Tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng vẫn chỉ là giải pháp 'chữa cháy'

Đào tạo giáo viên cần thời gian để bù đắp chỗ thiếu, tuy nhiên, vẫn cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chỉ tiêu phân bổ và nhu cầu thực tế tại địa phương.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16 về đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Thí điểm này trước đề xuất của Bộ GD&ĐT cho rằng việc tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng được cho là một trong những giải pháp cấp thiết, bởi đa số các trường THPT hiện nay chưa có giáo viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Trong khi đó, công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành Sư phạm Lịch sử - địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.

Ngoài ra, ngay cả khi có giáo viên tốt nghiệp giảng dạy chương trình mới, thì việc tìm thầy cô phù hợp cũng không hề dễ dàng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Đặng Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường, Hà Đông cho biết: "Đã có một vài giáo viên được đào tạo chính quy môn tích hợp đến ứng tuyển tại trường. Nhưng do vẫn chưa đáp ứng được nhiều yếu tố liên quan đến nghiệp vụ sư phạm khác nhau, nên hiện nay trường vẫn chưa tuyển được ai mặc dù chúng tôi có nhu cầu".

PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo các chuyên gia việc thay đổi yêu cầu về trình độ đào tạo mới chỉ là giải pháp tạm thời, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận thấy tuyển dụng số lượng giáo viên trình độ cao đẳng phải đảm bảo với chất lượng.

Ông Nghiêm Đình Vỳ đánh giá: "Đây chỉ nên là giải pháp trước mắt trong bối cảnh chuyển giao, bởi sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chưa đủ trình độ để giảng dạy theo yêu cầu, cần phải đào tạo lên trình độ đại học".

Về lâu dài, chuyên gia đề xuất về phía các địa phương nên khuyến khích giáo viên học thêm văn bằng 2 những môn cần nhân lực. Điều này vừa giúp thầy cô có thêm thu nhập, vừa giải quyết được bài toán thiếu giáo viên.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng chỉ là phương án chữa cháy, chỉ giải quyết phần ngọn tạm thời. Hiện nay tình trạng thiếu giáo viên vô cùng nghiêm trọng, cần phải tìm ra nguyên nhân cơ bản từ đâu để tháo gỡ.

"Để tránh chỗ thiếu chỗ thừa, thì nên phân cấp cho địa phương đào tạo nguồn lực và chịu trách nhiệm. Nơi nào thiếu thì đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện, nghiên cứu các chế độ, chính sách, chủ trương đã thu hút sinh viên", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Chương trình GDPT 2018 vẫn thiếu nhiều giáo viên ở một số môn học.

Chương trình GDPT 2018 vẫn thiếu nhiều giáo viên ở một số môn học.

Đồng tình cần có sự phối hợp giữa địa phương và cơ sở đào tạo trong vấn đề thiếu giáo viên, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho hay: "Chỉ tiêu đào tạo là do Bộ GD&ĐT phân bổ, dựa trên cơ sở đăng ký của các địa phương. Vì vậy, rất cần sự "khớp" nhu cầu của địa phương khớp với chỉ tiêu đặt ra, từ đó điều chỉnh và phân bố số lượng sẽ giảm được tình trạng thiếu giáo viên phần nào".

Riêng nguồn lực giảng dạy các môn tích hợp ở khối THCS và các môn nghệ thuật, ông Sơn cho biết, vì mới triển khai tuyển sinh mới được vài năm, quá trình đào tạo phải kéo dài 4 năm, nên vẫn cần phải có thời gian để nguồn cung đáp ứng dần mới nhu cầu.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học vẫn cần phải căn cứ vào năng lực đào tạo như giảng viên, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, để đưa ra chỉ tiêu phù hợp, không thể tuyển sinh ồ ạt.

Ông Sơn cho rằng cần đào tạo dần dần để bù đắp vào số thiếu. Ngoài ra, còn có phương án khác có thể làm được ngay là thực hiện, tổ chức các chương trình bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên dạy đơn môn để dạy tích hợp. Hoặc thầy cô có thể học văn bằng 2 với các môn mới.

"Tuy nhiên, việc này cũng gặp vướng mắc vì liên quan đến con người, các thầy cô cần thời gian để thay đổi thói quen, thích ứng với yêu cầu mới", ông Sơn chia sẻ và đồng thời nhấn mạnh, các giải pháp không thể giải quyết vấn đề ngay lập tức mà cần thời gian.

Trước đó, Điều 71 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2020 quy định giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học trở lên. Nhiều năm qua, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo đã được các địa phương xây dựng lộ trình nâng chuẩn để bảo đảm hoàn thành vào năm 2030 theo quy định chung. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhận thấy điều kiện ở nước ta chưa cho phép nhanh chóng có được lực lượng giáo viên trình độ đại học tham gia giảng dạy. Không những thế, đây còn dễ dẫn đến tình trạng mua bằng, chạy bằng. Ngoài ra, cần phải hiểu không phải đào tạo ở bậc thấp hơn thì trình độ kém hơn, chưa kể rất đông các học sinh ở vùng sâu vùng xa cần được phân luồng vào học cao đẳng.

"Tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng cần được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, nếu không địa phương tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn sẽ sai luật. Tuy nhiên với các bộ môn mang tính đặc thù có thể cho phép tuyển dụng từ trình độ cao đẳng trở lên, sau đó tiếp tục đào tạo để hoàn thiện về trình độ theo quy định", ông Vinh bày tỏ.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tuyen-dung-giao-vien-trinh-do-cao-dang-van-chi-la-giai-phap-chua-chay-204250205105305199.htm
Zalo