Tuần lễ Múa Việt Nam 2024: Kết nối giữa truyền thống và đương đại

Với kỳ vọng kết nối giữa Nghệ thuật - Văn hóa - Du lịch Tuần lễ Múa 2024 với chủ đề 'Dòng sông ánh sáng' được tổ chức tại Kon Tum từ 13/10 đến 15/10/2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ trong cộng đồng múa và công chúng yêu nghệ thuật. Một lần nữa, những giá trị của bản sắc, truyền thống trong sự kết nối với đương đại được khẳng định và có sức lan tỏa lớn thông qua ngôn ngữ của múa.

Sắc màu Tây Nguyên trong vở múa đương đại

Trong khuôn khổ Tuần lễ Múa Việt Nam - Vietnam Dance Week 2024 do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Kon Tum tổ chức, vở múa đương đại “Sesan” công diễn tại Nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum đã mang đến nhiều cảm xúc nghệ thuật cho người xem khi thể hiện được vẻ đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ, mang nhiều nét đặc trưng văn hóa Tây Nguyên. Sự kiện có các bạn nước ngoài cùng tham gia như nghệ sĩ Nhật, Thụy Điển… có tầm lan tỏa văn hóa Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Những ngôn ngữ đương đại kết hợp truyền thống được sử dụng trong các vở múa.

Những ngôn ngữ đương đại kết hợp truyền thống được sử dụng trong các vở múa.

“Sesan” xuất phát từ ý tưởng các nghệ sĩ múa muốn tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ của văn hóa Tây Nguyên, khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng của hơn 40 dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sê San.

Tác phẩm múa được kết cấu gồm 5 cảnh, giới thiệu thủa sơ khai của nền văn minh nơi đây, dần định hình, tạo dựng bản sắc riêng theo dòng thời gian. Âm nhạc vang vọng của những nhạc cụ đàn đá, chiêng, trống khiến người xem rưng rưng khi hòa trong không gian mở của Tây Nguyên, dưới ánh trăng thiên nhiên tươi đẹp. Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, “Yaly” khắc họa hình ảnh già làng dẫn đoàn cồng chiêng tế thần mặt trời, ban sự sống cho muôn loài, kể những câu chuyện sử thi về một vùng đất huyền thoại. Ở phần này, sự hòa quyện của dàn nhạc cồng chiêng cùng hát sử thi và nhạc điện tử đã vẽ nên một không gian vừa gần gụi, quen thuộc, vừa mới mẻ, trầm hùng.

Cảnh trong vở “Sesan”.

Cảnh trong vở “Sesan”.

Từ đây, vở múa đưa người xem đến với khúc biến tấu “Lời ru của rừng” được biên đạo bởi NSND Phạm Anh Phương kết hợp phần âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung, vẽ lên vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên qua 4 mùa thay lá, nhuộm lên các bức phù điêu sắc thái của thời gian... Vở múa kết lại ở “Theo ánh mặt trời”, chuyển tải khát khao vươn lên của cộng đồng các dân tộc cùng chung sống bên dòng sông Sesan, trong sự hòa hợp với thiên nhiên núi rừng ngàn đời ru giấc mơ mãnh liệt…

Thành công của đêm diễn là thành quả của sự sáng tạo từ nhà biên đạo, viết kịch bản Tuyết Minh cùng ê kip nhạc sĩ Chinh Ba, Yama Lou Apoukashi (Nhật Bản), Tillman Per Martin Oscar (Thụy Điển) và các nghệ sĩ múa gạo cội của làng múa Việt Nam: NSƯT Cao Chí Thành, NSƯT Như Quỳnh, nghệ sĩ đương đại Mạnh Hùng, Văn Hiệp, Thúy Hiền, Mai Len, Vũ Huệ, Quang Anh, Quang Việt, Quang Bách, Mỹ Linh, Ngọc Ngân, Hoàng Yến, Đăng Minh cùng sự xuất hiện của các nghệ sĩ múa Solist bản địa như Kiều Diễm, Đa Ly, Y Nhi, Phương Dung và các nghệ nhân cồng chiêng Kon Tum.

Kết nối truyền thống với đương đại

Các giá trị của văn hóa cổ truyền sẽ mãi mãi ở trong bảo tàng nếu nó không được tiếp nối, làm mới bởi những sáng tạo mới. Chất liệu bản địa được khai thác khá nhiều trong các tác phẩm múa. Nhưng làm thế nào để thổi vào nó những hơi thở mới của đương đại để tiếp cận với khán giả hôm nay và tiệm cận với thế giới vẫn là một bài toán không dễ. Vở múa “Sesan” là một trong những tác phẩm múa tiêu biểu tham gia Tuần lễ múa 2024, cho thấy sự sáng tạo của người nghệ sĩ trên những chất liệu cổ truyền.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: “Vở múa được dựng theo phương pháp tương tác và ngẫu hứng. Đây là một trong những phương pháp từ Contemporary Dance (Múa đương đại) vận dụng vào sáng tác và trình diễn với múa các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B'râu, Rơ Măm và tương tác với không gian bản địa Nhà rông Kon Klor. Thủ pháp ngẫu hứng và tương tác này mang lại niềm hạnh phúc ngay với chính những nghệ sĩ trình diễn, nên lúc này kỹ thuật và mọi nguyên tắc sẽ cho phép được nhòa đi tôn vinh cảm xúc và nghệ thuật biểu diễn thăng hoa nhiều hơn”.

Vì thế, qua những vở múa, mà “Sesan” là một tác phẩm điển hình, tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ nhất, nguyên sơ nhất của văn hóa Tây Nguyên nói riêng và văn hóa Việt nói chung, khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sê San… Vở múa còn là gương mặt đại diện cho nghệ thuật múa Việt Nam trong xu thế quay về với giá trị văn hóa bản địa góp phần mở ra cơ hội xúc tiến trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Các nghệ sĩ tham dự Tuần lễ Múa Việt Nam 2024.

Các nghệ sĩ tham dự Tuần lễ Múa Việt Nam 2024.

Đó cũng là điểm nhấn của Tuần lễ Múa Việt Nam 2024, tạo ra những tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa trong cộng đồng Việt Nam và quốc tế. Đó là cách chúng ta quảng bá văn hóa bản địa ra thế giới bằng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Theo tiến sĩ, NSND Phạm Anh Phương: “Yếu tố dân tộc và hiện đại chính là hiện thân của giá trị bản sắc văn hóa và tính thời đại. Đặc biệt, trong không gian hội nhập và phát triển của thế giới ngày nay, sự chuyển động và giao thoa giữa 2 yếu tố trên luôn có có vai trò quan trọng đóng góp cho sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng. Thông qua giá trị của yếu tố dân tộc để thể hiện bản sắc văn hóa và khẳng định cái riêng - hộ chiếu xuất xứ của tác phẩm. Thông qua giá trị của yếu tố hiện đại để thể hiện tính mới- tính thời đại. Như vậy, sự tích hợp giá trị của yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại cùng hội tụ trong tác phẩm múa dân tộc Việt Nam để hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật của nhân loại hôm nay”.

Đó cũng là con đường đi của múa Việt Nam đương đại để tạo ra những tác phẩm có giá trị, có đời sống, trở thành những sản phẩm văn hóa có thể góp phần kết nối với du lịch - văn hóa thay vì những tác phẩm chỉ trình diễn một lần trong các kỳ liên hoan rồi “đắp chiếu”.

Tuần lễ Múa Việt Nam là sự kiện múa thường niên lớn nhất Việt Nam của ngành do biên đạo múa Tuyết Minh, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam khởi xướng sáng lập từ năm 2023, quy tụ đông đảo các nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa, nhà lý luận phê bình, nhà huấn luyện; tài năng trẻ về biểu diễn và thực hành nghệ thuật chuyển động... nhằm lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa đến với khán giả đương đại và bạn bè quốc tế.

Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 - Vietnam Dance Week 2024 với chủ đề “Dòng sông ánh sáng” được tổ chức tại Kon Tum từ ngày 13/10/2024 đến 15/10/2024, biên đạo múa Tuyết Minh kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác cho nghệ thuật múa, từ di sản múa dân gian dân tộc vùng, miền, tạo ra giá trị thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa bản địa, thu hút sự quan tâm đầu tư, các dự án của đại diện các cơ quan ngoại giao, trung tâm văn hóa quốc tế thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Với kỳ vọng kết nối giữa Nghệ thuật - Văn hóa - Du lịch tạo ra tiềm lực kinh tế thúc đẩy sự phát triển, kết nối giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, giá trị nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với nghệ thuật chuyển động trong khu vực và quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa tạo động lực cho các biên đạo, các nghệ sĩ biểu diễn phát huy năng lực sáng tạo, tìm ra nhiều hướng đi mới vì mục tiêu xây dựng và lan tỏa nền nghệ thuật múa Việt Nam, góp phần xây dựng hệ giá trị cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Mỹ Trân

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tuan-le-mua-viet-nam-2024-ket-noi-giua-truyen-thong-va-duong-dai-i747804/
Zalo