Tuyên Quang: Tập quán trồng lúa nước của người Tày là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 8/2, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tổ chức đón nhận 'Tri thức và tập quán trồng lúa nước người Tày' là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Huyện Lâm Bình là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Tày chiếm tới 62% dân số. Trong suốt quá trình sinh sống, lao động, sản xuất, đồng bào Tày ở Lâm Bình đã hình thành các giá trị văn hóa riêng biệt, đặc sắc.
Truyền thống trồng lúa nước của người Tày ở Lâm Bình được biểu hiện thông qua hệ thống tri thức bản địa, bao gồm những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trong canh tác lúa nước. Từ đời này qua đời khác, đồng bào đã không ngừng sáng tạo, biến đổi, tích lũy những kinh nghiệm trong canh tác lúa nước phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, phong tục tập quán của địa phương.
Cùng với đó, trồng lúa gắn với của người Tày gắn với thiết chế làng bản, các nghi lễ, lễ hội, ẩm thực gắn với mùa vụ được đồng bào duy trì, gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, giữ vai không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng và văn hóa Tày riêng biệt.
![Đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và huyện Lâm Bình đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51430514/c926f81cc2522b0c7243.jpg)
Đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và huyện Lâm Bình đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày”.
Nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tri thức trồng lúa nước của người Tày ở Lâm Bình. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó Chứng nhận “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày” ở thị trấn Lăng Can và các xã: Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.