Tương lai của một thế giới nghiện hình ảnh và thuật toán

'Tôi thức dậy vào buổi sáng. Việc đầu tiên không phải đánh răng, mà là mở điện thoại lướt video trên TikTok, Facebook trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, hết clip này đến clip khác. Cả giờ trôi qua, tôi không nhớ mình vừa xem cái gì, nhưng vẫn tiếp tục kéo xuống vì não đang đòi thêm dopamine, chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, ảnh hưởng đến các cảm giác của chúng ta như vui vẻ, hài lòng.

Việc nghiện hình ảnh và thuật toán có thể làm xói mòn khả năng tư duy sâu sắc, sự kết nối xã hội của con người.

Việc nghiện hình ảnh và thuật toán có thể làm xói mòn khả năng tư duy sâu sắc, sự kết nối xã hội của con người.

Đặt một quyển sách hay, một bài viết sâu sắc dài 10 trang trước mặt. Tôi đọc được vài đoạn, đã thấy bứt rứt, khó chịu, phải cầm điện thoại lên. Não tôi đã quen với nhịp kích thích nhanh và ngắn, không chịu nổi sự chậm rãi của suy nghĩ sâu.

Tôi nhận ra giờ đây mình rất ngại đọc một bài viết dài phân tích về một vấn đề xã hội. Nhưng chỉ cần một tấm meme chế ảnh châm biếm vấn đề đó, lập tức được tôi cũng như hàng ngàn người khác lao vào like và share “điên đảo”. Thị giác nhanh gọn đánh bại lý trí”.

Nhân vật tôi đó không phải ai cả, nhưng lại có thể là tất cả chúng ta, những người đang mắc một “căn bệnh” nghiện hình ảnh và thuật toán.

Tất cả nền tảng lớn như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, các tờ báo mạng nay đều vận hành bằng nguyên lý cơ bản: hình ảnh bắt mắt + thuật toán nuôi dưỡng thói quen tiêu thụ. Càng lướt, càng xem, càng tương tác, thuật toán càng hiểu người dùng và bơm thêm đúng thứ họ dễ nghiện. Đổi lại, người dùng mất dần năng lực chủ động tư duy, tập trung dài hạn, và khả năng phản biện.

Hình ảnh không cần lý luận. Nó đánh thẳng vào cảm xúc nguyên thủy: tò mò, tức giận, vui sướng, thèm muốn, ghen tị. Một bức ảnh hoặc video ngắn có thể làm người ta bấm xem hoặc chia sẻ trước khi họ kịp suy nghĩ. Một vòng lặp tiêu thụ ngắn ngủi, không đòi hỏi trí tuệ mà vẫn thỏa mãn não bộ.

Thuật toán thì càng nguy hiểm hơn: nó xây một "nhà tù vô hình" cho từng cá nhân. Mỗi người sống trong bong bóng thông tin do máy móc thiết kế riêng, tưởng mình đang tự do nhưng thật ra chỉ đang nhai lại những gì dễ chịu với mình. Tư duy đối lập bị bóp méo hoặc không bao giờ xuất hiện. Xã hội vì thế phân mảnh thành các nhóm không thể đối thoại được nữa.

Hệ lụy của việc này là to lớn. Não bộ mỗi người trong chúng ta bị tái lập trình theo hướng tìm kiếm phần thưởng nhanh để thỏa mãn nhu cầu dopamine. Ta trở nên khó học cái mới, khó đọc sâu, khó làm việc dài hơi. Trí nhớ ngắn hạn bùng nổ, trí nhớ dài hạn teo tóp.

Xã hội thì lan tràn thông tin rác, thông tin giả, thuyết âm mưu. Người ta không còn thực sự tìm kiếm chân lý, chỉ tìm cái củng cố cảm xúc của mình. Thuật toán còn đẩy mạnh cực đoan hóa. Người dùng dễ bị thao túng bằng hình ảnh hoặc tin giật gân mà không cần kiểm chứng.

Trong văn hóa, chiều sâu suy nghĩ và tính nghệ thuật chân chính bị thui chột, thay bằng các sản phẩm thị giác nông cạn, dễ dãi, chạy theo lượt xem. Bài hát, bản nhạc không có giá trị gì nếu không thuộc hàng “triệu view” và ngược lại.

Biểu hiện của sự nghiện hình ảnh và thuật toán rất rõ ràng nếu ta chịu nhìn thẳng. Đầu tiên là nay ta chỉ tin thứ mình muốn tin. Ví dụ: Một người thích thuyết âm mưu về vaccine và tìm kiếm trên mạng. Thuật toán hiểu điều đó, bơm thêm hàng trăm video, bài viết, hình ảnh củng cố niềm tin của anh ta. Sau vài tháng, người này tin chắc chắn vaccine giết người, dù mọi bằng chứng khoa học nói điều ngược lại.

Chúng ta phản ứng theo cảm xúc thay vì suy nghĩ. Một tin tức giật gân được tung lên mạng “Bé gái bị bỏ đói đến chết trong nhà", thật ra chỉ là tiêu đề gây sốc, nội dung khác hoàn toàn. Nhưng cả ngàn comment phẫn nộ tràn vào chỉ dựa trên cái tiêu đề, không ai chịu đọc nội dung. Đám đông nổi điên vì thứ họ tưởng tượng ra, không phải sự thật.

Nghiên dopamine từ các video ngắn, ta có xu hướng luôn cần kích thích mới. Ta không thể ngồi yên trong quán cà phê mà không lướt điện thoại. Không thể chờ bạn đến mà không check Facebook. Mỗi khoảnh khắc rảnh đều bị lấp bằng video ngắn, ảnh meme, tin nhắn nhanh. Bộ não rơi vào trạng thái liên tục đòi hỏi "kích thích mới", như một con nghiện vật thuốc.

Dạng nghiện ngập này khiến chúng ta không còn chịu nổi sự nhàm chán. Một đứa trẻ được cho xem YouTube từ nhỏ. Khi mất điện thoại, nó không biết chơi gì, không chịu ngồi yên, cáu bẳn, la hét. Bộ não nó đã học rằng "thế giới thật" nhàm chán hơn "thế giới hình ảnh và thuật toán" rất nhiều lần.

Đó là những cảnh tượng sinh động và ám ảnh nhất của xã hội ngày nay. Những cảnh đó không còn là ngoại lệ mà đã trở thành chuẩn mực hành vi ở rất nhiều nơi.

Có ai đó nói rằng con người đang biến thành những “sinh vật tiêu thụ hình ảnh”, đôi khi với “tốc độ ánh sáng”. Trên TikTok, người ta làm cả tóm tắt tiểu thuyết kinh điển như Chiến tranh và Hòa bình thành video 1 phút. Một tiểu thuyết hàng ngàn trang, vài trăm nhân vật, bị băm nhỏ thành vài cảnh drama “dễ tiêu hóa”. Người xem sẽ không bao giờ cảm nhận được chiều sâu của chiến tranh, tình yêu, hay số phận, chỉ còn nhớ "À, có mấy anh đẹp trai và mấy vụ cãi nhau”. Có thể nói đây đúng là biến hóa trí tuệ nhân loại thành fast-food.

Khi nghiện hình ảnh, nghiên thuật toán, ta bị kiểm soát tư duy mà không hề biết.

Điều đáng sợ: Ta tưởng mình "thức tỉnh", tìm ra sự thật, nhưng thực chất chỉ là bị thuật toán tiêm vào đầu một phiên bản sự thật được chỉnh sửa.

Thuật toán còn khiến văn hóa, nghệ thuật sụp đổ về chiều sâu. Netflix, dịch vụ phát trực tuyến cung cấp các bộ phim, chương trình truyền hình, đã điều chỉnh thuật toán đề xuất phim: các phim càng có tiết tấu nhanh, cảnh hành động sớm trong 5 phút đầu, nhiều cảnh “lật ngược tình huống” (plot twist) thì càng được đề xuất nhiều hơn. Những bộ phim xây dựng chậm rãi, chiêm nghiệm như The Godfather hay 2001: A Space Odyssey không còn được ưa chuộng. Người xem chỉ cần cảm xúc nhanh, sốc nhanh, còn cái đẹp chậm rãi, cái sâu xa bị bỏ rơi.

Sherry Turkle, giáo sư Đại học MIT, trong cuốn Alone Together (Cùng nhau cô đơn) chỉ ra rằng "web hứa hẹn làm cho thế giới của chúng ta lớn hơn. Nhưng như cách nó hoạt động hiện nay, nó cũng thu hẹp sự tiếp xúc của chúng ta với các ý tưởng", theo Niche Quotes. Bà lo ngại rằng chúng ta có thể kết thúc trong một bong bóng thông tin, nơi chúng ta chỉ nghe những ý tưởng mà chúng ta đã biết hoặc đã thích.

Thuật toán còn khiến kỹ năng sống cơ bản bị teo tóp. Một khảo sát tại Mỹ cho thấy một tỷ lệ đáng kể thanh thiếu niên thiếu kỹ năng đọc bản đồ giấy và phụ thuộc vào Google Maps để điều hướng. Cụ thể, một nghiên cứu được công bố trên StudyFinds cho biết chỉ có 18% người tham gia cảm thấy "rất tự tin" trong khả năng đọc bản đồ truyền thống, trong khi gần một nửa số người trưởng thành trung niên tự tin về kỹ năng này. Đặc biệt, 15% thế hệ millennials (khoảng 1 trong 7 người trên thế giới) thừa nhận chưa bao giờ thử đọc bản đồ giấy.

Bà Sherry Turkle cảnh báo rằng công nghệ tạo ra "ảo tưởng về sự đồng hành mà không có những đòi hỏi của tình bạn". Bà cho rằng chúng ta "cô đơn nhưng sợ sự thân mật", và vì vậy, công nghệ cung cấp cho chúng ta một sự kết nối giả tạo, khiến chúng ta ngày càng xa cách nhau hơn. Một người dành hàng giờ mỗi ngày để trò chuyện qua mạng xã hội, nhưng khi gặp gỡ trực tiếp, họ cảm thấy lúng túng và không biết cách duy trì cuộc trò chuyện.

Các chuyên gia đều cảnh báo rằng nếu chúng ta không nhận thức và điều chỉnh, việc nghiện hình ảnh và thuật toán sẽ tiếp tục làm xói mòn khả năng tư duy sâu sắc, sự kết nối xã hội và sức khỏe tâm thần của chúng ta. Đã đến lúc chúng ta cần chủ động kiểm soát cách mình tương tác với công nghệ, để không trở thành nạn nhân của chính những công cụ mà chúng ta tạo ra.

Thủy Nguyễn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuong-lai-cua-mot-the-gioi-nghien-hinh-anh-va-thuat-toan-10308983.html
Zalo