Từ vườn quýt trĩu quả đến cánh đồng dược liệu trăm triệu của người dân tộc thiểu số Hòa An
Những nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đang góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Hòa An.
Hòa An là huyện trung du, miền núi của tỉnh Cao Bằng, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao... Điều kiện địa hình đồi núi chia cắt, sản xuất nông nghiệp trước đây chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Nâng tầm sản xuất
Trước thực trạng đó, các ban ngành địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp huyện Hòa An đã xác định chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa An đang nâng cao giá trị sản xuất nhờ tư duy mới.
Bám sát định hướng đặt ra, Hòa An đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác.
Đồng thời, huyện chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho các HTX, tăng cường liên kết "4 nhà" (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp), đặc biệt là chú trọng đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để mở rộng đầu ra sản phẩm.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3-4% mỗi năm, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả ra đời, tạo đà cho phát triển kinh tế nông thôn.
Một trong những điển hình nổi bật trong chuyển đổi sản xuất ở Hòa An là mô hình trồng quýt đặc sản tại xã Nam Tuấn. Với khí hậu mát mẻ quanh năm và đất đai phù hợp, những năm gần đây, xã đã tập trung mở rộng diện tích trồng quýt lên trên 150 ha.
Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến như tưới nhỏ giọt, bón phân hữu cơ vi sinh, các vườn quýt trên địa bàn xã Nam Tuấn đều cho năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Điển hình như tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Tuấn, thành lập năm 2021, hiện có 35 thành viên, chủ yếu là người dân tộc Tày. Để nâng cao hiệu quả, HTX tổ chức sản xuất bài bản từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu "Quýt Nam Tuấn - Hòa An".
Năm 2024, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ thành viên thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ trồng quýt. Chưa kể HTX tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, trở thành điểm tựa tin cậy cho các hộ nông dân liên kết.
Đa dạng hóa sinh kế
Không chỉ phát triển cây ăn quả, Hòa An còn chú trọng nhân rộng mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Điển hình là HTX Dược liệu Thanh Bình ở xã Bình Dương, với 25 thành viên chủ yếu là đồng bào Dao.
Đển nâng cao giá trị gia tăng cho thành viên, HTX chủ động liên kết với doanh nghiệp để trồng và thu mua các loại cây dược liệu như đương quy, đinh lăng, hà thủ ô đỏ… Trên diện tích hơn 30 ha, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn nguyên liệu khô, đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng.
Anh Triệu Văn Lương, thành viên của HTX Thanh Bình, cho biết: "Trồng dược liệu thu nhập cao hơn nhiều so với trồng ngô, trồng lúa. Ngoài tiền công chăm sóc, chúng tôi còn được chia lợi nhuận từ tiêu thụ sản phẩm nên đời sống ngày càng ổn định".
Những năm gần đây, huyện Hòa An cũng phát triển mạnh mô hình nuôi ong lấy mật tại các xã Vĩnh Quang, Hồng Việt… HTX Ong mật Hòa An với gần 1.000 đàn ong, mỗi năm sản xuất khoảng 15 tấn mật ong nguyên chất. Nhờ tận dụng tiềm năng thiên nhiên, kết hợp quy trình nuôi ong hữu cơ, sản phẩm mật ong Hòa An được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, mở ra hướng phát triển bền vững cho nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số.

Sản xuất thông minh hơn giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hòa An tăng giá trị kinh tế.
Một điều đáng chú ý là đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hòa An đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh, mở ra hướng đi mới trong nâng cao giá trị nông sản.
Từ năm 2022 trở lại đây, nhờ sự hỗ trợ của các chương trình chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều hộ dân, HTX đã bước đầu tiếp cận các nền tảng số, từng bước quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua mạng.
Hình thành chuỗi giá trị
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp sạch Hòa An (thị trấn Nước Hai) đã xây dựng fanpage, sử dụng Zalo OA, tham gia các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn để giới thiệu sản phẩm gạo sạch, mận Hòa An, rau hữu cơ…
Nhờ ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử, lượng tiêu thụ sản phẩm của HTX tăng 30–40% so với trước, đặc biệt mở rộng được khách hàng ra các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Ngoài ta, một số hộ dân ở các xã như Đại Tiến, Bế Triều, Đức Long… đã chủ động sử dụng điện thoại thông minh để livestream bán hàng nông sản theo mùa vụ như quýt, mận, chè Shan tuyết. Các hội chợ trực tuyến, tuần lễ nông sản online do tỉnh Cao Bằng tổ chức cũng trở thành kênh giúp người dân Hòa An tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Những thành công trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa An trong những năm qua đến từ chính sách hỗ trợ đúng hướng của các ban ngành tỉnh, địa phương. Cũng không thể không nhắc đến sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, góp phần nâng tầm các HTX, tổ hợp tác.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của HTX trong phát triển kinh tế địa phương.
Điển hình, vào ngày 21/3/2025, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu Di tích Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại tại 14 hội chợ, hội nghị quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, với 20 lượt HTX tham gia. Hoạt động này nhằm giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và quản trị của các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn huyện Hòa An nói riêng. Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ HTX chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hợp tác trong giai đoạn mới…
Có thể nói, từ những vườn quýt trĩu quả, những cánh đồng dược liệu xanh mướt đến những thùng mật ong vàng óng, sự đổi thay mạnh mẽ của vùng cao Hòa An hôm nay là minh chứng sinh động cho hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đây chính là con đường bền vững đưa đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống trên chính quê hương mình.