Hoa tam giác mạch - Sức sống mới trên cao nguyên đá ở vùng biên cương

Hà Giang thuộc vùng núi biên giới Đông Bắc, là địa đầu của Tổ quốc, có cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010. Ở vùng đất cực Bắc 'thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày', Hà Giang được thiên nhiên ban tặng một bức tranh thủy mặc vừa mộc mạc, vừa nguyên sơ. Nơi đây không chỉ đẹp bởi cảnh quan núi rừng hùng vĩ, những con đường uốn lượn quanh co dài bất tận, mà còn đẹp bởi những thửa ruộng bậc thang xen lẫn hoa tam giác mạch phơn phớt hồng trải dài ngút ngàn từ thung lũng tới các bản làng. Loài hoa ấy đã tạo ra một sức sống mới cho những phiến đá tai mèo lạnh lẽo.

Niềm vui của những đứa trẻ giữa cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn. Ảnh: Thúy Hạnh

Niềm vui của những đứa trẻ giữa cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn. Ảnh: Thúy Hạnh

Hàng năm, vào thời điểm từ tháng 10 đến cuối tháng 12, hoa tam giác mạch lại đua nhau khoe sắc trên vùng cao nguyên đá. Từng cánh đồng hoa tam giác mạch nở rực rỡ, nối tiếp nhau trải dài thơ mộng giữa núi rừng hùng vĩ, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của những người yêu vẻ đẹp thiên nhiên. Vẻ đẹp huyền ảo, mong manh của loài hoa này đã khiến nhiều du khách thập phương dường như phải lòng và khắc khoải tìm đến vùng đất địa đầu Tổ quốc để chiêm ngưỡng.

Trong thời tiết se lạnh giao mùa Thu - Đông cũng là lúc loài hoa tam giác mạch bé nhỏ lại nở rộ, nhuộm hồng cả vùng cao nguyên đá. Loài hoa nhỏ bé, mong manh, nhưng kiên cường khoe sắc giữa bạt ngàn núi đá đã thu hút du khách từ trong và ngoài nước tìm đến để chiêm ngưỡng. Những nụ hoa tam giác mạch nhỏ bé, yểu điệu, mỏng manh bạt ngàn màu sắc trắng xen lẫn với hồng tím, điệp với màu lá xanh giữa xung quanh là núi rừng, là những con dốc ngoằn ngoèo hay bản làng của người dân nơi đây luôn khiến người ta muốn được ngắm thêm thật nhiều, thật nhiều lần nữa.

Chị Huỳnh Thị Diễm Thúy, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai vui vẻ nói: “Tôi mới lên đây lần đầu tiên, nhưng tôi cảm nhận được sự tuyệt vời ở đây. Người dân rất thân thiện, phong cảnh thì rất đẹp, vì hoa tam giác mạch đang mùa nở rộ. Tôi không nghĩ là loài hoa tam giác mạch đẹp tới mức này luôn”. Cũng đến từ Đồng Nai, chị Trịnh Thu Hà lại có một suy tư: “Mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng. Nhưng tại đây, hoa tam giác mạch là biểu tượng đặc trưng của vùng cao nguyên đá. Nên tôi nghĩ, bất cứ ai chưa biết đến Hà Giang, chưa biết đến hoa tam giác mạch thì đó là một thiệt thòi”.

Đến từ tỉnh Bình Dương, chị Võ Thị Thúy bày tỏ cảm xúc của mình: “Tôi rất thích ngắm hoa tam giác mạch. Cảm xúc của tôi dâng trào khi được nhìn, ngắm hoa giữa không gian khoáng đạt, khí hậu mát mẻ, trong lành, tôi thấy rất thú vị”.

Một du khách người Anh, chị Jemima Wengraf bày tỏ: “Tôi cảm thấy con người và phong cảnh ở đây rất tuyệt vời. Rất may mắn khi chúng tôi biết được nơi này”.

Đồng Văn là một trong những huyện có diện tích trồng hoa tam giác mạch rất lớn của tỉnh. Đây cũng là địa phương thường tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch. Để tạo điểm nhấn phục vụ du khách, huyện Đồng Văn đã trồng trên 250ha hoa tam giác mạch tại các xã trọng điểm.

Những du khách thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm trên đồi hoa tam giác mạch. Ảnh: Thúy Hạnh

Những du khách thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm trên đồi hoa tam giác mạch. Ảnh: Thúy Hạnh

Hoa tam giác mạch - loài hoa của đất trời Hà Giang đã trở thành biểu tượng cho ý chí tinh thần mạnh mẽ, sức chịu đựng bền bỉ của con người vùng cao nguyên đá. Vẻ đẹp của hoa tam giác mạch không chỉ làm say đắm lòng người, mà ở nơi nhiều đá, hiếm đất, hiếm nước này, hoa tam giác mạch còn là một đồ ăn uống thơm, ngon vô cùng đặc biệt. Khi cuối tháng 11, đầu tháng 12, hoa tam giác mạch kết hạt, người dân bắt đầu thu hoạch. Hạt được mang về phơi khô và dùng để làm bánh, ủ rượu cho cả năm.

Trước kia, người dân chỉ trồng được 1 - 2 vụ lúa vì không có nước tưới và thời tiết không cho phép. Vì vậy, khi ngô lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau chưa tới, đời sống người dân u ám, vì trong bản không còn gì để ăn, loại bánh này đã trở thành thực phẩm cứu đói cho người dân trong những ngày giáp hạt. Đến nay, loại bánh từ hoa tam giác mạch đã trở thành đặc sản vùng cao nguyên đá, được du khách yêu thích và thường mua về làm quà. Bánh tam giác mạch có hương vị khá lạ.

Chị Sùng Thị Dính, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho hay: “Miếng bánh sau khi nướng có mùi thơm và một chút mùi hăng. Đó là mùi hương đặc trưng của bánh hoa tam giác mạch. Bánh có vị ngọt, dẻo như bánh nếp”. Bánh cắt ra có những hạt tím li ti trên bề mặt chính là hạt hoa tam giác mạch.

Ông Vàng Mí Và, ở xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn cho biết: “Đối với đời sống của người dân tộc Mông chúng tôi ở nơi cao nguyên đá, hạt của loài hoa tam giác mạch có ý nghĩa đặc biệt rất lớn. Khi giáp hạt khi không có lúa, ngô thì chỉ có hạt cây tam giác mạch để ăn”. Với khí hậu lạnh giá ở Hà Giang, được nếm thử một miếng bánh từ hoa tam giác mạch nóng hổi, thơm mùi hoa cỏ, du khách sẽ cảm nhận được hết nét đẹp của vùng cao nguyên này.

Anh Odeo, du khách đến từ Israel bày tỏ sự thích thú: “Bánh hoa tam giác mạch mà tôi đang nếm thử là món ăn lần đầu tiên trong đời tôi và có thể chỉ được ăn một lần. Nó có một chút vị ngọt bên trong và có vị giống như bột mì bình thường, một ít hương hoa trộn với nước. Nói chung là khá ngon. Tôi thích nó”.

Trên cao nguyên đá Đồng Văn, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Từ lợi thế được thiên nhiên ban tặng, đã tạo ra điểm nhấn trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh miền núi, biên giới. Du khách đến với Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch không chỉ đến để ngắm loài hoa mạnh mẽ, khoe sắc trên đá, mà còn đến để cảm nhận, thêm yêu vùng đất biên cương này.

Hạnh Thúy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-tam-giac-mach-suc-song-moi-tren-cao-nguyen-da-o-vung-bien-cuong-post484622.html
Zalo