Từ vụ 'nam sinh thân mật với cô giáo': Giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị xử lý thế nào?
Sau khi cô giáo Trường THPT Thạch Bàn, Hà Nội bị đình chỉ do để xảy ra hành vi không chuẩn mực tại lớp học, nhiều người hỏi, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên quy định ra sao, giáo viên vi phạm bị xử lý thế nào?
Như ANTĐ đã đưa tin, clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội những ngày qua ghi lại cảnh nam sinh T.N.M.Đ, lớp 10A4, Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) có hành vi trêu đùa ôm vai, vuốt tóc... nữ giáo viên tên M.Q.T (sinh năm 2001) ngay trên bục giảng, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong lớp.
Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, nhà trường đã tạm đình chỉ và phân công giáo viên dạy thay cô T trong thời gian giải quyết sự việc. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục kiểm điểm, xử lý kỷ luật những cá nhân vi phạm theo quy định, làm tốt công tác phòng ngừa, tránh tái diễn sự việc tương tự.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Cách đây không lâu, dư luận cũng xôn xao trước thông tin cô giáo 31 tuổi ở tỉnh Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10 gây bức xúc trong phụ huynh và học sinh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên, Điều 4 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định, giáo viên Trung học phổ thông công lập phải chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục Trung học phổ thông;
Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;
Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.
Với giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức như sau:
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp:
Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;
Vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;
Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình…
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm; Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng;
Như vậy, đối với giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo thì cần xem xét mức độ vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật. Trường hợp người giáo viên này vi phạm đạo đức nghề giáo nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng và đã được người có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản thì bị khiển trách. Trường hợp người giáo viên này vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà tái phạm, hoặc lần đầu nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng thì bị áp dụng hình thức phạt cảnh cáo.
Ngoài ra, giáo viên có hành vi vi phạm có thể phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc, đình chỉ công tác khi xét thấy hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.