Từ vụ dàn cảnh để cướp ở chùa Kim Tiên
Liên quan vụ đi chùa đầu năm bị nhóm người chặn đánh, cướp tài sản tại chùa Kim Tiên, đến nay Công an thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã xác minh được 10 đối tượng có liên quan, bắt giữ một số đối tượng để điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, tính chất manh động, liều lĩnh của các đối tượng trong vụ việc nêu trên khiến nhiều người không khỏi hoang mang, đặc biệt đây là thời điểm bắt đầu bước vào lễ hội xuân trên khắp cả nước.
Trước đó, sáng 3/2, ông N.P.C (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cùng gia đình (khoảng 10 người) đến viếng chùa Kim Tiên (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Khi gia đình ông C đến cổng chính của chùa thì bất ngờ bị hàng chục đối tượng lạ mặt (khoảng 50 người) xông vào hành hung, đè vật xuống sân để cướp giật tài sản.
Gia đình ông C chống trả thì bị nhóm này bao vây, gây thương tích cho năm người trong gia đình ông C, cướp đi sợi dây chuyền trị giá 3,6 triệu đồng và 12 triệu đồng tiền mặt. Sau khi gây án, nhóm người trên nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Đoạn video clip ghi lại hình ảnh vụ việc lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người vô cùng bức xúc.
Sau vụ việc, chính quyền thị xã Tịnh Biên đã chỉ đạo tăng cường 3 lực lượng gồm công an, dân quân và an ninh cơ sở tại các đình, chùa, điểm du lịch để đối phó với nạn dàn cảnh, cướp giật tài sản và hành hung du khách. Các lực lượng này sẽ túc trực vào các ngày cuối tuần, cuối tháng, lễ, Tết… tại các địa điểm thu hút du khách để đảm bảo không xảy ra tình trạng băng nhóm dàn cảnh tương tự như ở chùa Kim Tiên.
Điều đáng nói là vì sao giữa chốn tôn nghiêm như vậy lại xảy ra câu chuyện không khác gì trong phim? Liệu vụ việc đó có thể ngăn chặn được nếu như chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng có kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn?
Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, du khách tại những nơi chốn như vậy. Bởi lẽ từ trước Tết, đã có rất nhiều công điện, chỉ thị từ các cấp thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân khi tham gia các lễ hội đầu xuân.
Đầu xuân là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống trên khắp cả nước, thu hút rất đông du khách thập phương đến hành hương và phát tâm công đức. Lợi dụng lễ hội tập trung đông người, các nhóm đối tượng trộm cướp dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các đối tượng phạm tội hay xuất hiện trong các lễ hội thường cướp giật (dây chuyền, túi xách, điện thoại) và trộm cắp tài sản (móc túi, trộm xe máy). Các đối tượng này thường đi theo nhóm, giả làm người đến tham gia lễ hội, có khi dẫn theo cả trẻ em và người già, chủ yếu lợi dụng tình trạng đông đúc, chen lấn, xô đẩy tại khu vực lễ hội để ra tay.
Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ tài sản khỏi các hành vi trộm cắp, cướp giật là mỗi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, không để sơ hở của bản thân trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.
Người dân cần lưu ý cảnh giác và hạn chế mang theo nhiều tiền, điện thoại đắt tiền, giấy tờ quan trọng và nhất là không đeo quá nhiều trang sức… Nếu có thể, nên đi đông người và đi gần nhau, nhắc nhở nhau cùng bảo vệ tài sản.
Có thể nói, vụ việc ở chùa Kim Tiên không phải là mới. Việc có hàng chục đối tượng tham gia hành hung, cướp tài sản của nạn nhân cũng chứng tỏ các đối tượng đã có sự tổ chức, phân công từ trước, rất tinh vi.
Để không tái diễn những vụ việc tương tự, cùng với sự nêu cao cảnh giác của người dân, một điều rất quan trọng là chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần có kế hoạch, biện pháp kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối để người đi thăm viếng lễ hội được yên tâm hơn.