Tướng Năm Châu - một thời với Hàm Tân - La Gi
Quân Pháp từ Phan Thiết tiến chiếm La Gi/Hàm Tân vào ngày mùng 3 tết Bính Tuất (4/2/1946), tức sau ngày nổi dậy Cách mạng Tháng Tám với trận Đồi Dương kỳ tích, chỉ mới năm tháng, tổ chức bộ máy chính quyền, lực lượng phòng vệ, vũ trang chưa ổn định…
Nhiều người dân còn nhớ, khi đoàn xe lính Pháp hành quân theo con đường sứ chạy qua ngã Trường Tiền tiến vào La Gi. Chiếc xe đi đầu cắm cờ đỏ sao vàng, nên có vài tự vệ tưởng lực lượng cách mạng của tỉnh, đã đứng ra reo mừng nhưng kịp nhận ra đó là địch đánh lừa ta và tức tốc báo động cho cơ quan và dân sơ tán chạy vào gò Thanh Minh, rừng Láng Găng, Suối Dứa… lẩn tránh. Kể từ đó dấu mốc lịch sử cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hàm Tân mở đầu giai đoạn “vườn không nhà trống” và trở thành vùng căn cứ địa phía Nam của tỉnh Bình Thuận cho đến ngày thắng lợi với Hiệp định Genève 1954. Lúc này Pháp cũng tiến hành chiếm đóng một số tỉnh miền Đông, một phân đội do Nguyễn Minh Châu từ Bà Rịa rút về Hàm Tân, phân tán trên địa bàn Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa trong sự đùm bọc của nhân dân địa phương. Giữa năm 1946 phân đội vũ trang Năm Châu được sáp nhập vào Trung đoàn 82 vừa thành lập, mang phiên hiệu đại đội Hoàng Hoa Thám hoạt động trên địa bàn Hàm Tân và Đại đội Phan Đình Phùng hoạt động ở Hàm Thuận...
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Hàm Tân gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ tiến tới việc thành lập đại đội đầu tiên do tỉnh hỗ trợ. Từ lực lượng dân quân tự vệ rồi phát triển thành đơn vị vệ quốc đoàn ở địa phương đã cùng phối hợp với các đơn vị Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng thuộc Trung đoàn 82 của tỉnh Bình Thuận tạo nên thế trận chiến lược ngày thêm vững vàng, đã gây khó khăn không ít cho những cứ điểm đóng quân của Pháp ở La Gi, Tân Lý, Tam Tân và xa hơn là Thạnh Mỹ, Thắng Hải... Cũng trong thời gian này, nhiều trận phối hợp phục kích như Láng Cát (Tân An), Bến đò Ông Ra (Tân Lý), đồn Kế Thôn (Tam Tân), đồn Bà Đại Chợ La Gi)… đã tạo được khí thế mới về hoạt động vũ trang, kết hợp diệt ác gây cho địch nhiều tổn thất, khiếp sợ.
Nhưng dấu ấn có tác động lớn nhất là trận đánh mang tính chiến lệ tại cánh rừng dầu Mã Thánh ngày 7/8/1947 (Tân Lý, La Gi ngày nay). Khi đó Pháp huy động một lực lượng trang bị quy mô, có cả bầy ngựa chiến mở đường ào ạt tiến lên địa bàn các làng Tam Tân, Phong Điền, Thạnh Mỹ... Đang lúc Đại đội Hoàng Hoa Thám thuộc Trung đoàn 82 do Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu (tức tướng Năm Châu) chỉ huy có mặt ở La Gi. Khó mà nghĩ đến trận đánh chỉ một đại đội, vũ khí còn thô sơ mà đương đầu với lực lượng lính Pháp, trang bị hỏa lực hùng hậu trong khi thế trận bên ta hoàn toàn không cân sức, nguy cơ bị động. Nhưng tầm nhìn và tài thao lược, quyết đoán của Đại đội trưởng Năm Châu và lợi thế về địa hình đã tạo ra sự bất ngờ, dồn địch vào tình cảnh hoảng loạn. Trận đánh bằng mưu trí, dũng cảm của lực lượng phối hợp đã nhanh chóng kết thúc và thắng lợi. Ngay tại chiến trường đã diệt 47 tên, làm bị thương 18 tên, trong đó có 2 sĩ quan Pháp. Về vũ khí thu được 1 trung liên Brem, 1 tiểu liên Sten, 37 súng trường Anh và nhiều đạn dược, quân dụng… Bên ta có 2 chiến sĩ hy sinh và 3 bị thương. Một kết quả quá lớn đối với ta lúc bấy giờ không thể nào nghĩ đến.
Đến tháng 10/1948, từ lực lượng dân quân địa phương phát triển lên thành lập Huyện đội dân quân do ông Hứa Tự An làm huyện đội trưởng và mỗi xã có biên chế tiểu đội du kích thoát ly… Có lẽ với sự tác động từ các chiến trường trong tỉnh cho nên đến giữa năm 1949, Pháp rút khỏi đồn La Gi là cứ điểm cuối cùng để địa bàn này hoàn toàn thuộc khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Bình Thuận.
Danh tiếng bộ đội Năm Châu những năm 1947-1948 không những gắn liền với vùng kháng chiến Hàm Tân - La Gi mà tạo được thanh thế qua mưu kế cải trang, chỉ một tiểu đội đánh kỳ tập, tiêu diệt đồn Lầu Ông Hoàng và nhiều trận diễn ra ở Hàm Tân, La Gi như trận Sông Dinh (Tân Nghĩa), trận Láng Cát (Tân An), trận chống càn Cầu Cui, trận Sở Bộ Ngay, trận cây Khô… bằng khả năng vận dụng tình thế để thắng địch và trở thành kinh nghiệm, chiến lệ trong lịch sử quân sự Bình Thuận.
Tôi có may mắn tiếp cận được những nhân chứng sống với hào khí đó, trong quá trình được tham gia làm các cuộc hội thảo, nghiên cứu, thu thập tư liệu lịch sử địa phương qua các thời kỳ. Đây cũng là dịp các lãnh đạo đã vào tuổi 70- 80, từng có vai trò của một thời ở đây với niềm vui hội ngộ, kể cho nhau nghe về đồng đội, những ngày gian khổ, thời máu lửa. Thật sự tôi rất ngưỡng mộ hình ảnh của họ có những năm tháng lăn lộn, đồng cam cộng khổ với phong trào và cống hiến cho mảnh đất quê hương này. Trong số đó, tướng Năm Châu với phong cách bình dị, một trái tim thủy chung. Những lần ông về quê vợ ở Phong Điền cùng bà Ngà thăm lại mảnh vườn xưa dù những hàng dừa, hàng cau không còn trĩu trái do chiến tranh và già cỗi. Vẫn chiếc nón lá ông luôn mang theo, đặt trên băng ghế sau của chiếc ô tô tiêu chuẩn mới thấy tưởng là lạc lõng nhưng biểu hiện tính cách sống chân thật, dân dã của ông - của một tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trong trận mạc.
Được sống lại cảm xúc về sự kỳ diệu của một chặng đường đầy bão tố của đất nước, quê hương đã sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử, những tượng đài bất tử… Trong đó, với tôi hình ảnh cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu mà tự đáy lòng mình rất khâm phục. Tướng Nguyễn Minh Châu sinh năm 1921 tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Từ sớm ông tham gia lực lượng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại địa phương và hoạt động thám báo vùng Sài Gòn. Từ một trinh sát viên gan dạ của một Tiểu đội trưởng, Phân đội trưởng… rồi trở thành chỉ huy một đơn vị đánh địch giữ cầu Thị Nghè tại Sài Gòn… Lần lượt ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 186, thuộc Trung đoàn 82, trực tiếp các trận ở Hàm Thuận, Phan Thiết, Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận và địa bàn giáp ranh Xuyên Mộc, Bà Rịa… Tính đến năm kết thúc chiến tranh đánh Pháp 1954, ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108, Trung đoàn thuộc Liên khu V rồi Tham mưu trưởng, Tư lệnh phó Sư đoàn 305 và sau đó là Sư đoàn 325, Quân khu IV- lúc đó ông chỉ ở khoảng 34 -36 tuổi.
Thời gian khó khăn nhất, lực lượng tướng Năm Châu đứng chân ở địa bàn Phong Điền, Tam Tân, cũng từ đây mối lương duyên giữa tướng Năm Châu và bà Huỳnh Thị Ngà nên vợ nên chồng. Lại thêm bí danh Năm Ngà có từ đó mới thấy tình yêu nồng nàn của ông với một tiểu thư đài các, vượt qua sự phân biệt giai tầng xã hội. Bà Ngà là người con gái đẹp nhất làng Phong Điền (nay là xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) thuộc gia đình đại điền chủ, giàu có. Tuy vậy, với truyền thống yêu nước của người dân địa phương luôn phát huy mạnh mẽ, trở thành phong trào trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Thân phụ của bà Huỳnh Thị Ngà là ông Huỳnh Mão (còn gọi là Đập Mão) đã có mặt trong lực lượng nổi dậy cướp chính quyền và ông Huỳnh Mão với vai trò là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của làng Phong Điền… cho đến năm 1946 Hàm Tân, chính quyền 3 làng Phong Điền hợp nhất thành xã Hòa Bình thuộc huyện Hàm Tân. Sau khi Pháp chiếm lại Hàm Tân, do ý đồ thâm độc của địch, đã lùng bắt ông Huỳnh Mão đưa đi xử bắn ngay tại chợ La Gi nhằm khủng bố phong trào cách mạng địa phương.
Với mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân Hàm Tân- La Gi, đặc biệt với làng Phong Điền đối với lực lượng vũ trang do đại đội Nguyễn Minh Châu chỉ huy trở nên khắn khít, đích thực với ý nghĩa tình quân dân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Trong chống Pháp có thể nói dấu chân của lực lượng tướng Năm Ngà ghi đậm những chiến công lừng lẫy trên vùng đất Hàm Thuận - Hàm Tân… Sau này, trong thời kỳ chống Mỹ, tướng Nguyễn Minh Châu tiếp tục ở nhiều cương vị chỉ huy quân sự quan trọng, gắn bó với chiến trường Liên Khu V, Khu VI và Bình Thuận.
Chức vụ Tư lệnh Quân khu VII, rồi Phó tổng thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu, lúc 78 tuổi mang quân hàm thượng tướng. Rất nhiều lời ca ngợi bằng sự tôn vinh, bằng ấn tượng sâu sắc về vị tướng huyền thoại, sống giản dị… Không thể nào kể hết chặng đường binh nghiệp của nhà quân sự lừng danh Nguyễn Minh Châu, mà những chiến sĩ dưới quyền của ông và người dân ở các vùng đất mà ông từng trú quân đều quen với tên gọi tướng Năm Châu bằng một tấm lòng ngưỡng mộ, mến thương. Cho nên với người dân ở Hàm Tân, La Gi còn gọi ông với biệt danh nghĩa tình, mến phục - tướng Năm Ngà.