Từ vụ The Coffee House bịt ổ điện: Cần rõ ràng với khách hàng từ đầu

Nhiều quán cà phê quy định rõ ràng về thời gian sử dụng laptop hay khu vực sử dụng ổ điện để tránh ảnh hưởng đến không gian chung.

 Vừa muốn đông khách, vừa sợ khách ngồi lâu, dễ rơi vào trạng thái "nửa vời", là thứ giết chết thương hiệu đồ uống nhanh nhất. Ảnh minh họa: Đức An.

Vừa muốn đông khách, vừa sợ khách ngồi lâu, dễ rơi vào trạng thái "nửa vời", là thứ giết chết thương hiệu đồ uống nhanh nhất. Ảnh minh họa: Đức An.

"Không gian quán không phải là nơi lý tưởng để ngồi làm việc lâu dài. Nếu bạn cần mở máy tính, mong bạn chỉ dành khoảng 2 giờ để không gian vẫn giữ được tinh thần nghỉ ngơi. Khu vực bàn dài có ổ cắm điện, nhưng số lượng chỗ có hạn nên sẽ phục vụ khách tới sớm", Hôm - quán cà phê mới mở cửa tại Thảo Điền (TP Thủ Đức) - ghi rõ quy định tại 1 bài đăng trên mạng xã hội.

Gần đây, khách hàng đã không còn là "thượng đế" tại một số quán cà phê, thay vào đó, các chủ quán hướng đến sự tôn trọng khách hàng đồng thời rõ ràng trong quy định để tránh những tình huống khó xử.

Không ngại thắng thắn

Xây dựng không gian, âm nhạc, thức uống hướng đến sự thư giãn nên cửa hàng này không nhắm đến nhóm khách hàng làm việc 4-5 tiếng với laptop. Ngoài những quy định kể trên, quán cũng không khuyến khích việc chụp ảnh bằng thiết bị chuyên nghiệp, sử dụng nhà vệ sinh để thay đồ...

"Việc hạn chế sạc pin hay sử dụng thiết bị quá lâu không phải để gây khó dễ, mà là để bảo vệ trải nghiệm chung cho mọi người. Tôi cho rằng khi không gian được giữ đúng tinh thần ban đầu, mỗi người đến đều có thể tận hưởng trọn vẹn cảm giác được về nhà", anh Đặng Anh Vũ (Vũ Dino), nhà đồng sáng lập của Hôm cho biết.

 Quán cà phê tại Thảo Điền chỉ khuyến khích khách chỉ sử dụng laptop tối đa 2 tiếng. Ảnh: Hôm.

Quán cà phê tại Thảo Điền chỉ khuyến khích khách chỉ sử dụng laptop tối đa 2 tiếng. Ảnh: Hôm.

Trước đó, một tổ hợp cà phê tại Hội An cũng công khai các quy định như không trang điểm, không chụp ảnh thương mại tại quán, không mang theo thú cưng, không di chuyển bàn ghế...

Cụ thể, quán đưa ra quan điểm uống cà phê để biết mình đang uống, ăn bánh để thưởng thức vị, ngồi giữa vườn hoa để cảm nhận thiên nhiên, đọc sách hay trò chuyện để biết sự hiện diện. Đồng thời khuyến khích thực khách không trang điểm tại chỗ, không biến quán thành nơi chụp ảnh thương mại hay dẫm lên hoa để lấy một tấm ảnh.

"Quán hoan nghênh bạn chụp ảnh, chia sẻ không gian với mọi người. Nhưng hãy giữ cho quán là nơi thật sự sống trong khoảnh khắc", đại diện quán chia sẻ.

Trong khi đó, là mô hình phục vụ học sinh, sinh viên và những người làm việc tự do, Sống cà phê (có 3 chi nhánh tại TP.HCM) lại chọn dán những dòng ghi chú nhỏ, gợi ý khách gọi thêm đồ sau 4 tiếng.

Không thể làm vừa lòng mọi khách hàng

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh Đặng Anh Vũ cho biết để mọi thứ được rõ ràng, thương hiệu này chọn cách truyền thông minh bạch trên mạng xã hội. Điều này giúp khách hàng hiểu trước khi đến, tránh những hiểu nhầm không đáng có.

"Khi đôi bên hiểu nhau ngay từ đầu, mọi trải nghiệm đều trở nên nhẹ nhàng hơn", anh chia sẻ.

Nói về xu hướng chủ quán ngày càng thẳng thắn, anh Vũ cho rằng trước đây, mọi người thường cố làm vừa lòng các "thượng đế" còn bây giờ, chủ quán đã hiểu điều này là không thể.

"Chúng tôi không đặt mình cao hơn khách, nhưng cũng không tự hạ thấp mình để vừa lòng số đông. Mọi mối quan hệ đều đẹp hơn khi có sự hiểu nhau và tôn trọng qua lại", anh nói thêm.

Tương tự, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School cho rằng việc thiết lập quy định không sai, nhưng cần xuất phát từ định vị mô hình rõ ràng.

 Chuyên gia cho rằng quán cần định vị mô hình rõ ràng trước khi đưa ra các quy định để tránh tình trạng "nửa vời". Ảnh: Phương Lâm.

Chuyên gia cho rằng quán cần định vị mô hình rõ ràng trước khi đưa ra các quy định để tránh tình trạng "nửa vời". Ảnh: Phương Lâm.

Nếu quán xác định là mô hình phục vụ khách ngồi lâu thì mọi giới hạn về thời gian, thiết bị hay hành vi sử dụng sẽ mâu thuẫn với chính bản chất dịch vụ. Ví dụ là trường hợp The Coffee House - một chuỗi cà phê hướng đến nhóm khách hàng là học sinh, sinh viên và người làm việc tự do nhưng lại bất ngờ bịt ổ điện.

Còn với các mô hình hướng đến việc tận hưởng không gian, thư giãn... 6việc đưa ra những quy định cụ thể về thời gian sử dụng laptop, chụp ảnh là hợp lý.

Ông Thanh kết luận điều cốt lõi là sự đồng nhất giữa tuyên bố thương hiệu, thiết kế không gian, chính sách sử dụng và kỳ vọng của khách.

"Mọi mô hình đều có khách của nó. Nhưng nếu vừa muốn đông khách, vừa sợ khách ngồi lâu, rất dễ rơi vào trạng thái nửa vời. Trong ngành F&B, đó là thứ giết chết thương hiệu nhanh nhất", ông Thanh nói thêm.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-vu-the-coffee-house-bit-o-dien-can-ro-rang-voi-khach-hang-tu-dau-post1556436.html
Zalo