Tưng bừng lễ hội Đình làng Gẩu

Đã thành thông lệ, vào ngày mùng 7 Tết, người dân làng Gẩu, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) lại nô nức tham gia hội làng. Năm nay là năm lẻ (2025) nên lễ hội Đình làng Gẩu tưng bừng hơn bởi có lễ rước kiệu. Rạng sáng nay (4/2), nhân dân "mổ lợn khao quân”, lấy thủ lợn dâng tế thánh. Các thanh niên, trai tráng làng Gẩu hừng hừng khí thế như quân sĩ trước trận đánh quân Nguyên Mông ở Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên ngày nay) năm 1257 - 1258.

Rước kiệu là một trong những nghi lễ được nhân dân làng Gẩu cũng như khách thập phương ngóng đợi nhất trong lễ hội Đình làng Gẩu. Lễ rước kiệu có sự tham gia của gần 100 người, gồm các vị cao niên; đội tế nam, nữ; hồng kỳ; múa lân; chấp kích; sinh tiền; phường bát âm…

Lễ rước kiệu Đình làng Gẩu.

Lễ rước kiệu Đình làng Gẩu.

13h ngày 4/2 (tức mùng 7 Tết), đoàn rước kiệu bắt đầu lễ rước từ Nhà văn hóa tổ dân phố An Định đến Điếm Gẩu, sau đó tiếp tục di chuyển lên Đình làng Gẩu. Tham gia lễ rước, những chàng trai, cô gái khiêng trên vai những chiếc kiệu và nhiều mâm ngũ quả. Các bô lão và dân làng xúng xính trong những bộ áo dài, quần the, khăn xếp rất nghiêm trang…

Kiệu được rước dọc nhiều tuyến phố.

Kiệu được rước dọc nhiều tuyến phố.

Lễ rước kiệu Đình làng Gẩu thu hút hàng trăm người dân tham gia, đoàn người kéo dài trên các tuyến đường tạo không khí náo động, vui tươi trong những ngày đầu xuân năm mới.

Ông Hoàng Kim Bảng, Trưởng Ban quản lý di tích Đình làng Gẩu cho biết: “ Lễ rước kiệu cần số lượng lớn người tham gia nên cũng có năm làng không thể tổ chức được. Thông thường tổ chức vào năm lẻ, cách 1 năm tổ chức 1 lần với sự tham gia của các bậc cao niên, các tầng lớp nhân dân thể hiện sự thành kính của người dân địa phương. Đây là nghi lễ truyền thống, được nhân dân duy trì, bảo tồn qua nhiều thế hệ”.

Lễ rước có sự tham gia của các cụ cao niên, thanh thiếu niên trong làng.

Lễ rước có sự tham gia của các cụ cao niên, thanh thiếu niên trong làng.

Nói về tích Đình làng Gẩu và lễ hội, theo các cụ cao niên, vào mùng 2 Tết năm Mậu Ngọ (1258), 7 anh em họ Lỗ vâng lệnh Vua đem quân ra trận đánh quân Nguyên Mông. Đêm đó, quân tướng đã làm lễ tế cờ, thề ước và tuyển mộ thêm quân sĩ ở khu vực Bồ Lý, Hữu Thủ (thuộc huyện Tam Đảo lúc bấy giờ).

Sáng mùng 3 Tết, đạo quân đi qua vùng Nhân Ngoại (Tam Dương), được nhân dân tưng bừng đón tiếp, mổ lợn khao quân nhưng cỗ chưa làm xong thì được tin cấp báo quân giặc đang tiến đến gần.

7 anh em họ Lỗ vội lệnh cho quân sĩ dùng thịt lợn chưa nấu chín và tiết lợn xoa lên trán để tỏ rõ lòng quyết chiến và tiến ra trận tiền. Trận chiến với quân Nguyên Mông diễn ra vô cùng ác liệt.

7 anh em cùng quân sĩ đã giết và làm chết đuối hàng ngàn tên giặc Nguyên Mông trên các khúc sông Cà Lồ. Quân Nguyên Mông thua trận chạy tán loạn, 7 anh em dẫn quân tiếp tục truy kích, khí thế như triều dâng thác đổ.

Đội tế nam tham gia lễ rước kiệu.

Đội tế nam tham gia lễ rước kiệu.

Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, 7 anh em họ Lỗ được Vua Trần Thái Tông ban thưởng và phong tước Đại Vương, phong đất ngụ ở vùng Tam Dương, Đinh Sơn, Miêu Duệ. Vua Trần Thái Tông cũng phong tặng cả 7 vị là “Tả Hà Nhất Đái Thất Vị Đại Vương”. Các triều đại phong kiến từ triều Trần đến triều Nguyễn đều có sắc phong cho 7 vị anh hùng họ Lỗ và đưa vào mục sơn thần của đất nước để nhân dân tôn thờ.

7 anh em họ Lỗ được nhân dân nhiều làng dọc bờ sông Hồng, sông Lô từ chân núi Tam Đảo xuôi đến giáp ranh Hà Đông (cũ) lập đền thờ. Riêng thành phố Vĩnh Yên có 18 nơi thờ tự, trong đó có Đình làng Gẩu, phường Đống Đa.

Hằng năm, cứ đến này mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, nhân dân và con cháu làng Gẩu cùng du khách thập phương lại tụ họp dự hội và rước kiệu, làm lễ dâng hương để tưởng nhớ công lao 7 vị anh hùng họ Lỗ. Trước và sau lễ rước sắc phong của 7 vị anh hùng họ Lỗ, nhân dân địa phương đều mổ lợn, tế lễ và mở tiệc tưng bừng.

Hiện nay, làng Gẩu có gần 1.000 hộ với gần 4.000 nhân khẩu. Lễ hội được tổ chức vào mùng 7 Tết. Sau khi kiệu được rước về Đình làng Gẩu, các cụ cao niên sẽ thực hiện nghi lễ tế trong khoảng hơn 1 giờ.

Ông Nguyễn Văn Thành, một người con ở làng Gẩu cho biết: “Dù bận công việc gì nhưng cứ đến lễ hội Đình làng Gẩu, gia đình tôi đều có mặt đông đủ để làm lễ, xin lộc đầu năm. Đây là lễ hội truyền thống của địa phương, được duy trì qua nhiều thế hệ. Trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn thăng trầm lịch sử, có lúc lễ hội bị gián đoạn, lãng quên nhưng từ khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển thì lễ hội được khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vốn có”.

Để chuẩn bị chu đáo cho lễ hội Đình lãng Gẩu, từ trong năm, nhân dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí mua thực phẩm làm lễ cúng thánh. Gia đình nào kinh tế khá giả thì đóng góp nhiều, khó khăn thì đóng ít.

Từ ngày mùng 5 Tết, nhân dân làng Gẩu tấp nập, con cháu các gia đình tổ chức làm 4 loại bánh gồm bánh dày, bánh chay, bánh ngọt, bánh chưng… để dâng thánh cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều may mắn.

Sau lễ cúng thánh, lễ tế, chiều cùng ngày, nhân dân địa phương, khách thập phương bắt đầu vào đình làm lễ và thụ lộc. Hàng trăm mâm cỗ được nhân dân làng Gẩu bày ra thết đãi khách tạo không khí náo nức, sôi nổi trong những ngày đầu Xuân năm mới.

Tối mùng 7 Tết, chương trình văn hóa, văn nghệ được người dân địa phương tổ chức tại Đình làng Gẩu. Sang mùng 8, sau khi tạ lễ, làng Gẩu tiếp tục mở tiệc ăn uống linh đình. Làng trên, xóm dưới đều đến chung vui khiến lễ hội Đình làng Gẩu càng thêm rộn rã. Với người làng Gẩu, đây là lễ hội lớn, đặc sắc nhất trong năm và cũng là một phong tục văn hóa có từ rất lâu vẫn được duy trì cho đến nay.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123318//tung-bung-le-hoi-dinh-lang-gau
Zalo