Từ 'vùng đệm' đến đối tác chiến lược
Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và 5 quốc gia khu vực Trung Á diễn ra tại thành phố Samarkand, Uzbekistan, trong các ngày 3-4/4 là sự kiện quan trọng, phản ánh nhu cầu tăng cường quan hệ song phương và mở rộng tiềm năng hợp tác giữa hai khu vực ở cấp chính trị cao nhất.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Đây là Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á lần thứ ba, sau 2 hội nghị diễn ra năm 2022 và 2023, song là hội nghị đầu tiên có chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tham gia. Hội nghị do Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev chủ trì với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và EC Ursula von der Leyen đại diện các nước EU. Dự kiến tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác đa phương; giải quyết các thách thức an ninh chung; tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; tăng cường kết nối theo sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway), thúc đẩy hợp tác năng lượng, trung hòa carbon và chuyển đổi xanh; tăng cường giao lưu giữa người dân hai khu vực. Phát biểu trước sự kiện này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh: "Trong một thế giới đa cực, cần có sự tham gia tích cực và có mục tiêu hơn. Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á sẽ góp phần củng cố cam kết của chúng ta nhằm cùng nhau đảm bảo hòa bình, ổn định và tiến bộ bền vững".
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa EU và Trung Á đã từng bước được cải thiện. EU lần đầu tiên thông qua chiến lược về khu vực Trung Á năm 2007 và sau đó tiếp tục được cập nhật năm 2019. Chiến lược này nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực và hướng đến thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Trung Á, cho phép khu vực phát triển thành một không gian kinh tế và chính trị bền vững, thịnh vượng và có sự kết nối mật thiết. Tuy vậy, mối quan tâm của EU trong việc phát triển quan hệ với các nước Trung Á chỉ thực sự được đẩy mạnh từ năm 2022, với hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á đầu tiên diễn ra ngày 27/10 tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Theo nhận định của chuyên gia Marcin Popławski tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM), cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của EU với Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan). Hai năm qua, khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với Brussels trong việc khai thác tiềm năng về năng lượng và giao thông. Trong thời gian này, mô hình liên lạc chính trị thường xuyên ở cấp cao nhất đã phát triển, chiến lược hợp tác được cập nhật và các dự án kinh tế mới được triển khai. Những động thái này được củng cố bằng hành động bổ sung từ các quốc gia thành viên, chủ yếu là Đức và Pháp.
EU đã đàm phán, ký kết các Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (CPCA) với các quốc gia Trung Á. Ba trong số 5 quốc gia Trung Á (Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường EU thông qua Chương trình Ưu đãi chung (GSP), xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường EU từ các nước đang phát triển dễ bị tổn thương. Tiếp đó, năm 2023, hai bên đã thông qua lộ trình quan trọng nhằm mở rộng quan hệ, tập trung vào các lĩnh vực tương tác chính, bao gồm đối thoại chính trị liên khu vực, mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế, phát triển năng lượng, hình thành nền kinh tế trung hòa khí hậu và giải quyết các vấn đề an ninh chung. EU và các nước Trung Á cũng duy trì đối thoại chính trị ở cấp cao nhất, được tổ chức vào tháng 10/2022 tại Astana, Kazakhstan và tháng 6/2023 tại Bishkek, Kyrgyzstan.
Việc tăng cường đối thoại chính trị đã mở ra những cơ hội mới để mở rộng quan hệ thương mại, kinh tế và phát triển hợp tác công nghiệp. EU là đối tác thương mại thứ hai của khu vực (chiếm 22,6% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài năm 2023). EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á, chiếm hơn 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua (hơn 100 tỷ euro), tập trung vào các lĩnh vực chính như dược phẩm, xây dựng, năng lượng và nông nghiệp. Tại diễn đàn đầu tư và vận tải giữa EU và các nước Trung Á, được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 1/2024 tại Brussels, EU đã cam kết đầu tư 10 tỷ euro để phát triển Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi kết nối châu Á với châu Âu. Trong bối cảnh EU hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm tránh bị phụ thuộc, các nước Trung Á, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đã đóng vai trò quan trọng đối với EU. Trong khi đó, các nước Trung Á cũng có nhu cầu thu hút đầu tư, công nghệ và đổi mới từ EU nhằm giải quyết các nhiệm vụ ưu tiên là đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, môi trường chính trị ổn định hơn tại các quốc gia Trung Á cũng tạo nền tảng để mở ra không gian hợp tác cùng có lợi và phát triển bền vững. Trong nhiều năm, hàng loạt vấn đề tích tụ trong nhiều thập kỷ đã được giải quyết. Đặc biệt, tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan diễn ra tại Khujand (Tajikistan) ngày 31/3 vừa qua, nguyên thủ 3 quốc gia Trung Á này ký Hiệp ước về điểm giao cắt biên giới quốc gia tại Thung lũng Fergana, thể hiện quyết tâm vững chắc biến biên giới quốc gia thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển chung, góp phần củng cố an ninh và thịnh vượng của toàn khu vực. Annette Bohr, chuyên gia tại Chương trình Nga và Âu Á thuộc Viện Chatham House nhận định trong bổi cảnh hiện nay, Trung Á không chỉ là cầu nối giữa Đông và Tây như quan niệm truyền thống mà đã một chủ thể độc lập trong quan hệ quốc tế.
Ngoài mục tiêu chính trị, kinh tế, những nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước Trung Á cũng nhằm củng cố ảnh hưởng của EU trong khu vực. Trong số các đối tác lớn của Trung Á phải kể đến Trung Quốc và Nga. Đến cuối năm 2024, kim ngạch thương mại của Bắc Kinh với các nước trong khu vực đạt 94,82 tỷ USD. Trong khi đó, Moskva chiếm hơn 30% tổng kim ngạch thương mại của các nước này.
Kế hoạch đầu tư 10 tỷ euro để xây dựng tuyến giao thông quốc tế xuyên biển Caspi từ Trung Á đến châu Âu mở ra con đường kết nối giao thông mới, giúp EU tiếp cận các thị trường Trung Á. Bên cạnh đó, theo bà Daria Saprynskaya, nhà nghiên cứu về Á-Phi tại Đại học Tổng hợp Lomonosov Moskva, chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU nhằm triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số ở châu Á và châu Phi được xem như công cụ củng cố vị thế của châu Âu tại đây.
Nhìn chung, Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á lần này được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội, tạo động lực mới cho sự phát triển hợp tác giữa hai khu vực. Điều này sẽ nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới, tăng cường kết nối kinh tế khu vực, đặt nền tảng cho quan hệ đối tác lâu dài. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược và tầm nhìn chung, Trung Á được dự báo sẽ trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, kết nối các châu lục và khai mở những tiềm năng to lớn trong một thế giới không ngừng chuyển động.