Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cây 'đại thụ' của văn học Nam Bộ
Tri ân nhà văn có nhiều đóng góp trong sự nghiệp văn học nước nhà, chương trình tọa đàm về nhà văn Nguyễn Quang Sáng có sự tham dự của đông đảo các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tại TPHCM, diễn ra sáng 6/12.
Được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn học nước nhà mà còn truyền cảm hứng cho những người cầm bút thế hệ nối tiếp.
Trước thềm năm mới, Hội nhà văn TPHCM tổ chức buổi hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Quang Sáng, góp phần khẳng định ông được trao tặng một giải thưởng nữa, đó là giải thưởng dành cho tác giả có sức ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng và vẫn đang cùng văn học TP.HCM, văn học Việt Nam đi tới ngày mai.
Nhắc đến truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, phải kể ngay đến những tác phẩm gần như đã thành kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam như: “Chiếc lược ngà”, “Quán rượu người câm”, “Tư Quắn” hoặc “Bàn thờ tổ của một cô đào”.
2024-12-6/nha-van-nguyen-quang-sang.jpg" style="width:100%;border: solid 1px #ffffff" title="" />
“Năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Quang Sáng rời nơi chôn nhau cắt rốn xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để đi theo kháng chiến. Tập tành viết lách từ năm 1952 tại rừng U Minh thời chống Pháp, nhưng sau khi tập kết ra Bắc thì Nguyễn Quang Sáng mới có truyện ngắn đầu tay. Đó là truyện ngắn “Con chim vàng” vào năm 1956. Và từ đó, Nguyễn Quang Sáng không chỉ là một “con chim vàng” của văn học Nam bộ mà còn là một mục từ cá tính trong từ điển văn học Việt Nam.
Sự độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là ông nhìn ra vẻ đẹp bất ngờ ẩn giấu bên trong những con người nhỏ bé và lầm lũi. Họ chịu đựng những thiệt thòi một cách nhẹ nhàng, họ gánh vác những mất mát một cách ung dung để họ được làm chủ chính mình, được cống hiến cho quê hương. Thông qua nhân vật đa dạng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không cao giọng rao giảng một sứ mệnh hay một thông điệp gì, mà mỗi tình huống, mỗi hành vi, mỗi lời nói từ các nhân vật tự bật ra giá trị cốt lõi của tinh thần nhân văn cao cả”, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Nguyễn Quang Sáng để lại những tác phẩm, những hình tượng nghệ thuật đặc sắc trong các tác phẩm văn xuôi như: Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua, 25 truyện ngắn, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn, Con mèo của Foujita, Nhà văn về làng….
Ông còn để lại những kịch bản phim điện ảnh - truyền hình: Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Câu nói dối đầu tiên, Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại, Con khỉ mồ côi và hàng chục tập phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt…..
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thanh Truyền nhận định: “Với người Việt yêu văn chương nghệ thuật, tên tuổi Nguyễn Quang Sáng đã quá quen thuộc. Trong nhà trường phổ thông, ông cũng là tác giả để lại ấn tượng cho học sinh, giáo viên. Bài học về lòng trung thực trong văn bản Bài văn bị điểm không ở cấp tiểu học đâu chỉ cần thiết cho trẻ thơ mà cho tất cả chúng ta, trong đó có văn nghệ sĩ.
Truyền thống gia đình, đất nước, tình yêu Tổ quốc trong truyện ngắn Chiếc lược ngà được dạy ở cấp trung học cơ sở là hành trang cần thiết cho mỗi con người trong mọi thời đại. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa bằng văn học, thông qua văn học là cần thiết, hiệu quả. Sáng tác của Nguyễn Quang Sáng sẽ là một lựa chọn hợp lí, đây cũng là mục tiêu mà tọa đàm lan tỏa”.