Tử vong nghi do bệnh dại: Lỗ hổng chủ quan không tiêm vắc xin, kiểm soát vật nuôi

Có vắc xin phòng dại, nhưng chưa đầy 3 tháng, Bình Thuận xảy ra 4 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Trong đó, Hàm Thuận Bắc liên tiếp ghi nhận 3/4 trường hợp tử vong. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong tiêm phòng, công tác kiểm soát vật nuôi tại địa phương.

Tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Liên tiếp 4 ca tử vong

Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 4 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Điểm chung đáng lo ngại của cả bốn trường hợp là không ai trong số các nạn nhân được tiêm vắc xin phòng dại hoặc sử dụng huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Cụ thể, ca tử vong thứ nhất tại tỉnh của năm 2025 được ghi nhận vào ngày 3/2/2025 tại huyện Hàm Thuận Bắc. Đến ngày 27/3, huyện này tiếp tục ghi nhận trường hợp tử vong thứ hai nghi do bệnh dại. Chỉ chưa đầy 10 ngày sau, vào ngày 5/4/2025, huyện Tánh Linh xác nhận ca tử vong thứ ba nghi do bệnh dại. Đến ngày 11/4/2025, ca tử vong thứ 4 nghi do bệnh dại xảy ra tại Hàm Thuận Bắc. Trong 4 ca này, có tới 3 trường hợp xảy ra tại Hàm Thuận Bắc và 1 trường hợp tại huyện Tánh Linh.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.

Tình trạng tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi tại các địa phương cũng ở mức thấp. Hàm Thuận Bắc hiện có khoảng 16.550 con chó, mèo, nhưng chỉ có 8.034 con được tiêm vắc xin phòng dại, đạt tỷ lệ 48,54%. Con số này không chỉ thấp hơn mức bình quân toàn tỉnh (52,2%) mà còn cách xa số mục tiêu đề ra hơn 70% tổng đàn vật nuôi phải được tiêm phòng. Tánh Linh hiện có 30.500 con chó, mèo; trong đó, chỉ có 17.807 con được tiêm phòng, đạt tỷ lệ 58,38% – mặc dù cao hơn mức bình quân tỉnh nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu kiểm soát dịch bệnh bền vững. Tổng số đàn chó mèo của Bình Thuận hiện nay là 130.854 con, nhưng mới có 68.304 con được tiêm vắc xin phòng dại, tương ứng 52,2%, cũng thấp so với mục tiêu đề ra (hơn 70%).

“Lá chắn” vắc xin phòng dại

Số ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn Bình Thuận đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu xuất phát từ việc người dân không tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi bị chó, mèo cắn – dù ngành y tế đã liên tục khuyến cáo trên nhiều kênh thông tin.

Bác sĩ Võ Văn Hạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – nhấn mạnh: Bệnh dại có tỷ lệ tử vong 100%. Điều đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn thờ ơ, chủ quan và không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Dẫn chứng trường hợp cụ thể gần đây xảy ra tại xã Hàm Liêm, là một con chó cắn 4 người. Trong số này, 3 người đã được tiêm vắc xin đầy đủ và hiện sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, người còn lại không tiêm phòng, sau đó phát bệnh và tử vong. Ngoài ra, tình trạng chó, mèo thả rông không rọ mõm, chưa được tiêm phòng vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo hiện vẫn còn thấp, chưa đạt ngưỡng an toàn phòng dịch.

Theo bác sĩ Hạnh, trước thực trạng này, ngành y tế tỉnh tiếp tục phối hợp ngành thú y và chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh dại. Mặc khác, khuyến cáo người dân không thả rông chó, mèo mà không rọ mõm, chưa tiêm phòng đầy đủ. Đưa vật nuôi đi tiêm định kỳ theo khuyến cao của ngành thú y. Đặc biệt, người dân phải tiêm vắc xin phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn hoặc liếm vào vết thương, vết xước. Để phòng chống bệnh dại hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, ngành y tế, thú y, và hơn hết là ý thức chủ động, tự bảo vệ của từng người dân.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tu-vong-nghi-do-benh-dai-lo-hong-chu-quan-khong-tiem-vac-xin-kiem-soat-vat-nuoi-129459.html
Zalo