Bài 2: Cùng đồng bào bài trừ hủ tục lạc hậu

Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc H'Mông ở tỉnh biên giới Lai Châu còn khá phổ biến, kéo theo không ít 'gia đình nhí' rơi vào cảnh đói nghèo. Thực hiện Đề án 1371, những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nhân chấp hành pháp luật, chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được cơ quan quân sự các cấp phối hợp thực hiện khá hiệu quả, góp phần thay đổi tập quán cổ hủ vốn đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống của đồng bào.

Nhức nhối nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có 4 bản, 350 hộ, dân số hơn 2.000 người, chủ yếu là dân tộc H'Mông. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Nhưng do địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp, bài toán đẩy lùi các hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống đồng bào không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Đồng chí Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, trải lòng: “Những năm trước, quan niệm lạc hậu đã ăn sâu bám rễ trong nhận thức của đồng bào, như: Lấy chồng sớm để có thêm nhân lực lao động, bảo vệ tài sản gia đình; “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; hay chỉ cần trai gái thấy thích nhau là bố mẹ sẽ đến nhà nói chuyện, báo cáo tổ tiên, mời hàng xóm, họ hàng đến chia vui. Đặc biệt, do địa hình hiểm trở nên việc giao du giữa con trai và con gái chủ yếu nằm trong khuôn khổ thôn, bản, vì vậy đa số thanh niên ở Sà Dề Phìn yêu sớm, dễ dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Đúng như chia sẻ của đồng chí Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, khoảng 5-7 năm trước, chúng tôi dễ dàng mắt thấy, tai nghe những câu chuyện về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn này. Hình ảnh các “bà mẹ nhí” thay vì đến trường như bạn bè cùng trang lứa thì phải tay bế tay bồng.

Chị Mùa Thị So, 15 tuổi, bản Sà Giề Phìn, xã Sà Dề Phìn là một trong những hoàn cảnh éo le ấy. Cuộc sống lam lũ, vất vả đã lấy đi vẻ ngây thơ, trong sáng ở cái tuổi đẹp nhất của So. Không những thế, cái khổ, cái nghèo trở thành nỗi ám ảnh đối với vợ chồng So. Đứa con nhỏ của So chỉ mới vài tháng tuổi đã phải rong ruổi theo mẹ lên nương, khi thì nắng cháy, lúc thì mưa dầm, chưa bao giờ biết đến hộp sữa.

Hay như hoàn cảnh đáng buồn của Hạng Thị Dìa, bản Sà Dề Phìn. Năm 14 tuổi, Dìa thích một bạn trai cùng bản, rồi có thai, rồi làm vợ, làm mẹ lúc chưa tròn 15 tuổi. Do còn quá nhỏ, con đông, cuộc sống dần đi vào bế tắc, nảy sinh mâu thuẫn, không chịu nổi cảnh hằng ngày bị chồng đánh đập, hành hạ, Dìa đành phải bỏ về nhà mẹ đẻ khi đang mang thai đứa thứ hai. Giờ đứa con nhỏ của Dìa đã 5 tuổi mà chưa biết mặt bố.

Để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, bộ đội chuẩn bị các tờ rơi, tờ gấp in nội dung các quy định của pháp luật.

Để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, bộ đội chuẩn bị các tờ rơi, tờ gấp in nội dung các quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ, trước năm 2015, ở xã Sà Dề Phìn, cứ 10 cặp kết hôn có tới 3-4 cặp tảo hôn. Mặc dù đã được các cấp ngành tuyên truyền, nhưng các đôi nam nữ đến tuổi “thích nhau” là về ở với nhau. Tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra chưa có hồi kết.

Cũng như Sìn Hồ, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng là bài toán hết sức nan giải với 85 cặp trong năm 2022, tăng 18 cặp so với năm trước, trong đó có 35 cặp tảo hôn vợ hoặc tảo hôn chồng; 50 cặp tảo hôn cả vợ chồng. Xã Dào San, huyện Phong Thổ, nơi có 80% đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống, cũng là một trong những điểm nóng về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, xã có 19 cặp tảo hôn.

Điển hình là em Phàn Thị Pàng, bản Hợp 1, làm mẹ khi mới 15 tuổi. Lúc lấy nhau, chồng Pàng 18 tuổi, còn em 14 tuổi. Do chưa đủ tuổi, vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn, chưa tổ chức đám cưới. Căn nhà nhỏ của gia đình chồng chỉ vài chục mét vuông nhưng là nơi ở của 3 thế hệ với 7 người. Chồng Pàng đang đi làm thuê ở tỉnh Hà Nam để có tiền nuôi gia đình. Một mình Pàng vừa phải chăm con vừa phụ giúp bố mẹ chồng công việc nhà, nương rẫy.

Xác định tảo hôn là một trong những rào cản sự phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Lai Châu thường xuyên tổ chức các hội nghị, tập huấn, phổ biến pháp luật cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em; biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, hỏi đáp về pháp luật hôn nhân và gia đình, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết để cấp phát cho các xã, thôn, bản... Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở các huyện biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, toàn tỉnh Lai Châu có 517 cặp tảo hôn (tăng 4 cặp so với năm 2021), trong đó 194 cặp tảo hôn vợ, 100 cặp tảo hôn chồng, 223 cặp tảo hôn cả vợ và chồng. Độ tuổi tảo hôn dưới 16 là 130 người, từ 16 đến dưới 18 là 334 người.

Từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào

Thực trạng đáng buồn về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn khiến Đảng ủy, Ban CHQS huyện Sìn Hồ không khỏi trăn trở, bởi trong một sớm một chiều khó có thể thay đổi nhận thức, tập quán của đồng bào khi nó đã ăn sâu bám rễ vào cuộc sống đồng bào bao đời nay. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban CHQS huyện chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thành lập các tổ tuyên truyền, trong đó lựa chọn cán bộ có năng lực công tác dân vận, nắm chắc địa bàn, hiểu rõ địa hình, thông thạo ngôn ngữ, bản sắc văn hóa; tổ chức tập huấn để cán bộ học tập, nắm chắc các văn bản, tài liệu tuyên truyền, tiến hành trao đổi đi đến thống nhất nội dung, phương pháp tuyên truyền, từ đó triển khai một cách đồng bộ, bài bản. Nội dung tuyên truyền đều được dịch ra tiếng đồng bào giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo Thiếu tá Mùa A Chứ, Trợ lý Chính trị, Ban CHQS huyện Sìn Hồ, vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, đơn vị đều phối hợp với các lực lượng đến từng hộ gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời lồng ghép vào các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Ban CHQS huyện Sìn Hồ tích cực tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, tổ chức quần chúng các cấp bàn bạc, trao đổi, khảo sát nắm chắc địa bàn để xây dựng kế hoạch thực hiện.

Đoàn công tác Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng khảo sát cách làm sáng tạo trong thực hiện Đề án 1371 ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Đoàn công tác Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng khảo sát cách làm sáng tạo trong thực hiện Đề án 1371 ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện Đề án 1371, LLVT huyện Sìn Hồ đã phát huy tối đa vai trò tiên phong, bám dân, bám bản, bám địa bàn, không quản ngày đêm, lặn lội đến từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh mỗi người dân, chia sẻ những điều hay lẽ phải. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, cách làm linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế, kết hợp phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín phát hiện kịp thời, giáo dục thuyết phục những trường hợp có thể thực hiện việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Sau mỗi đợt tuyên truyền, tổ công tác tiến hành thống kê, phân loại đối tượng, những vấn đề nảy sinh kịp thời báo cáo cấp ủy, chỉ huy tổ chức rút kinh nghiệm cho lần tuyên truyền tiếp theo.

Già làng Sùng Giống Mua, người có uy tín xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, cho hay: “Để nói cho đồng bào hiểu, con em trong bản không kéo vợ sớm khó hơn nhiều lần leo lên đỉnh núi Yến, thế mà bộ đội lại làm được. Giờ thì dân bản nghe, tin và làm theo bộ đội thôi. Phải khuyên con cháu, đồng bào mình không được kết hôn khi chưa đến tuổi, anh em gần thì không được làm vợ chồng của nhau. Như vậy thì mới có cái đầu khôn, cái chân, cái tay mạnh để xây dựng bảo vệ bản làng”.

Phát huy kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 1371 ở huyện Sìn Hồ, công tác tuyên truyền pháp luật được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Lai Châu tiến hành mọi lúc, mọi nơi. Đêm hay ngày, ở trong nhà, hay lúc lên nương, cứ đâu có đồng bào, có đối tượng cần tuyên truyền là ở đó có bộ đội. Với cách tuyên truyền, dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi, chân thành bằng chính ngôn ngữ của đồng bào mà nhiều bậc phụ huynh để hiểu được tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông qua các buổi họp bản, buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lễ hội, chiếu phim...

Theo đồng chí Vương Biên Thùy, Chủ tịch UBND xã Dào San, huyện Phong Thổ, tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền xã, làm ảnh hưởng tới mọi mặt như chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình, kinh tế, văn hóa - xã hội. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Xử lý vi phạm hành chính nhằm răn đe, ngăn chặn tảo hôn; chỉ đạo 13 bản trên địa bàn đưa việc tảo hôn và những hình thức xử phạt vào quy ước, hương ước của bản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới toàn thể nhân dân.

Vừa tuyên truyền pháp luật, bộ đội vừa kết hợp khám chữa bệnh cho nhân dân.

Vừa tuyên truyền pháp luật, bộ đội vừa kết hợp khám chữa bệnh cho nhân dân.

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban CHQS huyện Phong Thổ cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn, giúp dân phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với phương châm dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Tổ tuyên truyền miệng nói, tay làm, vừa nghe dân nói, kết hợp nói để dân hiểu, dân nghe, dân tin, làm theo. Cơ quan quân sự huyện còn phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhằm giúp các em học sinh nhận thức rõ tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết và những kiến thức về hôn nhân gia đình.

Với sự tích cực, chủ động trong việc phối hợp; bằng những biện linh hoạt và phương pháp sáng tạo, cụ thể, thiết thực, tính đến tháng 12-2023, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu giảm còn 5,2%; 100% hộ gia đình cam kết chấp hành Luật Hôn nhân gia đình, không có con cháu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đồng chí Bùi Văn Tuấn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Sìn Hồ, khẳng định: “Những kết quả bước đầu của mô hình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của cơ quan quân sự địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và phát luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Bài 3: Gỡ khó trong triển khai thực hiện

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/bai-2-cung-dong-bao-bai-tru-hu-tuc-lac-hau-803223
Zalo