Tuyên Quang: Người Mông vượt khó vươn lên, chung tay thoát nghèo
Đồng bào người Mông được đánh giá là khó khăn nhất so với các dân tộc khác trong tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhờ các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai hiệu quả đã thay đổi đáng kể cuộc sống, nhận thức của đồng bào người Mông nơi đây.
Thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang) với 151 hộ, 786 nhân khẩu hiện đang là điểm sáng của Tuyên Quang về quyết tâm vượt khó, đoàn kết, chung tay thoát nghèo.
Tất cả đều nhờ các chủ trương chính sách hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước; sự quyết tâm sát sao vào cuộc của các tổ chức chính quyền từ tỉnh đến cơ sở không quản gian nan, từng bước vận động thuyết phục người dân từ bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín; không nghe kẻ xấu lợi dụng kích động;…
Ông Nguyễn Thanh Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết: Gần chục năm trước, thôn Tân An là điểm nóng về ANTT do người Mông nơi đây bị các tổ chức phản động lôi kéo, xúi giục. Bằng nhiều biện pháp thuyết phục, người dân đã hiểu bị các đối tượng xấu, các tổ chức phản động lợi dụng làm cho cuộc sống ngày càng nghèo khó, trẻ em không được học hành đầy đủ; người ốm đau không được chăm sóc y tế kịp thời. Đến nay 100% hộ dân đã ký cam kết với chính quyền sẽ không nghe, làm theo lời kẻ xấu; tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, chính quyền.
Anh Hoàng Văn Nam, 37 tuổi phấn khởi cho biết: “Nhà thuộc diện nghèo, căn nhà do bố mẹ để lại đã xuống cấp từ lâu, cứ mưa là ướt hết; được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, vợ chồng vay mượn thêm anh em hàng xóm để xây căn nhà kiên cố khoảng 500 triệu đồng. Nhà đang xây, Tết này gia đình có nhà mới rồi, vui lắm; cảm ơn Đảng, chính quyền đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lý Văn Phùng (53 tuổi) - Trưởng Ban công tác Mặt trận, Mục sư, người uy tín thôn Tân An chia sẻ: Được sự giúp đỡ của Đảng, nhà nước, chính quyền; người dân đã hiểu và làm theo Đảng. Các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, nhiều hộ thoát nghèo đang có cuộc sống khấm khá. Thôn hiện nay có gần 100 người đang đi làm công nhân tại các khu công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), Thái Nguyên, Vĩnh Phúc,… với mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu chủ lực này đang giúp nhiều hộ gia đình của thôn có cuộc sống no đủ.
Năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ thôn Tân An 50 con bò sinh sản, người dân phấn khởi vì đây là tài sản lớn trong mơ. Vốn cần cù chịu khó, người dân đã tập trung dày công chăm sóc, tới nay đàn bò đang phát triển sinh sản tốt, số lượng đàn đã tăng thêm hơn 30 con. Hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Mới đây ngày 24/8, Chương trình mục tiêu quốc gia (Dự án 1) đã cấp cho xã Đông Thọ 60 bồn nước Inox để phân phát cho các hộ khó khăn có nước sạch sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh ATTP, nhiều hộ dân thôn Tân An cũng đã nhận được bồn nước theo chương trình Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án.
Bà Nguyễn Thị Tuyến- Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết: Huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị,... dành cho đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2022 đến nay đã hỗ trợ kinh phí để người dân thực hiện các mô hình nhằm nâng cao sinh kế, nhận thức, trình độ dân trí, bình đẳng giới; lồng ghép ưu tiên tuyệt đối các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho Tân An vì là thôn có 100% đồng bào Mông, nhân khẩu đông, kinh tế khó khăn. Mong muốn đồng bào người Mông nói riêng sớm xua đi đói nghèo, lạc hậu, từng bước vươn lên có nhà ở kiên cố, cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Ông Vương Văn Tín, công chức VH-XH xã Đông Thọ chia sẻ: Huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho người dân kỹ thuật canh tác cây trồng nông, lâm nghiệp; kỹ thuật chăn nuôi khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường, ATTP. Cử người dân đi học tập kinh nghiệm trồng cây na tại Lạng Sơn; cấp cây na giống, cây rau bò khai để người dân trồng thành cây đặc sản có giá trị kinh tế; toàn thôn có 27 hộ gia đình được hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới; 16 hộ được chuyển đổi nghề; hỗ trợ máy lọc nước sinh hoạt,…người dân vô cùng phấn khởi, được tiếp thêm động lực để vươn lên.
Người dân cho biết thêm, thôn Tân An được xã chọn làm điểm để thực hiện việc hiếu theo nghi thức mới phù hợp hơn, ít tốn kém, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong thôn khi có người mất, không tổ chức ăn uống linh đình, không đón thầy làm nhiều lễ cúng bái tốn kém. Được tấn phong Mục sư, ông Phùng chỉ đến làm lễ theo nghi thức đạo tin lành, sau đó đưa người mất đi chôn cất; ông cũng không lấy bất kỳ chi phí nào, vì thế ông luôn được người dân trong thôn tín nhiệm, nói dân tin, vận động dân đều ủng hộ nghe theo.
Trên bức tường nhà ông Phùng, gần 20 Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền trao tặng vì những đóng góp cho sự nghiệp Đại Đoàn Kết toàn dân; xây dựng nông thôn mới,… được ông Phùng treo trang trọng để tự hào và làm tấm gương sáng để người dân trong thôn học tập noi theo.
Bà Hoàng Thị Thắm- Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Ban Dân tộc tỉnh cùng các huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khéo léo bền bỉ vận động để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động đối với người dân là đồng bào DTTS. Triển khai đồng bộ, sát thực tế, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025). Nhân rộng những điển hình tiêu biểu thoát nghèo; động viên khích lệ tinh thần, ý chí tự lực vươn lên; tạo động lực tích cực cho mọi người dân cùng chung tay xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; thôn quê ngày càng khang trang phồn thịnh.
Sau cơn bão số 3, con đường bê tông duy nhất đến thôn dài khoảng hơn 2km đang xuống cấp, nhiều đoạn gãy vỡ, nhão nhoét bùn đất, gây khó khăn cho người dân đi lại cũng như hàng ngày đến lớp của các học sinh tiểu học. Người dân thôn Tân An mong muốn các cấp chính quyền sớm quan tâm, dành nguồn vốn để cải tạo con đường, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân; thu hẹp khoảng cách giữa người Mông và đồng bào các dân tộc khác trên cùng địa bàn.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng diện mạo người Mông thôn Tân An hôm nay đang tích cực chuyển biến, người Mông đã vững tin vào Đảng, chính quyền; những chính sách hỗ trợ của nhà nước tuy chưa nhiều nhưng đã và đang tạo động lực lớn để người dân nơi đây khát vọng vươn lên, tự lực phát triển kinh tế, giảm dần hỗ trợ, thoát khỏi diện nghèo; tự hào xứng đáng là người dân của vùng quê cách mạng gắn liền với các di tích lịch sử hào hùng: mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, Thủ đô kháng chiến.