Tương tư thảo

Tương tư thảo (Cỏ nhớ thương). Là tên gọi theo sách chữ của một loại thuốc lá hút bằng ống tre hay bình bát bằng sành, và được gọi với tên là: Thuốc lào.

Thuốc lào đã được dân hâm mộ sành điệu đặt thêm tên là “Thuốc lào chi bảo” vì cái cách hút và độ say chết người của thuốc, không có loại thuốc hút nào có thể bằng hoặc thay thế được. Thuốc lào là gì và có từ đâu? Theo Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, ghi từ năm 1662 niên hiệu Vĩnh Thọ (1658 - 1662 ) đời vua Lê Thần Tông, cây thuốc được người miền ngược vùng phía tây Nghệ An, Thanh Hóa, giáp biên giới nước Lào, biết đến và sử dụng giống như cư dân người bản địa. Thuốc được dùng dưới hai dạng: Thuốc hút được dùng lá và thân nấu nước dùng để ngừa và chữa một số bệnh khi đi rừng, lên núi. Về sau thấy công hiệu nên mới lan truyền mãi về miền xuôi. Người Việt đã trồng và sử dụng cho đến nay, bởi xuất xứ từ bên Lào nên đặt luôn tên là thuốc lào. Ngoài ra, còn có nguồn gốc nói thuốc lào có từ Ấn Độ với tên gọi là Hookah, khi truyền sang các nước Ả Rập được gọi tên là Shisha, sau đó mới lan tới vùng Đông Nam Á. Ngày xưa rừng núi thâm u, người ta dùng thuốc để phòng ngừa các bệnh về sơn lam chướng khí, rồi dần dần thuốc lào trở nên phổ biến bởi cái say độc đáo của nó. Tên khoa học của thuốc lào là Nicotiana, thuộc họ Cà Slonacaceae. Cây thân thảo, mọc quanh năm, cao khoảng 1 mét và thấp hơn cây thuốc lá. Hiện cây thuốc được trồng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Cây thuốc lào. Ảnh minh họa.

Cây thuốc lào. Ảnh minh họa.

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Câu ca dao đề cập đến việc hút thuốc lào, lâu nhất và xưa nhất của Việt Nam ta. Thật ra theo truyền tụng thì từ năm 1611 đến năm 1631, trong hai đời vua Lê Kính Tông và Lê Huyền Tông. Trong vòng 20 năm đã xảy ra hai vụ cháy lớn ở kinh thành Thăng Long, làm vua phải di giá ra ngoài để trùng tu lại, mà nguyên nhân chính yếu là bất cẩn do hút thuốc lào, làm văng đóm gây thành cháy lớn. Kết quả là vua đã hạ chiếu cấm tuyệt đối việc hút thuốc lào, kể cả việc trồng trọt lẫn chế biến. Từ đó, con buôn thuốc lẫn con nghiện phải rút lui vào bí mật, với nhiều kiểu hút độc đáo như: Hút không nỏ là vê viên thuốc rồi dùng lá cây, lá chuối, quấn lại thành như cái loa kèn, miệng ngậm một ít nước rồi để thuốc vào đầu lá, đốt đóm lên hút xong ném lá, nhổ nước, thế là xong cơn ghiền. Cũng say và tiếng ro ro do có ngậm nước trong miệng cũng làm đỡ nhớ cái ống điếu cày, đi đâu cũng phải vác theo rất dễ bị phát hiện. Có người lại bày ra chuyện khoét hẳn cái lỗ vào thân cây tre còn sống, rút cái nỏ từ ống thuốc lào gắn vào lỗ, đổ nước vào, rồi cứ thế mà hút, mà phê. Hút xong đã đời, cứ rút nỏ ra đem cất là xem như chẳng có việc gì, vì không bắt được có ống điếu trong nhà. Có những người nghiện nặng mà hút bình bát bằng sành, thì lại nghĩ ra cách là chôn bình xuống đất, chỉ để hở miệng điếu lên trên. Mỗi lần hút xong lại che rồi lấp đất lại. Phải đến khi vua Huyền Tông băng hà, lệnh cấm hút dần rơi vào quên lãng, không còn cấm đoán gắt gao như trước, dân nghiện lại tha hồ đào điếu lên để hút. Câu hát ca dao đã có từ thời ấy!

Một điếu thuốc lào hơn bao thuốc lá. Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, dẫn trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, “Lượng Nicotin chứa trong lá và thân cây thuốc lào rất cao, hàm lượng đến 18% nên độ say rất cao. Có khi chỉ một người hút mà những người ngồi chung quanh hít khói không mà cũng muốn say theo. “Thuốc lào chồng hút vợ say. Thằng con châm đóm lăn quay giữa nhà”. Theo tài liệu của Viện Đông y, sách Thuốc Nam và Châm cứu, xuất bản năm 1976 xác nhận: Thuốc lào hay còn gọi là “Yên Thảo” có vị cay, mùi hăng, tính ấm, có độc, sát trùng. Nhựa thuốc chế với củ nén, hùng hoàng, quế thanh, nước vỏ chanh, được dùng làm thuốc bắt rắn. Nhựa thuốc lào dùng để trị ghẻ ngứa, trong dân gian còn dùng để cầm máu, chữa vết cắn của rắn và côn trùng. Dùng nước có pha nhựa thuốc lào tắm cho súc vật trị được bệnh chấy rận, bọ chó. Như vậy, xem ra thuốc lào và các phụ phẩm của nó cũng có ích. Nhưng quả thật “Lợi bất cập hại”. Theo một số tài liệu, Tây y và cả Đông y từ trước đến nay đã cảnh giác và khuyến cáo: Thuốc lào có nhiều chất độc, chứa nhiều yếu tố nguy hiểm. Hút thuốc nhiều, hút lâu năm có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ bài tiết, đối với những người có tiền sử hút thuốc lâu năm. Có khả năng dẫn đến ung thư vòm họng, ung thư thực quản, phổi tắc nghẽn mãn tính. Do có hàm lượng Nicotin rất cao, nên khi say thuốc người hút có khi sùi bọt mép, nôn nao, quằn quại, mất thăng bằng dễ ngã, không kiểm soát được hành vi. Nhưng thực tế những người hút thuốc vẫn không sợ, họ xem việc hút như một thú vui, xem như lạc thú trên đời. Từ quan viên cho đến thứ dân. Từ danh sĩ cho đến người nông dân, buôn bán thương hồ, đâu đâu cũng thấy cái điếu cày (Tên điếu cày vì gác cái ống điếu lên trên cái chân chống, cái ống điếu nằm nghiêng trông giống hình tượng cái bắp cày nên gọi là như thế).

“Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục. Âm dương nhị khí sướng làm sao”. Vắng cái tiếng ro ro, sòng sọc trong ống điếu cùng làn khói phả vào trong gió sau khi đã kéo một hơi dài, bảo làm sao mọi người không nhớ. Khi vui người ta làm một điếu, thấy tâm hồn lâng lâng sảng khoái. Khi buồn cũng kéo ống làm một điếu, thả hồn theo khói thuốc cho vơi đi tâm sự của mình. Khói thuốc lào cũng góp phần vào khoảnh khắc bí vần lạc điệu của khách văn nhân thi sĩ. Thuốc lào được hút nhiều ở miền Bắc, rồi lan dần đến miền Trung sau này. Do biến thiên xã hội, thuốc lào cũng đã theo chân những lưu dân đi dần vào phương Nam. Nhưng chắc là do thủy thổ, miền Nam nóng nực nên món chơi này ít được phổ biến hơn. Với nữa, đi đâu mà cứ lại kè kè cái ống điếu bên mình cũng cảm thấy bất tiện. Nhưng phải công nhận, thuốc lào có một sức hút mãnh liệt nào đó mới khiến cho mọi người say mê cho đến tận bây giờ. Thậm chí có những việc phải giải quyết trên bàn không thể không có cái ống điếu thuốc lào. Việc làng, việc họ, việc nhà, thuốc lào góp phần làm bình yên tất cả. Không biết đến bao giờ, hình ảnh cái bát điếu sành, cái ống điếu tre ngộ nghĩnh mới biến mất trong những lúc trà dư tửu hậu, bên những chén trà bình dân trên đường phố ở Hà Nội, bên những quán hàng nhỏ nhắn ở triền đê, mà nhiều nhất là ở những quán “cờ tây”. Làm một đĩa dính răng xong rồi kéo mấy điếu thuốc lào, thì chắc thật là không dễ. Dường như nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, một hình ảnh khó quên. Có khi nó đã trở thành một thứ văn hóa khó chịu mà buộc mọi người phải chấp nhận. Tuy vậy, đời sống và cách sống đã có nhiều thay đổi. Cái lối sống đô thị, phong cách sinh hoạt, làm việc khẩn trương cũng không cho phép ai kia có thời gian để phiêu du cùng khói thuốc. Thôi cứ chờ đi vậy!

NGUYỄN DŨNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuong-tu-thao-128919.html
Zalo