Tuyên dương 50 nông dân tiêu biểu phong trào khuyến học, khuyến tài tại Nghệ An
Ngày 21/5, Hội Nông dân Nghệ An cùng Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Nông dân Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào nông dân thi đua khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập
Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ông Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho rằng, trong thời đại số, người nông dân không chỉ cần cày, cuốc giỏi mà còn phải biết cập nhật thông tin, sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, và thậm chí là biết tự livestream bán hàng nông sản.
Chính vì vậy, học tập suốt đời - học để làm người, học để làm nghề, học để phát triển - đã trở thành nhu cầu tất yếu, là yêu cầu thời đại của người nông dân văn minh.
Tinh thần đó, càng cần phải phát huy trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp sinh thái, và hình thành lớp nông dân văn minh như Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định.
Đồng hành với nông dân trên toàn tỉnh Nghệ An, những năm qua công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Hội Nông dân xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thường xuyên khuyến khích hội viên, nông dân tham gia đăng ký xây dựng các mô hình: "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập"…, Hội Nông dân Nghệ An cũng vận động người dân tích cực học tập suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi, dưới nhiều hình thức và phương tiện và nội dung khác nhau như học nghề, học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến học sử dụng công nghệ số vào trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản.

Toàn cảnh Hội nghị tuyên dương. Ảnh: QH
Qua đó, đã góp phần bồi dưỡng, xây dựng được 329.990 lao động nông thôn được công nhận danh hiệu "Công dân học tập", đạt 27,6% tổng số lao động nông thôn.
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An vận động hội viên, nông dân, đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài, tham gia góp gạch xây trường, xây dựng vườn rau trong các trường mầm non, tiểu học; tiếp sức, hỗ trợ hàng trăm em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.
Từ phong trào học tập suốt đời trong nông dân ngày càng lan tỏa đã khẳng định, người nông dân hôm nay không chỉ biết làm, mà còn biết học. Không chỉ học để đổi đời, mà còn học để dựng xây quê hương.
Dịp này Hội Nông dân Nghệ An - Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An đã tôn vinh 50 tấm gương cán bộ, hội viên, nông dân tiêu biểu trong học tập, trong chia sẻ tri thức và trong cống hiến cho cộng đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh với các điển hình tiêu biểu. Ảnh: Mỹ Hà
Đây là những người nông dân dám nghĩ, dám làm, dám học hỏi và ứng dụng kiến thức học được để xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Các điển hình tuyên dương cũng đồng thời là những ông bố, bà mẹ nuôi dạy con thành đạt và đồng hành với các em học sinh nghèo trên hành trình tri thức.
Hội nghị cũng đã nghe các điển hình chia sẻ những kinh nghiệm trong phong trào nông dân thi đua khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập. Mỗi người một câu chuyện, mỗi hành động, một thông điệp, nhưng tất cả đều cùng chung một tinh thần: Học để thay đổi – Học để phát triển – Học để dựng xây quê hương, đất nước.
Những tấm gương tiêu biểu tại Nghệ An về tinh thần tự học, chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào lao động sản xuất được tôn vinh gồm:
+ Anh Võ Văn Hậu (xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn): Tích cực tìm tòi, học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm; mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, áp dụng tưới nhỏ giọt tự động theo tiêu chuẩn VietGAP.
+ Anh Bùi Đình Hội (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc): Không ngại theo học các lớp dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật mà còn khăn gói, lặn lội đến các mô hình có hiệu quả cao để học nghề. Áp dụng hiệu quả công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn.
+ Anh Lã Hữu Hải (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn): Tích cực học hỏi kỹ thuật từ các lớp tập huấn để mở rộng mô hình trồng chè, trồng cam. Không ngừng trăn trở, học hỏi để tự chế biến làm ra thuốc trừ sâu bằng thảo dược để phòng ngừa và trị sâu bệnh cho mô hình của gia đình và chia sẻ cùng bà con lối xóm.
+ Anh Phạm Viết Đức (xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương): Nhờ những kiến thức được học và kinh nghiệm nghiệm rút ra từ chính quá trình lao động sản xuất đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo quy trình sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Không chỉ làm kinh tế giỏi, mà phần lớn các điển hình hôm nay còn là những tấm gương đi đầu trong chia sẻ tri thức, lan tỏa tinh thần học tập trong cộng đồng.
+ Anh Dương Hoàng Lai (xã Nghi Liên, thành phố Vinh): Xây dựng mô hình trang trại nuôi đà điểu, dê sinh sản, cá lăng, trồng măng tây xanh… có hiệu quả. Luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho hội viên nông dân trong vùng và nhiều nơi khác đến tham quan, học tập, làm theo.
+ Anh Bùi Đình Hội (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc): Là chi hội trưởng Hội Nông dân, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật cho hội viên; đồng thời là Hội trưởng Hội Khuyến học dòng họ, động viên con cháu thi đua học tập.
+ Chị Bùi Thị Thảo (xã Văn Hải, huyện Quỳnh Lưu) nhận đỡ đầu cho 2 trẻ mồ côi; thường xuyên đóng góp cho quỹ khuyến học xã, chỉ đạo các Chi hội xây dựng mô hình thu gom phế liệu để gây quỹ khuyến học, tổ chức chương trình giới thiệu và tiêu thụ Nông sản sạch để gây quỹ "Tiếp sức trẻ em nghèo, khó khăn, mồ côi đến trường"; tổ chức Chương trình “Tủ sách cho em” tặng các nhà trường trên địa bàn xã.
- Những tấm lòng nhân ái gắn với công tác khuyến học – khuyến tài đang được nhân rộng thêm ở trên khắp các miền quê.
+ Ông Văn Sỹ Hải (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai) thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Bản thân anh mỗi năm dành nhiều suất quà để trao tặng, động viên giáo viên và học sinh giỏi tỉnh; tặng nhiều phần quà cho học sinh giỏi trường của Trường Phổ thông Trung học Hoàng Mai.
+ Ông Vi Văn Tinh (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông): Đã cưu mang, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 20 học sinh người Đan Lai ăn học trong suốt 20 năm qua.
+ Anh Hoàng Văn Việt (xã Đông Sơn, huyện Đô Lương) hằng năm đóng góp từ 15 triệu đồng cho phong trào khuyến học, xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo.
- Từ sức ảnh hưởng của mình, những điển hình tiêu biểu hôm nay còn là những sợi dây gắn kết hoạt động học tập với xây dựng gia đình, dòng họ học tập:
+ Anh Võ Văn Hậu, anh Hoàng Văn Việt, ông Vi Văn Tinh: Cùng đạt tiêu chí “Gia đình học tập”, “Công dân học tập” và duy trì nhiều năm đóng góp đều đặn cho phong trào khuyến học tại cơ sở.
+ Chị Vừ Y Dở (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) tiên phong đi đầu trong các phong trào lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Bản thân chị cùng với các trưởng bản, trưởng họ cùng bàn bạc soạn thảo hương ước bản Lưu Thông, trong đó có những điều khoản quan trọng để xây dựng phong trào khuyến học.