Từng dạy lớp hơn 50 học sinh, tôi rõ nhất lợi ích của lớp sĩ số đảm bảo chuẩn

Lớp học 35 em, nhóm nọ ngồi dính nhóm kia, gây khó khăn cho việc di chuyển của học sinh và giáo viên chứ đừng nói đến lớp 40-50 học sinh.

Ngày 30/7/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3898/BGDĐT/GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.

Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo Điều 16 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học quy định quy định trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.

 Lớp học 35 em/lớp đã ngồi kín chỗ (Ảnh tác giả)

Lớp học 35 em/lớp đã ngồi kín chỗ (Ảnh tác giả)

Yêu cầu bậc tiểu học sĩ số không quá 35 học sinh/lớp không mới

Yêu cầu một lớp ở bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp không phải là quy định mới. Bởi theo, Khoản 1, Điều 17, Thông tư số 41/2010/TT ban hành Điều lệ trường tiểu học đã quy định rõ: Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

Tuy nhiên, đã 14 năm trôi qua, bậc tiểu học ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn chưa thể thực hiện được quy định này đặc biệt tại những thành phố lớn. Nhiều nơi, mỗi lớp học sĩ số học sinh vẫn đến 45-50 em. Có trường còn không thể triển khai cho học sinh học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình mới vì không đủ lớp học.

Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương hiện nay và là bài toán làm "đau đầu" các bên liên quan. Để giải bài toán này cần một tầm nhìn, quy hoạch dài hơi, cần nguồn lực tài chính, nguồn lực đất đai.

Là giáo viên giảng dạy bậc tiểu học, người viết đã có đủ trải nghiệm giữa lớp có sĩ số đông và sĩ số đảm bảo chuẩn.

Vào những năm 2000, tôi và nhiều đồng nghiệp đã nhiều năm giảng dạy trong những lớp học mà sĩ số học sinh đến 50 em, thậm chí 60 em/lớp.

Học sinh quá đông, chỉ việc ổn định trật tự để giáo viên vào bài dạy cũng đã khó.

Mỗi tiết học chỉ 35 phút, thế nhưng thầy cô đã phải dành khoảng 5 phút để ổn định trật tự. Trong tiết học, giáo viên phải liên tục ngừng lại để nhắc nhở học sinh. Nhiều khi vừa nhắc xong, vài phút sau lớp học lại ồn ào như cái chợ.

Không chỉ nói chuyện riêng, có em còn trêu chọc nhau rồi bạn này đứng lên thưa, bạn kia đứng lên mách kể tội nhau...Để đảm bảo thời gian cho tiết dạy, phần đông giáo viên chúng tôi phải áp dụng "quy luật thép" cho học sinh thấy sợ mà giữ trật tự theo dõi bài.

Lớp học đông, học sinh ngồi chật kín phòng rất khó khăn cho thầy cô di chuyển xuống lớp nên việc kèm cặp học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh có năng lực trội hơn cũng bị hạn chế. Việc chấm, chữa bài học sinh, giáo viên dù nỗ lực hết mức vẫn không thể sâu sát từng em được.

Thời đó, phương pháp dạy học phổ biến nhất là thầy đọc, trò chép, thầy giảng, trò khoanh tay lên bàn, ngồi im lặng lắng nghe, ghi nhớ và trả lời. Còn ngày nay, học sinh được học theo nhóm, bàn ghế được linh động xếp xoay vòng, khi thì hình tròn, lúc hình chữ u hay theo từng nhóm... Lớp học 35 em, nhóm nọ đã ngồi dính nhóm kia, gây khó khăn cho việc di chuyển của học sinh và giáo viên.

Nếu như sĩ số trên 40 trở đi thì việc dạy học theo hướng tích cực càng trở nên khó khăn gấp bội phần.

Bậc tiểu học ở Thị xã La Gi đảm bảo không quá 35 học sinh/lớp

Trước những năm 2000, mỗi xã phường nơi tôi giảng dạy chỉ có một trường tiểu học với gần 30 lớp/trường. Thời điểm đó, sĩ số học sinh trong một lớp thấp nhất cũng trên 50 em, cao nhất có khi lên tới 60 em/lớp.

Năm 2010, Thông tư số 41/2010/TT về điều lệ trường tiểu học được ban hành, huyện Hàm Tân lúc ấy (nay là thị xã La Gi) đã có nhiều đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học.

NNgay trường học nơi tôi giảng dạy đã được xây dựng thêm 3 cơ sở để giãn, tách học sinh cho đúng với quy định 35 học sinh/lớp.

Trên toàn huyện, nhiều trường tiểu học cũng đã được xây dựng mới. Nếu như trước đó, mỗi xã, phường chỉ có một trường tiểu học thì nay đã tăng lên từ 2 đến 3 trường mỗi xã, phường.

Học sinh bắt đầu được phân theo địa bàn để tuyển sinh. Vì thế, địa phương đã chấm dứt tình trạng quá tải sĩ số. Từ những năm 2010 đến nay sĩ số học sinh bậc tiểu học tại địa phương tôi luôn giữ ổn định dưới hoặc bằng 35 em một lớp. Nhờ thế, việc giảng dạy của giáo viên cũng bớt phần áp lực mà chất lượng học tập của học sinh cũng ngày một nâng cao.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học không bố trí quá 35 học sinh/lớp (đối với tiểu học) là hoàn toàn hợp lý. Rõ ràng, ngoài việc bố trí nguồn lực công, các địa phương có cơ chế đủ thông thoáng để thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế đầu tư vào giáo dục. Các trường tư thục sẽ đáp ứng được yêu cầu học tập chất lượng cao của các gia đình có điều kiện kinh tế. Đó cũng là một cách giảm tải cho giáo dục công, giúp sĩ số lớp học sớm đảm bảo yêu cầu.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/nghi-dinh-79-2015-nd-cp-chinh-phu-98256-d1.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-41-2010-TT-BGDDT-Dieu-le-Truong-tieu-hoc-116657.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tung-day-lop-hon-50-hoc-sinh-toi-ro-nhat-loi-ich-cua-lop-si-so-dam-bao-chuan-post244702.gd
Zalo