Từng bước khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long

Địa bàn tỉnh Hậu Giang từng là vùng sâu vùng xa và là căn cứ cách mạng những năm tháng chiến tranh. Chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang được thành lập năm 2004 với bao khó khăn. Tuy nhiên, từ một địa phương nông nghiệp truyền thống, Hậu Giang đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hậu Giang đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: baochinhphu.vn

Hậu Giang đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: baochinhphu.vn

Quý I năm 2025, Hậu Giang ghi dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế của tỉnh, với tăng trưởng kinh tế lên đến 9,57%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 13 trong cả nước. Có được điều này, đó chính là tư duy lãnh đạo quyết liệt, khoa học và sát thực tiễn của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự linh hoạt trong điều hành và quyết tâm giữ vững ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Tỉnh cũng chú trọng thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững suốt nhiều năm qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến nhiều lần gần đây luôn chỉ đạo các đơn vị, các ngành, các cấp rằng, đây là thời điểm mà tất cả cán bộ cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện tất cả nhiệm vụ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Như đối với giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù kế hoạch tỉnh đề ra trong năm 2025 là từ 95% nhưng Hậu Giang quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay tiệm cận đạt 100%.

Cùng với bứt phá về kinh tế, Hậu Giang còn tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cải cách hành chính để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong năm qua, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hậu Giang đã tăng 1 bậc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đã tăng vượt bậc 20 bậc, vươn lên xếp thứ 23/63. Đáng chú ý, chỉ số thành phần về thủ tục hành chính công của Hậu Giang đứng đầu cả nước, khẳng định rõ ràng quyết tâm của tỉnh cải cách vì dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.

Cả hệ thống chính trị tỉnh đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp như số hóa dịch vụ công, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hiện đại.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Hậu Giang đang là một trong địa phương đi đầu thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đây là nhiệm vụ có tính chính trị cao, tác động đến tổ chức bộ máy và cả tâm tư của cán bộ, người dân. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đồng thuận từ cơ sở và cách làm linh hoạt, Hậu Giang đã triển khai một cách khẩn trương, trách nhiệm và đúng tiến độ. Dịp này không chỉ là việc tổ chức lại bộ máy, việc sáp nhập còn được tỉnh xem như cơ hội để tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, đồng thời tái phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn.

Cùng với đó là sự đóng góp bền bỉ, trách nhiệm và sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động. Trên các công trình trọng điểm, trong các khu công nghiệp, nhà máy, cánh đồng... hình ảnh người lao động cần mẫn, nhiệt huyết chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống mới của tỉnh. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, tinh thần làm việc kỷ luật, đoàn kết của lực lượng lao động chính là nền tảng vững chắc để Hậu Giang vươn lên mạnh mẽ.

Từ năm 2004 đến nay, GRDP của tỉnh tăng hơn 10 lần, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011–2020 đạt 6,3%. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, khu vực công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hệ thống giao thông của tỉnh đến nay đã được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là các tuyến cao tốc như Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực. Cùng với đó là hệ thống đô thị phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, với diện mạo khang trang hơn tại các huyện, thị, thành phố.

Tỷ lệ hộ nghèo của Hậu Giang đã giảm mạnh từ 23,55% năm 2004 xuống còn chưa đến 1,5% năm 2024. Tỉnh đã xây dựng hàng ngàn căn nhà “Đại đoàn kết” cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, cũng như hoàn thành cơ bản xóa nhà tạm nhà dột nát trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 95%; gần 85% trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn sau khi chia tách địa giới hành chính, đến nay, Hậu Giang đã thực sự chuyển mình. Sự tăng tốc về kinh tế, sự cải thiện vượt bậc trong quản trị công, cùng tinh thần cải cách không ngừng nghỉ đang đưa Hậu Giang đến gần hơn với mục tiêu trở thành địa phương phát triển khá của vùng vào năm 2030.

Sông Hậu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tung-buoc-khang-dinh-vi-the-dau-tau-kinh-te-dong-bang-song-cuu-long-20250424083411428.htm
Zalo