Tương lai sóng gió của Thủ tướng Justin Trudeau

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bất ngờ cải tổ Nội các hôm 20/12 với 12 vị trí trong chính phủ nhằm cứu vãn tình hình. Động thái này cho thấy chính phủ và chiếc ghế của ông đang lung lay trước những áp lực lớn từ các đảng đối lập.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang đứng trước áp lực kêu gọi từ chức. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang đứng trước áp lực kêu gọi từ chức. (Nguồn: AP)

Sự thay đổi nhân sự cấp cao bất ngờ hôm 20/12 ở Ottawa được coi là một trong những đợt cải tổ Nội các lớn nhất kể từ khi ông Trudeau lên nắm quyền cách đây 9 năm. Trước đó, hôm 16/12, bà Chrystia Freeland - nghị sĩ Quốc hội đảng Tự do cũng đã bất ngờ tuyên bố từ chức Bộ trưởng Tài chính chỉ vài giờ trước khi trình bày báo cáo kinh tế mùa Thu của chính phủ liên bang và những bất đồng trong ứng phó với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Bất đồng gia tăng

Sự bất đồng về cách ứng phó với lời đe dọa áp thuế cao đối với hàng hóa Canada của Donald Trump dường như đã dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa cựu Phó Thủ tướng Chrystia Freeland và Thủ tướng Justin Trudeau. Bà Freeland có quan điểm khác với ông Trudeau về cả mức độ rủi ro nghiêm trọng mà mối đe dọa áp thuế của Trump gây ra và những gì cần phải thực hiện.

Bà Freeland coi đây là vấn đề nghiêm trọng và tin rằng viễn cảnh áp thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều quyết định của chính phủ ngay lúc này. Vì lý do đó, bà Freeland phản đối kế hoạch của chính phủ là gửi séc 250 CAD (174,48 USD) cho hầu hết người dân Canada đang đi làm vào tháng 4/2025 tới. Bà cho rằng, sau này, Canada có thể cần đến số tiền đó để hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ lớn, cắt giảm việc làm và cắt giảm doanh thu thuế hàng hóa và dịch vụ mà thuế quan của ông Trump có thể gây ra.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Freeland cũng không đồng tình với một số người khác trong chính phủ liên bang về chiến lược đàm phán với ông Trump. Bà ủng hộ trì hoãn việc đưa ra các nhượng bộ trong thời gian tới vì lo ngại điều đó sẽ chỉ càng khiến ông Trump đặt ra nhiều yêu cầu hơn, trong khi những người khác cho rằng Ottawa nên cố gắng xoa dịu Tổng thống đắc cử Mỹ trước khi ông nhậm chức với hy vọng thuyết phục được ông không áp dụng thuế quan.

Truyền thông Canada bình luận rằng ông Trudeau từng cân nhắc tới việc cải tổ Nội các trong thời gian qua, nhưng việc từ chức đột ngột của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland đã buộc ông phải hành động nhanh chóng.

Cuộc cải tổ Nội các lần này diễn ra vài ngày sau những biến động lớn đối với đảng Tự do và được coi là nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định cho Canada, bất chấp những sức ép mạnh mẽ trong đảng đòi ông Trudeau từ chức. Chỉ riêng trong năm 2024 đã có 9 bộ trưởng Nội các từ chức hoặc tuyên bố không tái tranh cử hoặc bị sa thải. Trang CBC News dẫn một nguồn tin từ chính phủ cho biết thời điểm và quy mô của cuộc cải tổ này chưa được coi là tín hiệu cho thấy Thủ tướng đã quyết định về tương lai của ông.

Sóng gió bủa vây

Những câu hỏi xoay quanh vấn đề tương lai của ông Trudeau đang nổi lên khi mức độ ủng hộ ông giảm sút trong nhiều cuộc thăm dò thời gian qua và ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông từ chức từ chính những thành viên trong đảng Tự do cũng như của phe đối lập.

Trong cuộc họp báo hôm 16/12, lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre nói rằng Thủ tướng Trudeau đã mất quyền kiểm soát và thúc giục đảng Dân chủ mới (NDP) tham gia cùng các đảng đối lập khác để đánh bại chính phủ Tự do thiểu số. Ông nhấn mạnh rằng “Bộ trưởng Tài chính đã từ chức giữa lúc khủng hoảng kinh tế và 1/5 nhóm của ông ấy (Thủ tướng Trudeau) đã mất lòng tin vào ông. Điều đó cho thấy Thủ tướng Justin Trudeau đã mất kiểm soát nhưng ông vẫn nắm giữ quyền lực”.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng NDP Jagmeet Singh, người đã chống đỡ cho chính phủ Trudeau, đã đưa ra tuyên bố rằng cuộc đấu đá nội bộ đang diễn ra của đảng Tự do đã ảnh hưởng tới việc giải quyết các thách thức kinh tế của đất nước. Sau đó, ông Singh đã kêu gọi Thủ tướng Trudeau từ chức nhưng không nói rằng đảng của ông sẽ không còn đặt niềm tin vào chính phủ của đảng Tự do, đây là điều cần thiết để thúc đẩy một cuộc bầu cử. Mặc dù các phóng viên đã nhiều lần đặt câu hỏi về lập trường của đảng NDP, song ông Singh chỉ nói rằng “mọi lựa chọn đều có thể xảy ra”.

Ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Freeland tuyên bố từ chức hôm 16/12, ít nhất 5 nghị sĩ đảng Tự do cũng đã kêu gọi Thủ tướng Trudeau từ chức. Nghị sĩ của West Vancouver-Sunshine Coast, ông Patrick Weiler, người cách đây vài tháng là một trong số nhiều nghị sĩ đã đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo đảng của Thủ tướng Trudeau cho biết những diễn biến ngày hôm nay chỉ củng cố thêm lời kêu gọi này.

Hôm 20/12, lãnh đạo NDP Jagmeet Singh cũng đã công khai ý định của đảng này về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau tại phiên họp tiếp theo của Hạ viện, dự kiến vào đầu năm 2025. Trong bức thư được công bố công khai, ông cho rằng đảng Tự do "không xứng đáng có thêm một cơ hội nữa" và đó là lý do tại sao đảng NDP sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ hiện nay.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận với đảng Tự do, đảng NDP vẫn bỏ phiếu ủng hộ chính phủ trong 3 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua, nhưng với thông báo mới nhất này, thì khả năng Chính phủ sẽ không thể trụ lại được bởi cả 3 nhà lãnh đạo đảng đối lập lớn đều muốn tổ chức bầu cử sớm vào năm tới.

Hạ viện Canada dự kiến nhóm họp trở lại vào ngày 27/1/2025 và khả năng một động thái bất tín nhiệm sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2025 nếu Thủ tướng Trudeau chưa từ chức.

Đứng trước những áp lực đang ngày càng gia tăng của các đảng đối lập, đặc biệt với tuyên bố của ông Patrick Weiler rằng “Thủ tướng đã đánh mất lòng tin của nhiều nghị sĩ và người dân cả nước”, thì việc ông Trudeau có trụ vững được hay không đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ ở Ottawa.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuong-lai-song-gio-cua-thu-tuong-justin-trudeau-298201.html
Zalo