Tuổi 20 lưu danh trang sử

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương cùng những kỷ niệm đi cùng năm tháng khó có thể xóa nhòa. Xung phong ra chiến trường ở tuổi mười tám, đôi mươi, may mắn trở về sau chiến tranh, những chàng trai, cô gái ngày ấy nay đã là những cựu chiến binh, thương binh vẫn hằng ngày miệt mài đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Thương binh Trịnh Quốc Việt ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng tham gia kháng chiến năm 1973, khi mới 19 tuổi. Trở về cuộc sống đời thường, ông mang theo vết thương trên thân thể, mỗi khi trái gió trở trời khiến vết thương lại nhức nhối. Nhưng sự đau đớn về thân thể không làm ông mất đi ý chí kiên cường, mà càng nỗ lực vươn lên.

Thương binh Trịnh Quốc Việt kể về một thời bom đạn đã trải qua những năm tuổi 20

Thương binh Trịnh Quốc Việt kể về một thời bom đạn đã trải qua những năm tuổi 20

Mất một chân khiến ông gặp nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Thấm nhuần lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông luôn sống tích cực, lạc quan, hăng say lao động. Ông Việt chia sẻ: Tôi tham gia kháng chiến khi 19 tuổi. Tôi bị thương vào ngày 25-5-1978, phải cắt một chân. Vết thương được xử lý khá tốt nhưng khi trở trời lại đau nhức... Trở về cuộc sống đời thường, có người bị cụt cả 2 tay vẫn không nản chí mà luôn lạc quan vươn lên, thì mình càng phải cố gắng phấn đấu.

Khi Tổ quốc cần, thanh niên ở khắp mọi miền đất nước xung phong lên đường giành lại độc lập cho dân tộc. Những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi tuy khác nhau về quê quán nhưng ở họ chung tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cựu chiến binh Thái Văn Xuyên ở xã Phú Riềng xúc động: Tôi đi bộ đội khi chưa tròn 20 tuổi. Tháng 5-1972, chúng tôi chống càn ở Long An, nhiều đồng đội đã hy sinh, đa số ở tuổi đôi mươi. Tôi nhớ nhất là anh Nguyễn Văn Nhĩ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) đã hy sinh, khi đó nước mắt cứ trào ra mãi thôi…

Chiến tranh qua đi, đất nước hòa bình, những người lính năm ấy trở về luôn gương mẫu, hăng say lao động, sản xuất, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương và hội cựu chiến binh. Họ luôn tâm niệm còn sức còn cố gắng giúp ích cho đời.

Hiện nay, xã Phú Riềng có 10 gia đình liệt sĩ, 33 thương binh, 9 bệnh binh, 34 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học… Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, các chính sách người có công được xã Phú Riềng quan tâm thực hiện đúng quy định. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Riềng Nguyễn Đức Đại cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp, gia đình chính sách, người có công được chăm lo ngày một tốt hơn. Ngoài ra, hằng năm địa phương còn trích kinh phí tặng quà các gia đình chính sách, người có công dịp 27-7, tết Nguyên đán… Bên cạnh đó, xã cũng đã khảo sát, hỗ trợ sửa nhà, thực hiện tốt chế độ, chính sách liên quan kịp thời.

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Tuổi 20 của những người lính được lưu danh từng trang sử, để không chỉ mỗi chúng ta mà các thế hệ sau luôn ghi nhớ công ơn đến tận muôn đời.

Thanh Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161635/tuoi-20-luu-danh-trang-su
Zalo