Tướng tình báo có lối làm việc 'xuất quỷ nhập thần' khiến địch quay mòng mòng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm được đánh giá là một trong những nhà tình báo lỗi lạc và huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm - tên thường gọi Sáu Trí (1924-2023, quê ở Gò Công, Tiền Giang), sinh ra trong gia đình truyền thống yêu nước. Ông nội Nguyễn Đình Hòe từng làm quan triều Nguyễn, bà nội là con quan đại thần. Ông nội Nguyễn Đình Hòe tham gia phong trào yêu nước, bị lộ, về Gò Công mai danh ẩn tích, mang theo cha ông là Nguyễn Văn Đồng.

Tấm gương yêu nước thương nòi của người cha đã truyền sang ông Nguyễn Văn Đồng; ông cũng tham gia phong trào yêu nước, là đảng viên An nam Cộng sản Đảng, từng sang Pháp hoạt động. Năm 1930 ông trở về nước, bị Pháp bắt, tra tấn dã man, đến năm 1937 được thả và một thời gian sau đó đã hy sinh. Sự hy sinh của người bố đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn, ký ức cậu bé Khiêm lúc đó mới 15 tuổi; và cậu đi theo cách mạng như một lẽ tự nhiên.

Để giữ bí mật, thời chống Pháp, ông đổi tên thành Phạm Duy Hoàng, thời chống Mỹ là Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (bên phải). (Ảnh tư liệu)

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (bên phải). (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1948, đầu năm 1949, Phòng tình báo Quân khu 7 được thành lập, ông Sáu Trí được cử làm Phó phòng phụ trách điệp báo. Thời gian này, ông thường thay mặt Phòng Quân báo Nam Bộ báo cáo trực tiếp tình hình với đồng chí Lê Đức Anh. Đến năm 1952, ông về phụ trách Phòng quân báo đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1953-1954, Bộ chỉ huy Sài Gòn - Chợ Lớn giao nhiệm vụ cho ông tìm cách xâm nhập hàng ngũ địch để hoạt động. Nhờ có người chị lấy chồng là Giám đốc Ty Công an, ông được nhận vào đó làm việc. Đây là vị trí vô cùng thuận lợi để ông có thể thu thập tin tức, tài liệu quan trọng của địch gửi về cho tổ chức.

Anh rể có vai vế, nhiều lần gợi ý đi học để thăng quan tiến chức nhưng ông làm bộ giữ ý, chỉ xin làm thư ký văn phòng. Với chức danh này, ông được tiếp xúc với tài liệu mật. Nhiều lần ông chuyển được những tài liệu về các trận càn quét địch định tổ chức, các cuộc vây ráp cán bộ ta của Ty Công an cho đồng chí Hai Văn (Thường vụ Xứ ủy), nhờ đó ta tránh được những tổn thất nặng nề.

Ông nhiều lần "xuất quỷ nhập thần" đột nhập nội thành Sài Gòn để lấy tin tức, xây dựng và củng cố, phát triển mạng lưới tình báo chiến lược… Ông được đánh giá là một trong những chiến sỹ tình báo chui sâu, leo cao trong hàng ngũ địch nhiều năm ròng rã, thu được những tin tức, tài liệu vô cùng quí giá phục vụ cách mạng, phục vụ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược như: tài liệu về các bước chiến lược chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam, Mỹ leo thang, xuống thang, tin về chiến tranh mở rộng sang CPC...

Cũng nhờ vị trí của mình, ông Sáu Trí và vợ góp phần bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Xứ ủy. Thời gian này, ông đã có lần báo cáo tin tức cho đồng chí Ba Duẩn tại nhà đồng chí Hai Văn. Lần khác, khi bắt gặp tài liệu của Miền lọt vào tay giặc, ông đã báo cáo kịp thời để ta truy tìm kẻ phản bội.

Từ tháng 1/1963 đến tháng 8/1965, ông là Cụm trưởng cụm tình báo A20. Nhiệm vụ của cụm là xây dựng lưới tình báo thành phố, xây dựng giao thông mật, bộ đội trinh sát. Anh em trong cụm là những chiến sĩ gan dạ, mưu trí, vừa hành động như tình báo chiến lược, vừa có khả năng chống địch càn quét. Năm 1963, cụm đã phục vụ đắc lực cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Từ 1965-1968, phòng tình báo Miền lập được những chiến công rực rỡ. Năm 1968, thành lập phòng tình báo Miền chuyên trách điệp báo, tình báo chiến lược; ông giữ chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng. Với cương vị của mình, ông góp phần xây dựng một cụm tình báo hoàn chỉnh, phát triển lực lượng tình báo cũ ở miền Nam, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Bên cạnh ông là những chiến sỹ tình báo chui sâu, leo cao trong hàng ngũ địch nhiều năm ròng rã, thu được những tin tức, tài liệu vô cùng quí giá phục vụ cách mạng, phục vụ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược như: tài liệu về các bước chiến lược chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam, Mỹ leo thang, xuống thang, tin về chiến tranh mở rộng sang Campuchia...

Thuộc thế hệ những cán bộ tình báo kỳ cựu, cùng thời với Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức... Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm là người có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần làm rạng danh ngành tình báo chiến lược Việt Nam.

Từ sau năm 1975, ông công tác tại Bộ Quốc Phòng. Ông mất năm 2023, khi vừa bước sang tuổi 100.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tuong-tinh-bao-co-loi-lam-viec-xuat-quy-nhap-than-khien-dich-quay-mong-mong-ar945542.html
Zalo