Tuyên Quang: Phòng, ngừa cháy nổ tại các chợ truyền thống
Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm, nhất là đối với chợ truyền thống.
Nguy cơ cháy nổ cao
Với đặc thù là nơi tập trung nhiều loại hàng hóa, số lượng người dân mua bán rất đông với đặc điểm chung là hàng hóa bày lộn xộn, che chắn lối đi, hệ thống điện xuống cấp, các hạng mục về PCCC không đảm bảo... Do đó, nguy cơ cháy nổ tại các chợ này luôn hiện hữu, nhất là trong mùa nắng nóng.
Vì vậy, phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ truyền thống, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Công tác PCCC luôn được cơ quan chức năng Tuyên Quang tuyên truyền, kiểm tra tại các chợ truyền thống.
Xác định việc nâng cao ý thức của các tiểu thương là giải pháp căn cơ góp phần phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ truyền thống. Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp cơ quan chức năng, Ban quản lý chợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua loa phát thanh, mạng xã hội, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu... Thường xuyên nhắc nhở tiểu thương sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, không che chắn lối ra vào; tự kiểm tra an toàn các thiết bị điện; không đun nấu, thắp nhang, thờ cúng, mang vật liệu dễ cháy vào quầy, sạp hàng. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng các dụng cụ chữa cháy để dập lửa khi có cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng công an tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở tiểu thương trong chợ thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC; kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót về PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Đồng thời, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra nguồn nước, hệ thống báo cháy; các trang thiết bị chữa cháy được bố trí tại khu vực chợ đảm bảo hoạt động thông suốt để chủ động trong PCCC.
Nâng cao ý thức về PCCC
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Cảnh sát PCCC đã cùng với Ban Quản lý các chợ trên địa bàn nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương về công tác an toàn và cách sử dụng bình chữa cháy trong tình huống sự cố xảy ra.
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, chủ cửa hàng gas Tuấn Đạt trong chợ Tam Cờ cho biết: “Cơ sở của chúng tôi chuyên phục vụ mặt hàng liên quan đến nhà bếp nên vấn đề cháy, nổ được cửa hàng rất chú trọng. Vì vậy, mỗi khi được lực lượng chức năng nhắc nhở những bất cập là chúng tôi khắc phục ngay”.
Ông Phạm Xuân Duy, Ban Quản lý chợ TP.Tuyên Quang cho biết: “Hằng năm, Ban Quản lý chợ đều tổ chức những buổi tập huấn cho bà con tiểu thương nắm được nội quy PCCC cũng như cách sử dụng bình chữa cháy. Chính vì vậy, về cơ bản, bà con đều chấp hành nghiêm quy định”.
Thượng tá Đỗ Hồng Kiên, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với các chủ cơ sở, cần tăng cường kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng để tránh xảy ra sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Chúng tôi cũng bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực, sẵn sàng xử lý khi xảy ra sự cố cháy, nổ”.
PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, vì thế, cùng với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể và mỗi người dân cần nâng cao ý thức, đề cao cảnh giác “giặc lửa”, để góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn...
Theo số liệu của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 101 chợ. Trong đó, có 1 chợ hạng I, 2 chợ hạng II và 98 chợ hạng III. Công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến; hệ thống chợ đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của Nhân dân.