Từ vụ 4 mẹ con tử vong: Lái xe gây tai nạn rời hiện trường có thể đối diện hình phạt nào?

Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 4 mẹ con tử vong tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, điều được nhiều người quan tâm là theo quy định, kẻ gây tai nạn chết người nhưng rời hiện trường sẽ bị xử lý ra sao?

Trưa 16-7, tại ngã tư giao giữa đường ĐH05 và đường Ba Chàng, thuộc địa bàn xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội xảy ra va chạm giữa xe ô tô tải 88H-28849 với xe ô tô tải 29C-59775 khiến chiếc xe này văng vào xe máy do chị N.T.H (32 tuổi) cầm lái chở theo 3 người con gồm cháu O (13 tuổi), M (11 tuổi) và S (9 tuổi). Vụ tai nạn đã khiến cả 4 mẹ con tử vong, tài xế xe tải 29C-59775 bị thương, được đưa đi cấp cứu.

Sau khi sự việc xảy ra, lái xe tải 88H-28849 đã rời khỏi hiện trường. CATP Hà Nội đã có thông báo đề nghị lái xe tải Đ.V.L đến cơ quan công an trình diện phối hợp giải quyết theo quy định. Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 4 mẹ con tử vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 4 mẹ con tử vong

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi của từng cá nhân, xác định yếu tố lỗi, từ đó xem xét, xử lý đúng người, đúng tội.

Tuy vậy, theo quy định hiện hành, hành vi bỏ trốn sau tai nạn là vi phạm pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu là do người gây tai nạn muốn trốn tránh trách nhiệm hoặc sợ người nhà nạn nhân, những người dân tại khu vực kích động, đe dọa, đánh đập.

Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Về mức xử phạt đối với hành vi gây tai nạn nhưng trốn khỏi hiện trường, luật sư Lê Hồng Vân cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5-7 tháng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân điều khiển xe ô tô gây tai nạn nhưng bỏ trốn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Làm chết 2 người… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-vu-4-me-con-tu-vong-lai-xe-gay-tai-nan-roi-hien-truong-co-the-doi-dien-hinh-phat-nao-post583152.antd
Zalo