Tưng bừng lễ hội đầu Xuân

Đầu Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Lễ hội mang đến không khí tưng bừng, phấn khởi và là dịp để mỗi người dân tưởng nhớ đến các bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước, gửi gắm mong ước về một năm mới hạnh phúc, ấm no, đủ đầy.

Lễ hội Trâu rơm, bò rạ xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Kim Ly

Lễ hội Trâu rơm, bò rạ xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Kim Ly

Đã thành thông lệ, ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm, nhân dân 2 làng Bích Đại và Đồng Vệ, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) lại tưng bừng tổ chức lễ hội Trâu rơm, bò rạ (hội trình nghề).

Đây là lễ hội độc đáo, mang đặc trưng văn hóa của cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lễ hội bắt nguồn từ việc Đinh Thiên Tích, vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 6 sau khi đánh đuổi giặc Ân đã đưa quân về làng Bích Đại mổ trâu ăn mừng. Ông đã dạy con dân nơi đây làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, làm mộc, dệt vải…

Về sau, nhân dân 2 làng tổ chức trò diễn “Trâu rơm, bò rạ” để tưởng nhớ công ơn của Đinh Thiên Tích, đồng thời thể hiện mong ước về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Từ sáng sớm, các cụ cao niên trong làng cẩn thận kiểm tra lại các đầu trâu, đầu bò được bện từ rơm, rạ. Các ông già, bà cả, thanh niên nam, nữ vào vai người đi cày, đi cấy, tiểu thương, thầy đồ… tất bật hóa trang và chuẩn bị dụng cụ cần thiết cho việc trình diễn, ai nấy đều cố gắng đảm nhiệm tốt vai diễn của mình.

Nghề mộc được tái hiện trong không gian lễ hội Trâu rơm, bò rạ xã Đại Đồng (Vĩnh Tường). Ảnh: Kim Ly

Nghề mộc được tái hiện trong không gian lễ hội Trâu rơm, bò rạ xã Đại Đồng (Vĩnh Tường). Ảnh: Kim Ly

Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ Thành hoàng làng, trò diễn chính thức bắt đầu. Trong tiếng chiêng, trống rộn ràng, thanh niên trai tráng cùng nhau khiêng những chú trâu, bò được tết từ rơm, rạ ra sân miếu Đồng Vệ.

Các hoạt động tái hiện nền văn hóa lúa nước được diễn ra. Những người nông dân cầm cuốc, cày, gàu tát nước, thúng, mủng mô phỏng hoạt động cày ruộng, rắc hạt giống, câu cá…

Các nghề mộc, dạy học... cũng được tái hiện trong không gian lễ hội. Hàng trăm người dân địa phương tập trung ở sân miếu để chứng kiến nét đẹp văn hóa truyền thống cha ông truyền lại.

Đây là lần thứ 3 anh Bùi Thế Toàn, người dân làng Bích Đại tham gia trò diễn “Trâu rơm, bò rạ”.

Anh Toàn cho biết: “Mỗi năm tôi lại hóa thân vào các nhân vật khác nhau, có năm làm anh thợ cày, có năm làm thợ mộc, năm nay tôi hóa thân làm cụ bà đi gieo hạt. Tôi rất vui khi được hòa mình vào không khí rộn ràng, nô nức của lễ hội, nhất là có thể góp một phần nhỏ bé để bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương”.

Từ ngày mùng 3 - 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) tổ chức lễ hội Kéo song. Kéo song là trò chơi dân gian truyền thống, biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước.

Trò chơi bắt nguồn từ việc thủy quân Ngô Quyền sử dụng dây song kéo điều chỉnh tốc độ của chiến thuyền sao cho phù hợp với thời gian dâng, hạ của thủy triều trên sông Cánh.

Chiến thuật này đã góp phần giúp đại quân của Ngô Quyền giành thắng lợi trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Lễ hội Kéo song đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2015.

Lễ hội được địa phương duy trì tổ chức hằng năm. Lễ hội năm nay có 4 đội tham gia, gồm liên quân Hương Ngọc, liên quân Tiên Hường, liên quân Lò Ngói - Chợ Cánh và liên quân Đồng Tiến. Các đội thi đấu hết mình, mang đến cho khán giả những pha lên dây hấp dẫn và kịch tính.

Anh Nguyễn Hữu Chiến, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Trò chơi Kéo song không chỉ hấp dẫn người xem bởi sự mưu trí, khéo léo, tinh thần đoàn kết của mỗi đội chơi mà còn có tính giáo dục cao, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, giúp mỗi người dân ý thức hơn về bổn phận, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước”.

Là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Vĩnh Phúc có gần 400 lễ hội truyền thống, trong đó, nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân như lễ hội Chọi trâu, lễ hội Xuống đồng (Sông Lô), lễ hội Đúc Bụt (Tam Dương), lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo)…

Các lễ hội phản ánh cuộc sống, mong ước của người nông dân thông qua các nghi thức, nghi trình như tế lễ, trò chơi, trò diễn, hướng người dân tới các giá trị chân - thiện - mỹ, mong ước về một cuộc sống đủ đầy, mưa thuận gió hòa, vạn vật được sinh sôi, nảy nở.

Các lễ hội năm nay cơ bản diễn ra an toàn, lành mạnh. Công tác an ninh trật tự được đảm bảo, không còn các hiện tượng bói toán, cờ bạc, trộm cắp, gây rối trật tự.

Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ.

Người dân, du khách thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội, hạn chế đốt vàng mã, không đặt tiền công đức bừa bãi trong di tích, giữ gìn cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Qua đó, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về vùng đất, con người Vĩnh Phúc giàu giá trị văn hóa.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123224//tung-bung-le-hoi-dau-xuan
Zalo