Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Tất bật chuẩn bị vận hành chính thức

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ vận hành thương mại từ ngày 22-12. Đây được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến trong hệ thống giao thông công cộng của TPHCM. Phóng viên Báo SGGP đã trải nghiệm suốt hành trình của tuyến metro số 1, ghi nhận những khâu chuẩn bị cuối cùng cho ngày vận hành chính thức.

Hiện đại, thông suốt

Chuyến trải nghiệm metro số 1 mới nhất của chúng tôi bắt đầu từ ga ngầm Bến Thành, nằm tại công viên 23-9, đối diện chợ Bến Thành. Ga ngầm có không gian rộng lớn, hiện đại, với điểm nhấn là giếng trời hình hoa sen lấy ánh sáng tự nhiên. Đây sẽ là nơi “check-in” khó có thể bỏ qua của hành khách khởi hành từ đây. Các lối đi trong nhà ga được bố trí khoa học, bảng chỉ dẫn rõ ràng, hệ thống thang cuốn và thang máy rất tiện nghi.

 Tàu rời ga Ba Son, nơi giao nhau giữa tầng hầm và tầng nổi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tàu rời ga Ba Son, nơi giao nhau giữa tầng hầm và tầng nổi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên trong toa tàu thoáng đãng với tông màu xanh chủ đạo. Mỗi đoàn tàu có 4 toa được nối liền, có thể chở hơn 900 người. Các thông tin như cửa lên xuống, ga dừng tiếp theo đều được thông báo qua loa và hiển thị trên màn hình, hành khách dễ dàng theo dõi lộ trình. Tàu lăn bánh khá êm ái, lần lượt dừng ở các ga ngầm Nhà hát TPHCM, ga Ba Son, trước khi chạy ở đường trên cao dọc theo xa lộ Hà Nội hướng về ga cuối cùng là Bến xe miền Đông mới.

Hành trình từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên mất khoảng 33 phút, bao gồm thời gian dừng ở 13 nhà ga. Nhìn qua cửa sổ toa tàu, thành phố hiện lên rất khác lạ: Landmark 81, cầu Sài Gòn, Khu du lịch Suối Tiên… như một bức tranh mới mẻ từ góc nhìn trên cao. Ở từng nhà ga trên cao đều được trang bị thang cuốn, thang máy, ghế ngồi, nhà vệ sinh và bảng chỉ dẫn chi tiết rõ ràng. Tất cả đều rất sạch sẽ, thoáng đãng.

Khi tuyến metro số 1 chính thức đi vào hoạt động chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn người dân sử dụng, qua đó giảm tải áp lực giao thông và mở ra một tương lai mới cho hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Sẵn sàng vận hành

Những ngày gần đây, tại ga ngầm Bến Thành - ga trung tâm của tuyến metro số 1, không khí nhộn nhịp và khẩn trương hơn bao giờ hết. Đội ngũ công nhân và kỹ sư tập trung dọn dẹp, kiểm tra, hoàn thiện từng chi tiết từ sàn nhà, băng ghế chờ đến các bảng tín hiệu và thiết bị tại nhà ga.

Kỹ sư Lê Tấn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi rất mong đợi tuyến metro vận hành thương mại. Hy vọng hành khách sẽ có trải nghiệm tốt nhất khi bước chân vào nhà ga”.

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiểm tra các nhà ga trước khi vận hành chính thức

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiểm tra các nhà ga trước khi vận hành chính thức

Ga ngầm Bến Thành là ga trung tâm của tuyến metro số 1. Đây cũng là ga lớn nhất và hiện đại nhất trên tuyến. Ga dài 236m, rộng 60m, sâu 32m gồm 4 tầng ngầm. Tầng 1 là sảnh chờ, khu vực bán vé, kiểm soát vé, tích hợp trung tâm thương mại rộng 18.100m²; hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m². Tầng 2 là khu vực tàu dừng đón, trả khách. Các tầng còn lại làm văn phòng, phòng cơ học, điện, quạt thông gió.

Ga có 16 luồng kiểm soát, trong đó 4 luồng rộng hơn dành cho người khuyết tật. 18 máy bán vé tự động đặt tại tầng 1. Khu vực hỗ trợ mua vé thủ công, cung cấp thông tin và giám sát an ninh. Hệ thống phòng cháy chữa cháy gồm tấm nhựa chống khói và các thiết bị đảm bảo an toàn.

Ga Bến Thành là điểm trung chuyển chính, kết nối với các tuyến metro khác trong tương lai và các khu vực trung tâm như chợ Bến Thành, công viên 23-9 thông qua 6 lối lên xuống. Đây không chỉ là điểm phục vụ hành khách mà sắp tới sẽ trở thành trung tâm mua sắm và giải trí lớn.

Tại Phòng điều khiển trung tâm (OCC) của metro số 1 đặt tại khu depot Long Bình, phường Long Bình, TP Thủ Đức, đội ngũ điều độ viên thực hiện những bước tập dượt cuối cùng. Mỗi kíp trực có 6 nhân viên (tổng số 24 nhân sự), điều hành các chuyến tàu.

Trong phòng có 5 dãy máy tính cùng các màn hình lớn để cập nhật và theo dõi thông tin điều hành. Mỗi dãy máy có từ 1 đến 2 nhân sự phụ trách các bộ phận như: điều độ thương mại - hành khách, giao thông (chịu trách nhiệm toàn tuyến), điều độ depot (chịu trách nhiệm đưa tàu bảo dưỡng, vệ sinh, hỗ trợ giao thông khi xảy ra sự cố), thiết bị (giám sát tất cả thiết bị trên hệ thống). Nơi đây là điểm kết nối chính giữa các điểm, tuyến và bộ phận khác trong chuỗi vận hành chung của metro số 1.

Kíp trưởng Lê Văn Vinh cho biết, theo quy định, sau khi các nhân viên điều độ kiểm tra và được xác nhận từ lái tàu, 14 nhà ga, các nơi phụ trách hệ thống điện… mới lập biểu đồ chạy tàu. Nhân viên điều độ thương mại - hành khách sẽ thiết lập biển số tạm để tàu rời ga.

Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Phan Công Bằng cho biết, công trình đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, bao gồm nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, vận hành thử nghiệm. 17 đoàn tàu đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Dự án đang hoàn tất các thủ tục để sẵn sàng vận hành thương mại. Đây là công trình biểu tượng, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tuyen-metro-ben-thanh-suoi-tien-tat-bat-chuan-bi-van-hanh-chinh-thuc-post772569.html
Zalo