Từ việc 'xé rào', 'chạy gạo' của TP.HCM gợi mở cho chính sách đổi mới

Hôm nay (26/4), tại Nhà văn hóa Thanh niên, UBND TP.HCM tổ chức Lễ công bố và giao lưu giới thiệu 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của Thành phố, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đây là chuỗi sự kiện, hoạt động diễn ra trong giai đoạn 1975 – 2025, có ảnh hưởng, tác động tích cực và giá trị tiêu biểu về ý nghĩa lịch sử, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh nét đặc trưng tiêu biểu của con người TP.HCM nói riêng, vùng Đông Nam Bộ và cả nước nói chung.

Nổi bật đó là các sự kiện: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn cùng cả nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, tiến lên Chủ nghĩa xã hội năm 1975; Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI Nước Việt Nam thống nhất đã thông qua Nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành TP.HCM năm1976; Thành lập khu chế xuất Tân Thuận – Khu chế xuất đầu tiên của cả nước năm 1991; Thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM năm 1995; TP.HCM khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán năm 2000; Chính thức vận hành tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên năm 2024...

Các đại biểu xem ảnh triển lãm ảnh 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM

Các đại biểu xem ảnh triển lãm ảnh 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc bình chọn các sự kiện này là nhìn lại sau 50 năm Ngày Thành phố được giải phóng, chúng ta đã làm gì, người dân tham gia như thế nào, Thành phố đã uyển chuyển đối với các tình huống lịch sử cụ thể. Thông qua đó, khẳng định được sức sống, sự linh hoạt và nỗ lực rất lớn của Thành phố.

Những thông điệp của các sự kiện này gắn với giới trẻ, vì thế hệ đi trước có thể đã hiểu và biết tại sao Thành phố đã như làm vậy, nhưng giới trẻ thì chưa chắc đã biết.

“Lãnh đạo Thành phố yêu cầu tổ chức những chương trình giao lưu để tìm hiểu, chia sẻ cụ thể, sâu sắc hơn những tình huống, hoàn cảnh đặt ra, bắt buộc người dân, lãnh đạo Thành phố phải chuyển mình, xây dựng các phương án đầu tư, phát triển kinh tế và xây dựng chủ trương gắn với xu hướng chung của thế giới và thời đại. Nó đặt Thành phố vào hoàn cảnh thiết thực và hiệu quả hơn” - Phó Chủ tịch Diệu Thúy cho biết.

Lãnh đạo UBND TP.HCM tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử

Lãnh đạo UBND TP.HCM tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử

Tại buổi giao lưu, các nhân chứng lịch sử đã kể lại và chia sẻ những thời khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc. Đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thống nhất đất nước, nhờ công tác dân vận tốt chúng ta đã giữ lại Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Tiếp đó là quá trình xây dựng, phát triển Thành phố với muôn vàn khó khăn của trong bối cảnh kinh tế kế hoạch tập trung.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư nhớ thời "ngăn sông, cấm chợ", người dân phải sống trong cảnh khó khăn, chật vật. Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố đã nhận rõ sự bất hợp lý của cơ chế chính sách lúc đó nên đã "xé rào" và "chạy gạo" cho mấy triệu người dân Thành phố. Từ thực tế đó, Đại hội Đảng lần thứ 6, Việt Nam đã có chính sách đổi mới, hàng hóa lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện tốt hơn.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu với các bạn trẻ ở TP.HCM

Các nhân chứng lịch sử giao lưu với các bạn trẻ ở TP.HCM

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM nhớ lại mốc quan trọng của Thành phố là 1991 thành lập khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên trong cả nước.

Khi có chính sách đổi mới, Nhà nước công nhận nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển, hàng hóa tự do lưu thông và hợp tác quốc tế. Thành phố xác định việc mở cửa hợp tác để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu là cơ hội cho phát triển kinh tế. TP tổ chức đi khảo sát ở Khu chế xuất Cao Hùng của Đài Loan và kêu gọi đầu tư, hợp tác. Khi đó, Thành phố ngoài đất thì vốn và cơ sở hạ tầng không có gì cả. Ông Phạm Chánh Trực chia sẻ cách làm của Thành phố lúc khó khăn khi xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận.

“Theo nguyên tắc thì mình phải đầu tư điện, nước tới hàng rào thì phần trong nhà đầu tư làm tiếp. Tuy nhiên, muốn có nước thì Khu chế xuất Tân Thuận phải kéo nước từ phía bên kia sông qua, điều này rất khó khăn, vì mình không có tiền. Nhờ Thành phố khéo thuyết phục nhà đầu tư đã đồng ý ứng trước 6 triệu USD để kéo ống nước từ bên kia sông về. Sau Khu chế xuất Tân Thuận, cả nước phát triển rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tu-viec-xe-rao-chay-gao-cua-tphcm-goi-mo-cho-chinh-sach-doi-moi-post1195096.vov
Zalo