Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam
Ngành công nghiệp tàu thuyền giải trí trên thế giới có doanh thu ước tính hơn 230 tỷ USD vào năm 2024 (theo báo cáo của Globe Newswire). Ở Việt Nam, dù khái niệm 'du thuyền' còn khá mới nhưng thị trường này hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, khai thác loại hình này.
Kỳ 1: Chưa có quy định quản lý riêng, nở rộ đầu tư bến du thuyền
Tại Việt Nam hiện nay, chưa hình thành các quy định quản lý dành riêng cho nhóm đối tượng du thuyền cá nhân mà vẫn thực hiện theo các quy định áp dụng cho phương tiện tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa, trong khi đây là nhóm đối tượng đang phát triển nhanh chóng.
Quy định quản lý du thuyền cá nhân linh hoạt theo điều kiện và nhu cầu
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cùng với xu thế phát triển của thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau một thời gian chỉ có sự xuất hiện của các loại du thuyền du lịch biển quốc tế, các du thuyền cá nhân của các tỷ phú, triệu phú trên thế giới ghé thăm Việt Nam, đến nay, một số cá nhân, đơn vị ở Việt Nam cũng đã kinh doanh, phân phối, mua sắm, khai thác, sử dụng các du thuyền với mục đích cá nhân, vui chơi, giải trí, thể thao v.v...
"Đến nay, hơn 200 phương tiện được nhập khẩu và khai thác tại Việt Nam với hình thức tương tự mô hình du thuyền cá nhân trên thế giới", thông tin được Cục Hàng hải Việt Nam nêu trong Đề án Quản lý du thuyền vừa được Bộ GTVT phê duyệt.
Tương tự như quá trình hình thành và phát triển ngành du thuyền trên thế giới, bên cạnh các quy định đối với các loại tàu thuyền cỡ lớn (chịu sự điều chỉnh của các công ước quốc tế) hoặc quy định đối với tàu thuyền kinh doanh vận tải hành khách (có các quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh, khai thác, phạm vi và khu vực hoạt đông v.v...), các quy định quản lý đối với nhóm du thuyền cá nhân với đặc điểm tần suất, mục đích, phạm vi sử dụng rất linh hoạt tùy theo điều kiện và nhu cầu của người sử dụng cần liên tục hoàn thiện trong quá trình quản lý và khai thác.
Theo Quy chuẩn QCVN 81:2014/BGTVT/SĐ1:2017 "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền": "Du thuyền là tàu vui chơi giải trí, có boong và tự hành ngoại trừ tàu sử dụng bơi chèo, dự định để di chuyển trên mặt nước với người ở trên và có không gian kín đủ cho toàn bộ số người trên tàu được chứng nhận chở."
Còn theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 05:2014/CHHVN "Cảng du thuyền - yêu cầu thiết kế": "Du thuyền là tàu hoặc một cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng phục vụ mục đích giải trí, du lịch".
Bởi, mặc dù khái niệm "du thuyền" được xác định theo Quy chuẩn QCVN 81:2014/BGTVT/SĐ1:2017 "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền" và Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 05:2014/CHHVN "Cảng du thuyền - yêu cầu thiết kế", nhưng trên thực tế khái niệm "du thuyền" hiện nay vẫn được hiểu theo nghĩa rộng là các phương tiện thủy vận chuyển hành khách, bao gồm:
Các tàu du lịch biển quốc tế quy mô lớn (cruise) có thể chứa từ vài trăm đến hàng nghìn người với hải trình kéo dài nhiều ngày trên các tuyến du lịch quốc tế cố định thường được gọi là "du thuyền quốc tế";
Các tàu chở khách du lịch trên các tuyến từ bờ ra đảo (như đi Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo, Nam Du v.v…) chủ yếu phục vụ giao thông kết nối và các tàu chở khách du lịch trên các tuyến đường thủy nội địa (sông Hàn, sông Hồng, sông Sài Gòn v.v..) phục vụ tham quan, ăn uống.
Các du thuyền tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng phục vụ theo nhu cầu riêng biệt (thể thao, câu cá, du lịch, nghỉ dưỡng v.v…) hoặc các du thuyền thuộc sở hữu cá nhân của các doanh nhân trong và ngoài nước.
Hiện nay các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển hành khách hoạt động theo hình thức du thuyền có thể có thể đăng ký theo 3 hình thức: Tàu biển; Phương tiện thủy nội địa; Phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước. Trong đó, ngoài 3 phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đăng ký dưới dạng tàu biển (tập trung ở TP. Hồ Chí Minh với các tên gọi: Du thuyền Hòa Bình Carrara, Du thuyền My Little Princess, Du thuyền Sunshine), thực tế hiện nay phần lớn các phương tiện du thuyền đều đăng ký theo hình thức phương tiện thủy nội địa chở khách (với khoảng hơn 200 phương tiện trên toàn quốc).
Còn lại, hầu hết các phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước đều được đăng ký với sức chở nhỏ (1 - 2 người) chủ yếu phục vụ các hoạt động thể thao, giải trí tại các khu du lịch, điểm vui chơi, chưa khai thác theo hình thức du thuyền tương tự như mô hình trên thế giới.
Liên quan đến công tác đăng kiểm du thuyền, hiện các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển hành khách hoạt động theo hình thức du thuyền có thể có thể thực hiện đăng kiểm, kiểm tra chứng nhận theo 4 hình thức: Tàu biển; Phương tiện thủy nội địa; Tàu thể thao, vui chơi giải trí; Du thuyền (tàu không được tham gia hoạt động thương mại).
Tương tự, các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển hành khách hoạt động theo hình thức du thuyền đăng ký theo hình thức nào (tàu biển, phương tiện thủy nội địa, phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước) thì sẽ thực hiện theo các quy định về thuyền viên theo loại phương tiện đó.
Chẳng hạn, du thuyền được đăng ký theo hình thức tàu biển thì các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên du thuyền sẽ phải thực hiện heo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023. Trong đó, điều kiện tối thiểu với phương tiện tàu biển có kích thước nhỏ nhất (dưới 50GT và công suất máy dưới 75Kw) là 3 người, bao gồm: thuyền trưởng, thủ thủ trực ca AB, máy trưởng.
Còn du thuyền đăng ký dưới hình thức phương tiện thủy nội địa thì điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên du thuyền sẽ phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019. Trong đó, điều kiện định biên tối thiểu với phương tiện thủy nội địa có kích thước nhỏ nhất sẽ phụ thuộc vào điều kiện khai thác. Cụ thể, khi mang cấp VR-SI hoặc VR-SII: tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa, có sức chở đến 12 người thì định biên thuyền viên 1 người lái phương tiện; tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, có sức chở đến 12 người thì định biên thuyền viên 1 thuyền trưởng hạng tư. Khi mang cấp VR-SB: quy định tùy theo nhóm phương tiện nhưng thấp nhất là 3 thuyền viên (1 thuyền trưởng; 1 máy trưởng; 1 thủy thủ).
Đối với phạm vi hoạt động, hiện nay các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển hành khách hoạt động theo hình thức du thuyền đăng ký theo hình thức nào (tàu biển, phương tiện thủy nội địa, phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước) thì sẽ có phạm vi hoạt động tương ứng với từng loại phương tiện được quy định.
Nở rộ đầu tư bến du thuyền và các dịch vụ đi kèm
Hệ thống cảng biển Việt Nam có 2 bến cảng được công bố cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu khách trong nước, quốc tế là Bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (tiếp nhận tàu chở khách trọng tải từ 155.000 GT đến 225.282 GT) và Bến cảng hành khách quốc tế Phú Quốc (tiếp nhận tàu khách trọng tải đến 225.000GT).
Một số cảng, bến cảng được công bố công năng tiếp nhận tàu khách như khu vực: Hải Phòng, cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế, Bến cảng Tiên Sa - Đà Nẵng (2 cầu cảng được công bố/tổng số 6 cầu cảng), Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sự phát triển của các loại hình du thuyền tại Việt Nam, một số cảng, bến chuyên dùng phục vụ du thuyền đã được triển khai đầu tư và khai thác.
Có thể kể đến như Bến cảng tàu khách Hạ Long - Quảng Ninh (có khả năng đón các tàu khách lớn và hiện đại bậc nhất thế giới đến với Vịnh Hạ Long); Bến du thuyền ANA MARINA Nha Trang - Khánh Hòa (có công năng phục vụ hơn 200 du thuyền); Cảng du thuyền Mỹ Tho MARINA - Tiền Giang; Bến du thuyền Vũng Tàu Marina – Bà Rịa–Vũng Tàu.
Cùng với đó, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 73 cảng, bến thủy phục vụ vận tải hành khách, du lịch, trong tổng hơn 200 cảng, bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn, theo thống kê của Sở Du lịch thành phố. Trong đó, chỉ một số khu vực như bến Bạch Đằng (quận 1), Lan Anh (TP.Thủ Đức)… đủ điều kiện về hạ tầng và không gian mặt nước cho các tàu thủy, du thuyền lớn neo đậu. Điều này gây khó khăn lớn cho cá nhân, doanh nghiệp sở hữu du thuyền hoặc canô khi tìm địa điểm neo đậu (phí trông giữ du thuyền là 10 - 20 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có gần 100 du thuyền cùng nhiều loại canô của cá nhân, nên những nơi đủ điều kiện luôn kín chỗ.
Hiện nay một số đơn vị đã tập trung triển khai đầu tư hệ thống cảng, bến dành riêng cho du thuyền cùng với các dịch vụ, tiện ích đi kèm như: Thay thế và bảo dưỡng phụ tùng; Thuê bến đỗ du thuyền để cung cấp cho các khách hàng dịch vụ neo đậu, trông giữ du thuyền; Cung cấp nhân lực trên du thuyền; Dịch vụ cho thuê du thuyền, câu lạc bộ du thuyền…
Được biết, theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các nội dung quy hoạch bến du thuyền tại Cửa Lò, Mỹ Khê, Nha Trang, Cam Ranh, Côn Đảo, Phú Quốc và một số các khu vực khác khi có điều kiện phù hợp và được cụ thể hóa tại các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải.
Ngành công nghiệp tàu thuyền giải trí trên toàn thế giới là một ngành công nghiệp khổng lồ với doanh thu ước tính hơn 230 tỷ USD vào năm 2024 (theo báo cáo của Globe Newswire) bao gồm: Giá trị của tàu và du thuyền giải trí được sản xuất; Sản xuất động cơ; Sản xuất thiết bị hàng hải chuyên dùng; Du lịch biển, bao gồm thuê tàu và du thuyền; Cơ sở sửa chữa, bảo trì tàu thuyền; Bến tàu, thuyền và kho bãi lưu trữ; Bán tàu, thuyền và môi giới.
Trong đó riêng thị trường du thuyền trên thế giới được định giá 16,31 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,5% trong giai đoạn 2021-2030 (theo kết quả nghiên cứu của Polaris Market Research năm 2021). Nhu cầu ngày càng tăng về tàu thuyền sang trọng để đáp ứng cho các hoạt động giải trí, du lịch và thể thao mạo hiểm là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của thị trường này.
Kỳ 2: Du thuyền ở Việt Nam đang được khai thác như thế nào?