Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm thực hiện đầu tư công (từ ngày 1-2-2024 đến 31-1-2025) nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa như kỳ vọng. Trong thời gian còn lại của năm, các chủ đầu tư phải quyết tâm cao nhất thì mới hy vọng đạt tỷ lệ như dự kiến.
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tỉnh được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hơn 8.269 tỷ đồng; trong đó tỉnh đã phân bổ được hơn 7.413 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đấu tư công ước thực hiện được 55,8% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 62,2% kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về khách quan, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng các dự án bị chậm, chủ yếu do nguồn nhân lực cấp huyện chưa đủ đáp ứng nhu cầu công việc thực tế. Về chủ quan, việc thực hiện thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán...), lựa chọn nhà thầu còn chậm. Bên cạnh đó, việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay chậm do các địa phương còn chậm trong việc xác định giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 cũng như việc tỉnh chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trên địa bàn.
Cần quyết liệt giải ngân
Theo đánh giá của các chủ đầu tư, với tốc độ giải ngân như hiện nay sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn đã đăng ký với Chính phủ ngay từ đầu năm. Ông Châu Ngô Anh Nhân cho rằng, để đạt tỷ lệ này, các chủ đầu tư phải có quyết tâm cao trong thực hiện giải ngân vốn, nhất là Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và một số dự án lớn khác. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Ninh Hòa tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để xử lý dứt điểm các vướng mắc còn tồn đọng, yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Đồng thời, UBND tỉnh cần điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của một số dự án; giảm nguồn vốn Trung ương hết nhiệm vụ chi của Dự án Đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong để bố trí cho các dự án khác có nhu cầu vốn. UBND tỉnh cũng cần sớm bổ sung 127,5 tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất tỉnh từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2024, góp phần giải ngân 100% nguồn vốn này.
Đối với những dự án không gặp vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh khối lượng thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tháng, đảm bảo giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 được giao, nhất là đối với các dự án cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao (loại trừ các khoản hết nhiệm vụ chi) nhưng tỷ lệ giải ngân 10 tháng chỉ mới đạt dưới 50%.
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: “Từ này đến cuối năm, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố sẽ tập trung giải quyết nhanh chóng các vướng mắc song các chủ đầu tư cần phải nỗ lực, quyết tâm cao độ để đạt mục tiêu giải ngân. Dự án nào vướng phải báo cáo để tháo gỡ ngay, không cần đợi họp định kỳ. Trong quá trình triển khai từ nay đến cuối năm, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2024, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành, địa phương”.