Tử vong do bệnh tim mạch ngày càng tăng, cao hơn cả ung thư

Theo các chuyên gia, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng ở nước ta, tử vong do tim mạch cao hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại.

Ngày 29/9, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra chương trình Hưởng ứng ngày tim mạch thế giới – khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa cho 1000 người dân. Đây là chương trình tổng kết chuỗi 3 sự kiện nhân kỷ niệm Ngày tim mạch thế giới, nâng cao nhận thức về các bệnh tim mạch – thận – chuyển hóa tại 3 thành phố lớn trên cả nước (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng).

Gánh nặng các bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa

Theo ThS.Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, thống kê cho thấy, bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chiếm khoảng 17,9 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương 32% tổng số tử vong trên thế giới. Năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó đứng đầu là bệnh mạch máu não (55,4%) và bệnh mạch vành (32%). Những bệnh lý này gây nên những gánh nặng về sức khỏe, chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị cho người bệnh cũng như người chăm sóc.

Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, tử vong do tim mạch cao hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay.

Khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa cho người dân sáng 29/9.

Khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa cho người dân sáng 29/9.

Bên cạnh bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tử vong do bệnh thận mạn tính đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Hơn 8,7 triệu người trưởng thành Việt Nam mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Nước ta hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Theo báo cáo năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Đáng lưu ý, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán. Trong đó, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán trên một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hiện vẫn còn cao, lần lượt là 68,4% và 51,7%.

Đông đảo người dân có mặt từ sớm để được bác sĩ khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Đông đảo người dân có mặt từ sớm để được bác sĩ khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Cần chủ động khám tầm soát phát hiện sớm bệnh

PGS.TS Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa (như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gout, bệnh thận mạn tính…) thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu nên người dân khó nhận biết. Do đó việc chủ động khám tầm soát, phát hiện sớm có vai trò rất quan trọng. Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, đo huyết áp, khám tim phổi, đánh giá xem người bệnh có nguy cơ bệnh lý tim mạch, xơ vữa mạch không, đồng thời tiến hành các thăm dò, xét nghiệm nước tiểu… từ đó giúp phát hiện sớm các bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa.

“Với những trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ các bệnh khác, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn người dân đến cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu để được khám và điều trị kịp thời” - PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.

Trong chương trình ngày 29/9, khoảng 1.000 người dân được khám và xét nghiệm tầm soát miễn phí nâng tổng số bệnh nhân được khám sàng lọc trong tháng 9 là hơn 3000 người. Đội ngũ y bác sĩ đã tận tâm kiểm tra sức khỏe, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bệnh tim mạch và thận mạn. Qua đó, người dân đã nhận được những lời khuyên thiết thực về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, y bác sĩ của chương trình cũng tư vấn những biện pháp sử dụng công nghệ trong quản lý bệnh như tự trắc nghiệm sức khỏe trên nền tảng CAREME hoặc cài phần mềm chăm sóc và theo dõi sức khỏe định kỳ và tư vấn từ xa bởi bác sĩ chuyên khoa đối với bệnh nhân sàng lọc có kết quả bệnh hoặc là đối tượng có nguy cơ cao.

Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho Bệnh viện Bạch Mai gồm 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi.

Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho Bệnh viện Bạch Mai gồm 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi.

Ban tổ chức trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ban tổ chức trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng trao tặng 10 phần quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho Bệnh viện Bạch Mai gồm 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ngành y tế đối với sức khỏe cộng đồng. Những thiết bị này không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ y bác sĩ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại.

"Thông qua những chương trình cộng đồng như CAREME – Yêu lấy mình hay Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam muốn hỗ trợ các cơ sở y tế, nhân viên y tế và người bệnh trong việc tận dụng công nghệ tiến tiến để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của mỗi người. Đặc biệt trong hoàn cảnh bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh tim mạch đang có xu hướng tăng cao và trẻ hóa.

Ngoài ra, với những chương trình hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới như hôm nay, chúng tôi cũng muốn đưa ra những thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng về phòng chống thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử - một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh mạn tính. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vận động tham mưu việc thực thi chặt chẽ luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng như việc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử tại Việt Nam" – ThS.Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú cho biết thêm.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vong-do-benh-tim-mach-ngay-cang-tang-cao-hon-ca-ung-thu-169240929110412031.htm
Zalo