Tuổi trẻ dân tộc hội tụ trên đất Tây Đô

Từ 29 - 31.5, tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật TP Cần Thơ, Ngày hội Giao lưu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam lần thứ IX năm 2025 sẽ chính thức diễn ra.

Sự kiện do Bộ VHTTDL và UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Văn phòng Bộ VHTTDL phối hợp với Sở VHTTDL TP Cần Thơ tổ chức thực hiện.

Theo BTC, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Ngày hội hứa hẹn sẽ là không gian sôi nổi, thấm đẫm bản sắc vùng miền, nơi những tài năng trẻ cùng nhau thắp sáng niềm tin và khát vọng cống hiến.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam năm 2023

Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam năm 2023

Sân chơi văn hóa gắn kết và lan tỏa

Giao lưu năm nay quy tụ hơn 200 HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu, đại diện cho 12 cơ sở đào tạo thuộc ngành VHTTDL khu vực phía Nam, gồm: Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu, Trường CĐ Du lịch Đà Lạt, Trường CĐ Du lịch Cần Thơ, Trường Trung cấp Múa TP.HCM, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia cơ sở Cần Thơ và Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao TP Cần Thơ.

Trong không gian sôi nổi và đầy bản sắc, HSSV dân tộc thiểu số sẽ được tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Lễ dâng hương tưởng niệm; các phần thi văn hóa - thể thao - nghệ thuật; chương trình giao lưu nghệ thuật; đốt lửa trại và hành trình về nguồn.

Mỗi hoạt động đều mang đậm nét đặc trưng dân tộc, vừa gợi mở tinh thần học hỏi, vừa tạo cơ hội giao lưu, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa các vùng miền trên dải đất hình chữ S.

Chương trình gồm 5 hoạt động chính, mở đầu bằng Lễ dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Vua Hùng lúc 7h ngày 30.5. Đây là nghi lễ trang trọng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc.

Tiếp theo là chuỗi phần thi mang đậm màu sắc giao lưu và bản sắc văn hóa, góp phần tạo nên không khí sôi nổi, gắn kết. Trong đó, phần thi cổng trại là dịp để các đoàn thể hiện sự sáng tạo qua thiết kế, trang trí và thuyết minh, lồng ghép tinh thần văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Phần thi thể thao dân gian với các trò chơi truyền thống giúp tăng tính tương tác, khơi dậy tinh thần đồng đội. Thi biểu diễn văn nghệ hứa hẹn mang đến những tiết mục đặc sắc, tái hiện sinh động sắc màu văn hóa vùng miền, góp phần làm phong phú không gian nghệ thuật và lan tỏa tinh thần đoàn kết trong Ngày hội.

Điểm nhấn của sự kiện là đêm Giao lưu nghệ thuật, diễn ra tối ngày 30.5. Tại đây, ngoài phần biểu diễn nghệ thuật, chương trình sẽ trao học bổng Vừ A Dính và học bổng Báo Người Lao Động dành cho HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu, cùng phần trao giải cho các phần thi trong ngày.

Ngay sau đó (từ 21h30 - 23h30), chương trình sẽ tiếp nối với hoạt động Đốt lửa trại và liên hoan giao lưu, hoạt động được mong chờ nhất với những vòng tay nối tròn ấm cúng, cùng lời ca, tiếng hát, câu chuyện sẻ chia, thắt chặt tinh thần đoàn kết, thân ái.

Khép lại chương trình là Chuyến hành trình về nguồn vào ngày 31.5, đưa các đoàn đến tham quan các di tích lịch sử, danh thắng và điểm du lịch tiêu biểu tại TP Cần Thơ, từ đó tăng thêm hiểu biết và niềm tự hào về vùng đất Tây Đô giàu truyền thống cách mạng và văn hóa.

BTC, đại biểu khách mời và HSSV tại Ngày hội Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam năm 2023, tổ chức tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM

BTC, đại biểu khách mời và HSSV tại Ngày hội Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam năm 2023, tổ chức tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM

Ngày hội của sự kết nối, lòng biết ơn và khát vọng tuổi trẻ

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết: “Ngay sau khi nhận được kế hoạch từ Bộ VHTTDL, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp cùng Văn phòng Bộ triển khai công tác chuẩn bị.

Từ khảo sát thực tế, lựa chọn và thống nhất địa điểm tổ chức, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng hoạt động, đến các phương án hậu cần, truyền thông, an ninh và y tế - tất cả đều được lên kế hoạch bài bản, kỹ lưỡng. Các đơn vị trực thuộc Sở đã được phân công rõ ràng, đảm bảo chương trình diễn ra suôn sẻ, an toàn, có chiều sâu giáo dục và lan tỏa rộng rãi”.

Cũng theo ông Tuấn, Sở đã chủ động phối hợp với các điểm tham quan trên địa bàn hỗ trợ miễn phí vé vào cổng cho các đoàn học sinh, sinh viên trong chương trình hành trình về nguồn. Các hoạt động ngoài trời như dựng trại, đốt lửa trại hay giao lưu nghệ thuật đều được chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết kế phù hợp thẩm mỹ và đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn.

“Chúng tôi xác định, mỗi hoạt động trong chương trình không chỉ mang tính phong trào mà còn là dịp để các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa. Từ đó, khơi dậy trong các em niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và khát vọng vươn lên, học tập, cống hiến cho đất nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngày hội Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam là hoạt động thường niên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây vừa là sân chơi bổ ích khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ, vừa góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường tình đoàn kết, lan tỏa khát vọng dựng xây quê hương đất nước.

Với sự chuẩn bị công phu, bài bản từ nội dung đến hình thức, Ngày hội năm nay hứa hẹn tiếp tục là sự kiện tiêu biểu, giàu ý nghĩa, góp phần thắp lên tình yêu văn hóa dân tộc, kết nối thế hệ trẻ vùng miền phía Nam trong không khí đoàn kết, thân ái và đầy tự hào.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/tuoi-tre-dan-toc-hoi-tu-tren-dat-tay-do-137922.html
Zalo