Từ vụ bất thường đấu giá đất ở Sóc Sơn: Nghiêm trị nếu có chiêu trò đầu cơ, trục lợi
Trước sự bất thường trong các cuộc đấu giá đất như việc trả giá 30 tỷ đồng/m2 ở Sóc Sơn (Hà Nội), cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Từ chuyện trả giá đất “không tưởng”…
Ngày 29/11, dư luận lại xôn xao về câu chuyện đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đó là cuộc đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Các lô đất này có diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng/lô. Đơn vị tổ chức đấu giá là Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Đơn vị thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân.
Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá. Tuy nhiên, tại vòng thứ 6 có một nhóm khách hàng đã trả mức giá “không tưởng”. Theo đó, tại các vòng trước nhóm này đã trả giá các lô lên đến hơn 100 triệu đồng/m2 và thậm chí có 2 lô được trả đến 30 tỷ đồng/m2. Đến vòng 6, họ lại trả giá 0 đồng và xin dừng tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công.
Đến thời điểm này, chưa biết mục đích chính việc trả giá “không tưởng” rồi bỏ tiền cọc của nhóm người tham gia đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn nói trên là gì, thế nhưng rõ ràng là việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu giá đất của chính quyền địa phương. Hơn nữa, việc này đã tạo dư luận xấu, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản ở khu vực và Hà Nội.
Trong vụ việc đấu giá đất ở Sóc Sơn, trước hết phải thấy rằng việc này có sự bất thường. Tuy nhiên, vụ việc này không giống như những vụ lùm xùm đấu giá đất trước đó xảy ra ở huyện Thanh Oai (giá trúng đấu giá cao hơn 8 lần giá khởi điểm) hay Hoài Đức (giá trúng đấu giá cao hơn 18 lần giá khởi điểm) khi mà người tham gia đấu giá trả giá cao để trúng đấu giá, sau đó mới bỏ cọc. Còn ở phiên đấu giá đất tại Sóc Sơn, người tham gia đấu giá đất đã cố tình trả giá cao ở mức “không tưởng” đến 30 tỷ đồng/m2, sau đấy không trả giá nữa và bỏ cọc. Có thể thấy, mức giá cao ngất ngưởng này khiến cho tất cả mọi người tham gia đấu giá thấy rõ sự bất thường, vô lý và cần thiết phải làm rõ động cơ, mục đích của nhóm người tham gia đấu giá ở trên.
Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn - chuyên gia pháp lý bất động sản đánh giá, trong vụ việc đấu giá đất ở Sóc Sơn, mặc dù chính quyền sẽ thu được một khoản tiền nhỏ liên quan việc cá nhân bỏ tiền cọc, nhưng việc này đã tạo ra tác động xấu. Theo đó, việc đấu giá như vậy sẽ gây ra hai hệ lụy. Đầu tiên là mục đích của đấu giá là tạo nguồn thu cho ngân sách và thứ hai là đấu giá quyền sử dụng đất cho người dân làm nhà ở, tức là mục tiêu tạo ra một nơi an cư cho người dân đều không thực hiện được.
Việc này dẫn đến nguồn thu cho ngân sách không đạt được và khiến chính quyền địa phương bắt buộc phải tổ chức đấu giá các lô còn lại. Khi đó chi phí tổ chức đấu giá sẽ tốn kém và sẽ gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
“Đến thời điểm này không biết cái mục đích của nhóm người trả giá như thế để làm gì? Những hành vi như vậy cần được cơ quan chức năng, thậm chí công an cần vào cuộc làm rõ”, ông Tuấn nói.
… nghiêm trị các hành vi trục lợi từ các cuộc đấu giá đất
Thời gian qua, việc đầu cơ đất đai đặc biệt là tình trạng "thổi giá" đất đấu giá đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Không ít những trường hợp tham gia đấu giá đất với mục đích “lướt sóng”, không quan tâm giá trị thật là bao nhiêu. Nhiều người tham gia các cuộc đấu giá đất với tâm lý cứ trúng đã rồi mua bán sang tay ngay để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường bất động sản không có “sóng” như kỳ vọng.
Cũng có nhiều trường hợp tham gia các đấu giá đất với động cơ tạo “sốt" đất thông qua lợi dụng việc đặt cọc nhằm mục đích “thổi giá” đất các khu đất gần đó. Họ bất chấp rủi ro, sẵn sàng thanh toán đầy đủ số tiền đã trúng đấu giá để hợp thức hóa và sau đó lấy mức giá này làm căn cứ “thổi giá” đất ở khu vực và các vùng lân cận.
Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá “ảo” tại khu vực để kiếm lời…
Vậy, vì sao việc bỏ tiền cọc trong các phiên đấu giá đất vẫn thường xuyên xảy ra? Có thể thấy, mặc dù theo quy định giá trị tiền đặt cọc tối đa là 20% nhưng ở không ít địa phương việc xác định giá khởi điểm vẫn còn thấp, quá chênh với thực tế nên giá trị tiền cọc so với mức giá đất sau khi phiên đấu giá kết thúc chỉ ở mức 3-5%, thậm chí có trường hợp chỉ tương ứng với 1%… Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu giá cọc trên 20% giá trị thực tế của những lô đất đã trúng thì sẽ hạn chế được những người bỏ cọc, tránh gây ảnh hưởng kết quả trong các phiên đấu giá nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của những vụ việc đấu giá đất có dấu hiệu bất thường. Thậm chí, tùy thuộc vào tính chất vụ việc cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không việc “thổi giá”, phá hoại các phiên đấu giá nhằm trục lợi.
Còn đối với vụ việc trả giá đất “không tưởng” xảy ra ở cuộc đấu giá đất trên, cơ quan chức năng ở đây là huyện Sóc Sơn cần phải vào cuộc điều tra làm rõ có hay không chiêu trò “thổi giá” đất, hay sự phá hoại cuộc đấu giá đất và xử lý nghiêm nếu xác định được có hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó làm gương và răn đe đối với những tổ chức, cá nhân có ý định đầu cơ, trục lợi từ các cuộc đấu giá không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành khác.