Sỏi san hô nguy hiểm không?
Bệnh sỏi san hô trong thận thường không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, điều này làm cho việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi san hô có thể gây tổn thương cho thận.
Đau thắt lưng bên phải đi khám mắc sỏi san hô
Bệnh nhân N.T.O. (65 tuổi, trú tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang khám với triệu chứng đau thắt lưng bên phải.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp X-quang, CT. Kết quả cho thấy có hình ảnh sỏi san hô thận phải, kích thước lớn chiếm toàn bộ lòng bể thận.
Sau khi được các bác sĩ giải thích đầy đủ về tình trạng bệnh lý, diễn tiến của bệnh, phương pháp điều trị và các nguy cơ có thể xảy ra, bệnh nhân nhất trí với phương án điều trị can thiệp mở bể thận trong xoang lấy sỏi. Trước khi mổ, bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm phục vụ phẫu thuật.
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ đã đã loại bỏ toàn bộ sỏi trong lòng bể thận, có nhiều sỏi san hô lớn, dài, khối lớn dài nhất tương đương với 1 ngón tay người trưởng thành, hình dạng như củ gừng và nhiều sỏi vụn. Sau khi lấy hết sỏi, bác sĩ tiến hành rửa các xoang thận, mô xung quanh thận rồi đóng vết mổ. Sau 120 phút, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Biểu hiện sỏi san hô
Sỏi thận san hô là tình trạng sỏi phân nhánh lấp đầy toàn bộ hoặc một phần của bể thận và đài thận.
Bệnh có những triệu chứng không rõ ràng nên thường khó phát hiện. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì sỏi san hô có thể làm hỏng thận như viêm thận, ứ nước bể thận rồi ứ mủ thận cuối cùng dẫn đến suy thận và tình trạng nhiễm trùng đường tiểu rất hay xảy ra có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng của người bệnh.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi san hô có thể gây tổn thương cho thận.
Sỏi san hô có nhiều điểm khác biệt so với sỏi thận thông thường. Sỏi san hô có triệu chứng không đặc hiệu nên thường bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh tình cờ qua chụp X-quang hoặc siêu âm thận tiết niệu.
Loại sỏi này rất ít khi gây nên cơn đau quặn thận điển hình ngay cả khi kèm với nhiễm trùng có thể tạo ra triệu chứng. Nó cũng có thể không xuất hiện triệu chứng điển hình của viêm bàng quang như: bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt. Những dấu hiệu thường gặp là cảm giác mệt mỏi, sút cân, chán ăn và đi tiểu sậm màu, đôi khi có thể gây ra nhiễm trùng thận với triệu chứng đau lưng, sốt cao và bắt đầu tiểu đục vv..
Nhiều người chủ quan cho rằng sỏi san hô không có triệu chứng, không gây đau là không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không điều trị, sỏi sẽ tăng dần về kích thước và để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Sỏi san hô là căn nguyên tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Sỏi có thể gây kích ứng nghiêm trọng, gây viêm mạn tính và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm.
Ngoài ra, ở mức độ nhẹ hơn, sỏi gây nhiễm trùng làm viêm đài – bể thận, áp xe thận, viêm xơ nhu mô thận,… Lúc này các triệu chứng rõ rệt hơn gồm: đau quặn thận, đau lưng sốt, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu. Chính vì vậy, sỏi san hô mặc dù hiếm gặp nhưng nếu chủ quan không điều trị hoặc không phát hiện sớm sẽ để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Lời khuyên bác sĩ
Sỏi san hô tạo thuận lợi cho quá trình nhiễm trùng đường tiết niệu nên có nguy cơ rất cao phát triển nhiễm trùng huyết, suy thận. Vì vậy, bệnh nhân cần điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt để tránh được các biến chứng.
Quá trình điều trị cần phải loại bỏ toàn bộ viên sỏi kể cả những mảnh vỡ nhỏ, vì nếu không những mảnh vụn sót lại này hoạt động như một ổ chứa nhiễm trùng tái phát và sẽ hình thành sỏi tái phát.
Sỏi san hô có thể được điều trị bằng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser. Phương pháp này có thể tán được các loại sỏi thận có kích thước > 1.5cm trong đó có sỏi san hô.
Vì thế khi có dấu hiệu khởi phát bệnh, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu để được chẩn đoán, tư vấn về hướng điều trị tốt nhất.