Tương lai rực rỡ từ Nghị quyết 68-NQ/TW
Ngày 4/5/2025, ngày Tổng Bí thư Tô Lâm ký Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), với quan điểm chỉ đạo 'KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia'; sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, tôi đã chứng kiến những khó khăn trong nền kinh tế bao cấp, thấm thía những vất vả của những người làm KTTN. Mẹ tôi là một minh chứng gần gũi, rõ ràng nhất.
Chồng mất sớm, để nuôi đàn con ăn học, bà tảo tần buôn bán nhiều mặt hàng, đôi khi còn phải chấp nhận mang tiếng “con buôn kiếm ăn ngoài chợ đen”. Không giàu có hay “siêu lợi nhuận” gì, thành quả kiếm được có khi chỉ vài ký gạo. Những ký gạo ấy còn phải vất vả “né” các trạm kiểm soát, vượt qua sông, suối mùa lũ dữ có thể nguy hiểm đến tính mạng, mới về tới nhà.
Thời kỳ kinh tế mở cửa, mẹ tôi cũng là một trong những người đầu tiên ở địa phương lập doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng. Công ty có lúc thịnh, lúc suy, rồi hoạt động cầm chừng, rồi phải đóng cửa; những nguyên nhân chính là khó khăn trong cấp phép, thủ tục hành chính, quy định pháp lý trong lĩnh vực chưa rõ ràng, tranh chấp vì chồng lấn bồi thường, khiếu kiện… Mẹ tôi qua đời vào đợt đại dịch Covid-19, trong khi một số vụ khiếu nại mà bà đứng đơn vẫn đang trong quá trình giải quyết dang dở.
Đọc Nghị quyết 68 nêu nguyên nhân về những vất vả mà khối KTTN phải trải qua, tôi rưng rưng thấy hình bóng mẹ tôi và nhiều doanh nhân khác mà tôi biết. Đó là “tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. KTTN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao”.
Nhưng từ nay, những trở ngại ấy đã không còn, khi Nghị quyết 68 khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng “KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng”; “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN Việt Nam; (…) tôn trọng DN, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; (…) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN và doanh nhân; bảo đảm KTTN cạnh tranh bình đẳng”.
Những nội dung chỉ đạo nêu trên không chỉ là một sự “cởi trói”, mà thực sự là một “cuộc cách mạng” trong thay đổi quan niệm để phù hợp với thời đại và thực tế xã hội. Nghị quyết 68 mang niềm vui lớn đến với giới doanh nhân và người dân, tin tưởng vào một tương lai rực rỡ của nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên phát triển thịnh vượng. Và tôi tin ngay cả với người mẹ kính yêu của tôi ở bên kia chín suối, cũng đang nở một nụ cười yên lòng.