Từng có GV 'hoán đổi' danh sách lớp dạy thêm cho nhau để qua mặt đoàn kiểm tra
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh đang được nhà trường phân công dạy chính khóa.
Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định mới về dạy thêm học. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 14/02/2025.
Có nhiều điểm mới trong quy định về dạy thêm, học thêm vừa được ban hành. Trong đó, không dạy thêm học sinh tiểu học, không dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa; việc dạy thêm trong nhà trường được siết chặt hơn, dạy không thu tiền học sinh (miễn phí hoặc ngân sách trả) và chỉ dạy cho các đối tượng học sinh chưa đạt, yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn luyện tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Làm sao quản lý được giáo viên dạy thêm nhóm học sinh nào?
Với sự ra đời của Thông tư 29, nhiều người hy vọng và mong chờ việc dạy thêm, học thêm tới đây sẽ đi vào nền nếp, không còn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan nữa.
Tuy thế, một số người vẫn băn khoăn làm sao thực hiện nghiêm với quy định tại khoản 2, điều 4 của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường” .
Có thể hiểu, khoản 2, điều 4, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cấm giáo viên dạy thêm thu tiền với chính học sinh mà mình đang dạy chính khóa ở trường.
Quy định này không mới vì trước đó, tại khoản b, điều 4, Thông tư 17/2012/BGDĐT cũng đã quy định “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó” nhưng thẳng thắn đánh giá thì thời gian qua, việc giáo viên dạy thêm cho chính học sinh chính khóa mà không được hiệu trưởng cho phép vẫn xảy ra. Đơn cử như một loạt bài phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào năm 2024 cho thấy, học sinh học thêm ngoài nhà trường chủ yếu là học với giáo viên chính khóa và không có sự cho phép của hiệu trưởng.
Việc thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp giáo viên vi phạm dạy thêm cho học sinh chính khóa cũng không phải dễ dàng với cơ quan chức năng.
“Bí kíp” hoán đổi để qua mặt đoàn thanh tra
Người viết xin chia sẻ câu chuyện của một học sinh lớp 6 từng thắc mắc với mẹ về việc cô giáo dạy thêm "mớm" cho học sinh nói dối. Mẹ của học sinh chia sẻ với người viết về thắc mắc của con gái rằng: “Cô con dặn, trong lớp học thêm nếu có ai vào hỏi thì đừng nói tên lớp thật (lớp đang học ở trường) mà phải nói tên khác, lớp khác”. Nói rồi cô bé hỏi lại: “Nói vậy để làm gì hả mẹ? Thầy cô dạy trò không được nói dối mà sao cô lại bảo tụi con nói không thật”.
Là người trong nghề nên tôi hiểu rõ, vì sao giáo viên đó lại làm như vậy? Thời điểm đó ở huyện tôi, thi thoảng vẫn có đoàn thanh tra kiểm tra việc dạy thêm, học thêm.
Khi đó,Thông tư 17/2012/BGDĐT quy định “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”, nên nhiều thầy cô đã liên kết với nhau “bí kíp” vô cùng hiệu quả là hoán đổi danh sách học sinh và lớp dạy cho nhau nhưng là trên giấy tờ.
Ví dụ, giáo viên A. đang dạy lớp 6A, 7B, 8C còn giáo viên B, đang dạy 6B, 7C, 8D ở trường thì 2 người sẽ đổi danh sách học sinh học thêm cho nhau. Nếu có đoàn thanh tra, giáo viên chỉ việc đưa danh sách học sinh học thêm (sau khi đã hoán đổi) là mọi việc trót lọt.
Ngoài việc kiểm tra giấy phép cũng như cơ sở dạy thêm của giáo viên có đúng quy định không, người kiểm tra có thể hỏi học sinh họ tên, lớp và trường hiện học để đối chiếu xem giáo viên ấy có dạy học sinh mà mình đang dạy chính khóa hay không?(đề phòng việc học sinh bị hỏi trực tiếp, một số thầy cô buộc phải dặn dò học sinh như trường hợp của học sinh lớp 6 chia sẻ ở trên).
Do thầy cô chuẩn bị khá kỹ như vậy nên rất hiếm có giáo viên nào bị phát hiện vi phạm. Mặc dù, những giáo viên dạy thêm ở huyện tôi lúc đó đều dạy chính học sinh của mình đang dạy trên trường.
Người viết lo ngại rằng, “bí kíp” hoán đổi tên gọi và lớp học của một số giáo viên trước đây nhằm đối phó với quy định của Thông tư 17/2012/BGDĐT sẽ được lặp lại và như thế sự kỳ vọng chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ khó đạt được như mong muốn.