên phải đổi mới sáng tạo theo hướng phát huy năng lực học sinh. Qua đó, giữ chất lượng môn Ngoại ngữ thực chất, đáp ứng nhu cầu người học.
Thay đổi nhu cầu, thái độ học tập
Trường THPT Cửa Lò 2 (TP Vinh) năm nay có hơn 300 học sinh lớp 12, tuy nhiên qua khảo sát chỉ 17 em chọn môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT.
Nguyễn Phương Trang - một trong số ít học sinh lựa chọn môn Tiếng Anh cho hay, đây là môn trong tổ hợp khối A1 xét tuyển đại học. “Em đã tập trung và đầu tư cả 3 môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh và hiện không có thay đổi gì về kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bạn trong lớp em bỏ chọn môn Tiếng Anh để đăng ký thi môn khác có thế mạnh hơn”, Phương Trang chia sẻ.
Năm học 2024 - 2025, năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018. Thí sinh chỉ dự thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn. Môn Tiếng Anh trở thành môn tự chọn đã tác động không nhỏ đến lựa chọn và thái độ học tiếng Anh của học sinh.
Qua khảo sát sơ bộ từ các trường THPT, tỷ lệ học sinh đăng ký môn Tiếng Anh rất ít, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi. Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong), Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn), Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc)…, tỷ lệ học sinh đăng ký thi tiếng Anh chỉ 2 - 3%.
Cô Trương Thị Lan - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Kỳ Sơn chia sẻ, đối với học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số, điều kiện học tập khó khăn. Ở cấp tiểu học, THCS các em tiếp cận với môn Tiếng Anh không thuận lợi. Vì vậy khi lên THPT, năng lực các em có nhiều hạn chế. Khi môn học này không còn bắt buộc, các em lựa chọn môn khác để thay thế tiếng Anh là dễ hiểu.
Trường THPT Bắc Yên Thành (huyện Yên Thành) qua khảo sát có 165/594 học sinh chọn Tiếng Anh là môn dự thi tốt nghiệp. Thông tin từ cô Nguyễn Thị Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường, học sinh lựa chọn Tiếng Anh làm môn tự chọn cũng là môn các em xét tuyển vào đại học.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không phản ánh được toàn bộ nhu cầu học tiếng Anh thực tế của học sinh nhà trường. Nhiều em xu hướng đi du học, xuất khẩu lao động hoặc ý định làm việc các công ty nước ngoài… có nhu cầu học ngoại ngữ tương ứng, trong đó có tiếng Anh. Nhưng ở vùng nông thôn, không có điều kiện học thêm ngoài, năng lực hạn chế nên lựa chọn thi môn học khác dễ kiếm điểm hơn.
Dạy học phát huy năng lực người học
Lê Thị Ngọc Quý - học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc) sớm có định hướng du học nghề nên xác định chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT. Nữ sinh cho biết dự định học nghề chăm sóc móng tay, chân tại một nước châu Âu nên cố gắng học tiếng Anh để giao tiếp cơ bản. Dù có chút vốn liếng ngoại ngữ, nhưng Quý vẫn chọn thi môn Khoa học xã hội vì có khả năng đạt điểm cao hơn môn Tiếng Anh.
Theo cô Nguyễn Thị Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4, học sinh của trường hầu hết đến từ xã bãi ngang ven biển khó khăn. Những năm gần đây, nhu cầu du học nghề, xuất khẩu lao động của học sinh ngày càng lớn. Tỷ lệ học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT chiếm từ 70 - 80%, nhưng các em luôn có ý thức học đều các môn để có điểm học bạ đẹp, thuận lợi làm hồ sơ xét tuyển du học. Vì vậy, dù môn Tiếng Anh không còn bắt buộc, học trò vẫn học tập theo nhu cầu để phục vụ mục đích đào tạo hoặc lao động trong tương lai.
Về phía nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, phát huy năng lực học sinh. Đối với dạy học môn Tiếng Anh, chú trọng dạy kỹ năng nghe nói, giao tiếp, ứng dụng ngôn ngữ trong cuộc sống.
Tại Trường THPT Nghi Lộc 5, không chỉ khối 12, mà nhiều học sinh khối 10, 11 cũng không lựa chọn tiếng Anh trong định hướng thi tốt nghiệp. Nhiều năm kinh nghiệm dạy học tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Hồng Anh - giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 5 cho hay: “Lâu nay tâm lý học sinh có xu hướng học gì thi nấy. Khi môn Tiếng Anh bắt buộc, các em phải học để ít nhất đạt điểm trung bình.
Tuy nhiên năm nay, Tiếng Anh là môn tự chọn, thì nhận thấy rõ học sinh có sự thay đổi thái độ học tập, không chăm chỉ và lo lắng như trước. Nhưng mặt khác, học sinh thoải mái, cởi mở, bớt áp lực hơn trong giờ học. Là giáo viên, tôi e ngại việc ảnh hưởng chất lượng dạy học, nên phải thay đổi phương pháp để thu hút, tạo sự hứng thú, tránh học sinh “quay lưng” với môn học”.
Không ngạc nhiên khi có nhiều học sinh bỏ chọn môn Tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng, ngoại trừ những em có thế mạnh ngoại ngữ, đang ôn thi tổ hợp xét tuyển đại học có môn Tiếng Anh, còn lại học sinh sẽ lựa chọn môn thi an toàn, dễ đạt điểm cao. Nhưng điều này không quyết định đến chất lượng dạy học tiếng Anh ở trường phổ thông.
Ngược lại, khi Tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc vừa giúp học sinh “nhẹ gánh” ôn thi, giáo viên cũng thoải mái, giảm áp lực để chủ động đổi mới trong việc dạy và học ngoại ngữ. “Khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, giáo viên sẽ linh hoạt tạo ra những bài giảng thú vị, sáng tạo.
Về phía học sinh cũng thoải mái, cởi mở tương tác với giáo viên, không phải học hết nội dung kiến thức theo từng mức độ đề thi. Với những em xác định học và lựa chọn thi tốt nghiệp có ngoại ngữ sẽ phải tạo thói quen, tư duy học tiếng Anh nghiêm túc để đạt mục tiêu đề ra”, thầy Phan Trọng Đông nói.
Thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2 cho biết, giáo viên ngoại ngữ nhà trường đã thay đổi phương pháp dạy học, xây dựng ma trận đề thi theo hướng phát huy năng lực học sinh. Đổi mới kiểm tra, đánh giá và định hướng cho các em. Mục tiêu dạy học giúp trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào cuộc sống hoặc lĩnh vực nghề nghiệp, công việc các em hướng tới trong tương lai.