Tuyến cáp treo Hương Bình - Một ý tưởng độc đáo
Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt NamTỉnh Hòa Bình tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ lên 'miền Tây Bắc xa xôi' nhưng ngày một gần nhờ những thay đổi của Đất Nước. Thuật ngữ khảo cổ học 'Văn Hóa Hòa Bình' được thế giới công nhận như một trong những 'cái nôi' của loài người thời tiền sử (cách đây từ 18.000 năm đến 7.500 năm thuộc thời kỳ đồ đá cũ). Rồi với những 'bộ sử thi' hoành tráng của cộng đồng cư dân 'Xứ Mường' góp vào quá trình 'Đẻ Đất Đẻ Nước' sinh thành cộng đồng Dân tộc Việt Nam để phát triển Văn hóa của tỉnh Hòa Bình thời hiện đại.
Tỉnh Hòa Bình ngày nay với 60% dân số là đồng bào Mường đang sở hữu một bản sắc rất riêng với một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc ngày càng gắn kết và góp phần làm phong phú thêm với các cộng đồng khác trong đại gia đình các Dân tộc Việt Nam. Sự gắn kết từ giao lưu kinh tế, văn hóa và sự kết nối không gian. Trong thời đại ngày nay, nhu cầu nâng cao chất lượng sống của con người đòi hỏi những phương tiện thúc đẩy ngành Du lịch trong đó có sự kết nối các không gian của thắng cảnh, lễ hội, thực hành tín ngưỡng một cách có hiệu quả nhất.
Nếu trước đây, từ thắng cảnh cổ kính của Chùa Hương nổi tiếng của Hà Nội bằng đường bộ để đến với cửa ngõ tỉnh Hòa Bình phải mất cả tiếng đồng hồ. Rồi từ đó mới bắt đầu hành hương đến những ngôi chùa ngày nay đã “thành danh” như chùa Tam Chúc (Hà Nam) rồi Chùa Bái Đính (Ninh Bình) cùng Khu danh thắng Tràng An, Di sản Thiên nhiên và Văn hóa của Nhân loại...
Thì giờ đây, từ ngôi chùa cổ kính trên dẫy Hương Sơn hùng vĩ, một tuyến cáp treo giúp du khách thả tấm mắt ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan từ trên núi cao rồi chiếm ngưỡng vẻ đẹp đầu tiên của tình Hòa Bình dưới chân núi bên này, Chỉ sau có 10 phút đã đặt chân tới huyện Lạc Thủy bằng một tuyến cáp treo thuộc công nghệ hiện đại nhất thế giới của Cộng hòa Áo. Tên gọi của tuyến cáp treo là “Hương - Bình” thể hiện sự kết nối của hai vùng đất ấy.
Cũng như nhà ga Hương Sơn trên đất Hà Nội, nhà ga Lạc Thủy của tuyến Cáp treo Hương Bình là những công trình kiến trúc hiện đại nhưng hòa hợp với thiên nhiên và mang những nét đẹp của kiến trúc dân tộc. Riêng ở Lạc Thủy, nhà ga cũng gắn với một dự án đang triển khai mang tên “Thung lũng Suối nguồn Hương Bình” (Huong Binh Valley).
Lạc Thủy cũng là một huyện giàu thắng cánh với chùa Tiên nổi tiếng , có quần thể những hang động thấm đẫm tín ngường Thờ Mẫu với những địa điểm mang tên “Hang Ông Hoàng Bẩy”, “Động Mẫu Long”, “Động Tiên”, “Suối Vàng”, “Suối Bạc”... Và gần đó là thị trấn Chi Nê lâu đời nơi có di tích hiện đại là “Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam”.
Dự án “Thung Lũng Suối nguồn Hương Bình” khi hoàn thành sẽ là nơi du khách có thể lưu lại như một tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng để thụ hưởng những sản phẩm du lịch của Hòa Bình rồi hành hương đến những miền đất danh thắng và tín ngưỡng của Hà Nam và Ninh Bình và xa hơn nữa về phương Nam...; hoặc ngược lại để lên cáp treo đến với chùa Hương.
Cáp treo giờ đây đã là phương tiện ngày càng phổ biến và phát huy công dụng ưu việt trong hoạt động du lịch ở nước ta. Nhưng với công nghệ tiên tiến và công suất vận chuyển 10.000 lượt khách/ngày, “Tuyến Cáp treo Hương Bình” sẽ là một tuyến không chỉ dành cho một di tích hay danh thắng riêng lẻ thường thấy, mà nó còn góp phần kết nối không gian của nhiều địa phương và nhiều sản phẩm du lịch mang tính hành trình hay hành hương, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các du khách muốn tận hưởng một cách có chất lượng và hiệu quả nhất...
Riêng với tỉnh Hòa Bình, “Tuyến cáp treo Hương Bình” cũng góp phần làm cho danh xưng “Văn hóa Hòa Bình” trở thành điểm kết nối giữa thời tiền sử xa xưa với công cuộc xây dựng của tỉnh Hòa Bình ngày nay và góp phần kết nối các tỉnh thành lân cận, cùng nhau đưa Du lịch lên tầm mới. Một ý tưởng độc đáo!