Ca sĩ Hồng Nhung bị ung thư vú: Ai nên tầm soát?

Chia sẻ mới đây của ca sĩ Hồng Nhung 'Tầm soát ung thư vú - việc quan trọng có thể bạn bỏ quên' đã gây tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người đồng tình với Hồng Nhung, số khác cho rằng tầm soát ung thư vú phải theo yếu tố nguy cơ để tránh lãng phí tiền bạc. Để bạn đọc có thông tin chuẩn mực về tầm soát ung thư vú, chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ.

“Rung chuyển cả thể xác và tinh thần”

Trên trang cá nhân, ca sĩ Hồng Nhung cho biết khoảng tháng 11.2024 cô nhận kết quả chẩn đoán ung thư vú và bắt đầu quá trình điều trị.

Sau ca phẫu thuật thành công, Hồng Nhung chia sẻ: “Khi nhận chẩn đoán bị ung thư, tôi muốn giấu bệnh vì không muốn làm cho hàng trăm đồng nghiệp phải lo lắng, những người đang cùng tôi xây dựng chương trình biểu diễn, cũng như hoàn thành album thu thanh về Hà Nội. Khi tỉnh dậy sau ca mổ, tôi quyết định chia sẻ với tất cả những người phụ nữ giống tôi đang cùng chung hành trình chiến đấu để chống lại căn bệnh ung thư vú.

Tôi muốn gửi đến họ sự đồng cảm, hơn tất cả là chia sẻ với nhau niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp để cùng nhau chiến thắng căn bệnh này. Với các phụ nữ khác nên đi khám tầm soát bởi nếu phát hiện sớm thì 90% những người bị ung thư vú là hoàn toàn có thể chữa được”.

Ca sĩ Hồng Nhung phát hiện ung thư vú khi tầm soát bằng phương pháp nhũ ảnh. Ảnh: TLNV

Ca sĩ Hồng Nhung phát hiện ung thư vú khi tầm soát bằng phương pháp nhũ ảnh. Ảnh: TLNV

Hồng Nhung cho biết tháng 3 năm nay, thay vì bận rộn các chương trình biểu diễn và hứng khởi bàn tính tiệc sinh nhật (cô sinh ngày 15.3.1970) thì lại phải bước vào một trải nghiệm rung chuyển cả thể xác và tinh thần với lần xạ trị thứ 3.

“Hành trình mới bắt đầu bằng sự kinh hoàng và hoang mang nhưng đồng thời mở ra cách nghĩ sâu rộng hơn, thấm thía hơn về giá trị của sự sống. Tôi cũng bước vào một thế giới của những phụ nữ anh hùng, đối mặt thử thách sống còn với nụ cười trên môi. Tôi nhận được hàng ngàn tin nhắn về việc các phụ nữ đã vì thấy ca sĩ bệnh mà cũng đi khám, tầm soát. Ca sĩ Bống sẽ bước qua được thử thách của căn bệnh ung thư này, dù khó khăn!”, Hồng Nhung nói.

Các yếu tố nguy cơ và triệu chứng

TS-BS. Hồ Hoàng Thảo Quyên.

TS-BS. Hồ Hoàng Thảo Quyên (Phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM; tác giả nghiên cứu “Giá trị của X quang và siêu âm trong sàng lọc ung thư vú ở phụ nữ 40 tuổi trở lên”; Trưởng đơn vị Hình ảnh học Vú - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết: ung thư vú là u ác tính ở tuyến vú do những tế bào phân chia và phát triển không kiểm soát theo chiều hướng bất thường. Những tế bào này có thể do biến đổi gen tự phát, di truyền từ mẹ sang con hoặc có sự phân bố ngẫu nhiên các gen bị lỗi vào các gia đình nhiều hơn bình thường.

Đây là ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ tại nhiều nước.

Các yếu tố nguy cơ ung thư vú thường được nhắc đến: từ 40 tuổi trở lên; giới nữ; tiền sử gia đình có ung thư vú; có một số đột biến gen đặc biệt như BRCA1, BRCA2; một số bệnh tuyến vú (tăng sản ống tuyến vú không điển hình, tăng sản tiểu thùy tuyến vú không điển hình, carcinôm tiểu thùy tại chỗ…); tiền căn xạ trị liều cao ở ngực; tiếp xúc lâu dài với estrogen (bắt đầu có kinh dưới 11 tuổi hoặc mãn kinh sau 50 tuổi, thai kỳ lần đầu sau 30 tuổi hoặc không có con, dùng nội tiết tố thay thế); các yếu tố liên quan lối sống (hút thuốc lá từ 30 tuổi trở lên, béo phì, uống hơn 5 - 6 đơn vị cồn mỗi ngày)…

Triệu chứng lâm sàng của ung thư vú rất đa dạng, khi có các triệu chứng điển hình thì thường đã ở giai đoạn muộn của bệnh: các triệu chứng tại vú (khối to lên ở vú hoặc những vùng vú dày lên bất thường so với bên kia, thay đổi da vùng u (lõm xuống, da cam), tiết dịch núm vú, thay đổi vị trí núm vú, nổi mẩn ở núm và quầng vú); hạch nách cùng bên to ra…

“Đa số ung thư vú phát triển chậm, từ từ. Ung thư vú là loại ung thư dễ có khuynh hướng di căn hạch: hạch nách, hạch vú trong, hạch trên đòn. Ung thư vú có thể di căn xa đến nhiều nơi khác nhau, thường gặp nhất là xương, phổi, gan, não. Tầm soát phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn tiềm ẩn là hướng tiếp cận duy nhất giúp cải thiện tiên lượng loại bệnh này”. BS. Quyên lưu ý.

Phát hiện sớm tăng khả năng sống còn

BS. Quyên cho biết theo định nghĩa chuyên môn của dịch tễ học, “tầm soát là quy trình tách những đối tượng nguy cơ hoặc có khả năng mắc bệnh trong cộng đồng, để có biện pháp can thiệp thích hợp, nhằm ngăn ngừa bệnh xảy ra trên các đối tượng nguy cơ”. Điều này có nghĩa tầm soát không dùng đại trà như “check-up”, “khám sức khỏe định kỳ” mà sẽ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ.

“Theo các nghiên cứu dịch tễ học và thống kê ung thư, từ 40 tuổi, số ca ung thư vú bắt đầu tăng. Lứa tuổi này có thể dao động tùy theo châu lục và quốc gia. Vì vậy trước 40 tuổi sẽ dùng cách thông thường trong khảo sát tuyến vú: tự khám vú, khám lâm sàng, siêu âm vú. Từ 40 tuổi trở đi sẽ dùng X quang vú còn gọi là nhũ ảnh. Người có kết quả dương tính với test tầm soát cần phải chẩn đoán xác định và điều trị”, BS. Quyên chia sẻ.

X quang vú là phương pháp tầm soát định kỳ mỗi năm hay mỗi hai năm được khuyến nghị hiện nay ở các nước phát triển. Theo thống kê của Ban đặc nhiệm về phòng bệnh của Mỹ, tỷ lệ tử vong ung thư vú giảm 22% ở nhóm phụ nữ trên 50 tuổi và 15% ở nhóm tuổi 40 - 49 có tầm soát bằng X quang vú. X quang vú có thể phát hiện các trường hợp vi vôi hóa ác tính rất sớm như ung thư ống tuyến tại chỗ với độ nhạy 81 - 98%.

Phát hiện sớm ung thư vú sẽ giúp cải thiện tiên lượng sống và chất lượng sống của bệnh nhân. Phát hiện ung thư vú tại chỗ cho thấy khả năng sống sau 15 năm lớn hơn 94%.

“Phát hiện sớm ung thư vú giúp có thể điều trị bệnh từ giai đoạn sớm, giảm số ca đoạn nhũ, thẩm mỹ tốt hơn ở những ca điều trị bảo tồn vú, giảm hóa trị hỗ trợ, thay thế nạo hạch bằng sinh thiết hạch canh gác”, BS. Quyên cho biết.

Tại Việt Nam, tuổi thường gặp của ung thư vú là 40 - 74. Vì vậy nhiều bệnh viện bắt đầu tầm soát ung thư vú từ 40 tuổi trở lên. Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao, thường được chỉ định chụp X quang từ dưới 40 tuổi, tùy trường hợp cụ thể. Trong trường hợp kết quả X quang âm tính, phương tiện được chọn tiếp theo trong quy trình tầm soát là cộng hưởng từ (MRI).

Nguy cơ cao khi thuộc những trường hợp: bản thân hoặc người thân trực hệ có đột biến gen BRCA1, BRCA2; có nguy cơ suốt đời bị ung thư vú ≥ 20 - 25% (thang đánh giá của Gail); xạ trị vùng ngực; bản thân hoặc người thân trực hệ có các hội chứng: Li-Fraumeni, Cowden, Bannayan-RileyRuvalcaba; không có nguy cơ cao nhưng mô tuyến vú bị che lấp trong trường hợp tạo hình ngực bằng chích silicone trực tiếp/ đặt túi ngực…

Tầm soát bằng X quang vú tuy có những khuyết điểm đã và đang được nghiên cứu (tỷ lệ chẩn đoán quá mức cao, dương tính giả cao ở nhóm phụ nữ từ 40 - 49 tuổi, giảm độ nhạy trên mô vú đặc…) nhưng đến nay vẫn là lựa chọn đầu tiên trong tầm soát ung thư vú nhiều nơi trên thế giới. Cho đến hiện tại, X quang vú được chứng minh là phương tiện tầm soát duy nhất có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Phát hiện sớm ung thư vú sẽ giúp cải thiện tiên lượng sống và chất lượng sống của bệnh nhân.

Phát hiện ung thư vú tại chỗ cho thấy khả năng sống sau 15 năm lớn hơn 94%. Với ung thư vú xâm lấn có kích thước ≤ 1cm, khả năng sống sau 15 năm từ 90 - 92%; khối u 1 - 2cm, khả năng sống sau 15 năm là 75%. Tỷ lệ tử vong trung bình tăng 1,3% khi kích thước tăng 1mm…

“Phát hiện ung thư vú sớm khi kích thước u còn nhỏ sẽ giúp tăng khả năng sống còn. Vì vậy, mục tiêu tầm soát ung thư vú ở các nước có thu nhập trung bình - thấp là phát hiện tổn thương dạng khối u càng sớm càng tốt”, BS. Quyên cho biết.

Hữu Đức - Nguyễn Bảo

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ca-si-hong-nhung-bi-ung-thu-vu-ai-nen-tam-soat-47672.html
Zalo