Tuyên Quang: Tạo điều kiện cho huyện Lâm Bình phát triển toàn diện
Sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế đang là hướng đi phù hợp, góp phần tạo động lực cho huyện Lâm Bình phát triển toàn diện.
Tổ chức Lễ hội Lồng Tông, đón nhận Bằng di sản văn hóa
Ngày 9/2/2025, UBND huyện Lâm Bình long trọng tổ chức Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2025, đồng thời tổ chức đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày ở địa phương này.
![Các đại biểu tham dự Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình Xuân Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: Đức Lâm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/9b3f8c97b7d95e8707c8.jpg)
Các đại biểu tham dự Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình Xuân Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: Đức Lâm
Tham dự chương trình, có bà Hà Thị Khiết – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thế Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Sáng Vang, ông Chẩu Văn Lâm nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương.
Lễ hội Lồng Tồng và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2025 được diễn ra từ ngày 8-9/2/2025 (tức ngày 11, 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ) với các hoạt động tiêu biểu như tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, nghề thủ công truyền thống,... của đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc; tổ chức thi chọi dê, biểu diễn văn nghệ các dân tộc, thi khâu còn đẹp, hội thi bắt cá…
Đến với lễ hội, người dân và du khách thập phương được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: Đẩy gậy, bắt vịt, nhảy khiêu vũ hiện đại, múa sạp, đánh cù, đánh pam, yến; tái hiện lại nghề thủ công và văn hóa ẩm thực có từ lâu đời. Cùng với đó, các hoạt động lễ hội của các xã cũng được triển khai trong dịp đầu xuân như: Lễ hội Lồng Tông tại các xã Minh Quang, Bình An, Phúc Sơn, Thượng Lâm; Lễ hội Hoa Mộc Miên xã Phúc Yên…
Trước đó, vào tối 8/2, UBND huyện Lâm Bình đã vinh dự được đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang”. Cùng với đó là các hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Lâm Bình đang chuyển mình
Lâm Bình là huyện vùng cao phía bắc tỉnh Tuyên Quang, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, với trên 12 dân tộc cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, PàThẻn 2% còn lại là các dân tộc khác. Các dân tộc cơ bản còn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…), trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực, kiến trúc nhà ở đặc trưng như: nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…
Về văn hóa, địa phương này có các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc như Hát quan làng, then, cọi, Páo dung, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, múa khèn, đánh cù,…; lễ cấp sắc của đồng bào Dao, lễ hội Lồng Tông của đồng bào Tày,...
![Biển người đổ về Lâm Bình tham dự lễ hội, du xuân và các trò chơi mang đậm bản sắc địa phương. Ảnh: Đức Lâm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/5e24488c73c29a9cc3d3.jpg)
Biển người đổ về Lâm Bình tham dự lễ hội, du xuân và các trò chơi mang đậm bản sắc địa phương. Ảnh: Đức Lâm
Ông Lê Thế Đạt – Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình - cho biết: Là một trong những địa bàn xa xôi nhất của tỉnh Tuyên Quang, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua Lâm Bình đã bước đầu đã hình thành các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút và níu chân du khách. Nổi bật là du lịch cộng đồng với gần 60 hộ đang hoạt động. Địa phương cũng đã xây dựng trên 20 điểm check in, dừng chân tại các địa điểm phù hợp để du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm. Kết nối hơn 200 công ty du lịch, chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Từ đó, kích cầu du lịch, đời sống vật chất của người dân dần được cải thiện.
Hiện nay, huyện đang hướng đến xây dựng Lâm Bình là điểm đến "an toàn - hấp dẫn - thân thiện"; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của địa phương.
Những năm gần đây, Lâm Bình dần trở thành địa chỉ quen thuộc hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Người dân nơi đây đã bao đời gắn sinh kế của mình với cây củi trên rừng, với thửa ruộng lúa nước, với nương ngô, với con tôm, con cá trong lòng hồ, khe suối. Giờ đây, cũng chính những con người ấy đã trở thành chủ nhân của loại hình du lịch nông thôn đầy tiềm năng. Được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp cùng sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều bản người Dao, người Mông, người Tày đã nhộn nhịp du khách đến thăm. Hay như những người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang là một cộng đồng dân tộc ít người cũng đã tự tin làm du lịch. Tại đây, những nét văn hóa đặc sắc như nghi lễ nhảy lửa huyền bí hay nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang được người dân lưu giữ.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2025:
![Các đại biểu cùng lãnh đạo địa phương thắp hương làm Lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an. Ảnh: ĐL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/13ca06623d2cd4728d3d.jpg)
Các đại biểu cùng lãnh đạo địa phương thắp hương làm Lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an. Ảnh: ĐL
![Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình đánh trống khai hội. Ảnh: ĐL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/710465ac5ee2b7bceef3.jpg)
Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình đánh trống khai hội. Ảnh: ĐL
![Các đại biểu tham dự lễ hội. Ảnh: ĐL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/f177dadfe19108cf5180.jpg)
Các đại biểu tham dự lễ hội. Ảnh: ĐL
![Màn đồng diễn của hàng ngàn người tại Lễ hội Lồng Tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/739a5932627c8b22d26d.jpg)
Màn đồng diễn của hàng ngàn người tại Lễ hội Lồng Tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình.
![Các đại biểu và du khách tung còn khai hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/9d27b48f8fc1669f3fd0.jpg)
Các đại biểu và du khách tung còn khai hội.
![Ông Nguyễn Sáng Vang - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang - thực hiện nghi thức phát lộc tại lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/8154a9fc92b27bec22a3.jpg)
Ông Nguyễn Sáng Vang - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang - thực hiện nghi thức phát lộc tại lễ hội.
![Ông Chẩu Văn Lâm - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Tuyên Quang - phát lộc đầu năm tại lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/bb5594fdafb346ed1fa2.jpg)
Ông Chẩu Văn Lâm - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Tuyên Quang - phát lộc đầu năm tại lễ hội.
![Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - phát lộc cho nhân dân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/34821a2a2164c83a9175.jpg)
Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - phát lộc cho nhân dân.
![Tái hiện lại nghi thức tịch điền. Ảnh: ĐL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/d4c3f96bc2252b7b7234.jpg)
Tái hiện lại nghi thức tịch điền. Ảnh: ĐL
![Thi cấy lúa tại lễ hội. Ảnh: ĐL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/e51ac9b2f2fc1ba242ed.jpg)
Thi cấy lúa tại lễ hội. Ảnh: ĐL
![Bất chấp thời tiết giá rét, hàng nghìn người tham dự hội thi bắt cá.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433796/7e655dcd66838fddd692.jpg)
Bất chấp thời tiết giá rét, hàng nghìn người tham dự hội thi bắt cá.
Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2025 diễn ra đến hết ngày 9/2/2025, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc địa phương mà không nơi đâu có được.
Trong lịch sử sinh sống và phát triển, đồng bào Tày đã sáng tạo ra hệ thống tri thức bản địa trong canh tác lúa nước. Việc công nhận tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho huyện Lâm Bình.