Tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống văn học, nghệ thuật - Bài 2: Văn nghệ sỹ tiên phong phục vụ cộng đồng theo lời Bác

Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật, nhiều văn nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh còn tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các nghệ sỹ luôn nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, hòa mình với quần chúng, trau dồi nghề nghiệp, hết lòng giúp đỡ nhân dân đúng theo lời căn dặn năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho văn, nghệ sỹ.

Cảnh trong chương trình nghệ thuật "Tên Người sáng mãi" của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN

Cảnh trong chương trình nghệ thuật "Tên Người sáng mãi" của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN

Tấm gương cho các bạn trẻ học theo Bác Hồ

Không chỉ là một ngôi sao thần tượng được nhiều người yêu thích, có tầm ảnh hưởng với giới trẻ mà nam ca sỹ, diễn viên, người dẫn chương trình Trần Chí Thiện (sinh năm 1988) còn được biết đến là một nghệ sỹ trẻ tích cực tham gia hoạt động, phong trào thanh niên của Thành phố Hồ Chí Minh; luôn tiên phong trong các hoạt động tình nguyện, có nhiều đóng góp vào các sự kiện xã hội, các chương trình vì cộng đồng.

Gần 10 năm qua, Chí Thiện tham gia hầu hết các chương trình lưu diễn “Hát về thời hoa đỏ” do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tuyên truyền ca khúc truyền thống cách mạng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, định hướng lối sống năng động, tích cực hướng đến cộng đồng và xã hội cho thanh niên Thành phố.

Năm 2017, Chí Thiện khởi xướng và giới thiệu thành công dự án “Món quà cảm xúc”, huy động các doanh nghiệp và mạnh thường quân cùng chung tay trao đi những món quà ý nghĩa, san sẻ và giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn

Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, dự án đã được tổ chức hai mùa, vận động được hàng trăm triệu đồng từ các chuỗi hoạt động để trao tặng cho các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ca sỹ Chí Thiện chia sẻ, anh học tập ở Bác Hồ đức tính chăm chỉ và nỗ lực không ngừng cả trong công việc nghệ thuật và trong hoạt động Đoàn. Anh từng tham gia công tác Đoàn từ khi còn đi học và đến khi hoạt động nghệ thuật nên có cơ hội tiếp cận với đông đảo các bạn trẻ, các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên. Nhớ lại lời Bác căn dặn thanh niên phải vì lợi ích của nước nhà mà hy sinh, phấn đấu, Chí Thiện quyết định tham gia, đồng hành cùng các phong trào, hoạt động của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh song song với việc hoạt động nghệ thuật.

Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn vì thời gian hoạt động nghệ thuật của bản thân lại trái giờ với các hoạt động của Đoàn. Song, như lời Bác đã dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, Chí Thiện đã vượt qua những trở ngại ban đầu để đồng hành cùng các phong trào, hoạt động Đoàn suốt nhiều năm qua. Thời gian tới, anh mong muốn tiếp tục dùng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa những điều tích cực và ý nghĩa, truyền cảm hứng sống đẹp đến với các bạn trẻ.

Thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi của Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên Huỳnh Thị Quỳnh Hoa, đã có nhiều nghệ sỹ như: Trịnh Kim Chi, Tuyết Thu, Đại Nghĩa, Giáng My, Hồng Hạnh, Vân Khánh... cùng góp công, góp sức, tiên phong làm tình nguyện viên, trở thành những “chiến sỹ” xung kích trên mặt trận chống giặc không tiếng súng. Gần 120 thành viên trong đội hình này và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật luân phiên tham gia thực hiện các nhiệm vụ như: Hỗ trợ điều phối lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; hỗ trợ công tác tiêm ngừa vaccine; dọn dẹp ký túc xá làm khu cách ly; cung ứng thức ăn cho các khu cách ly,…

Theo bà Huỳnh Thị Quỳnh Hoa, việc các văn nghệ sỹ luôn sẵn sàng chung tay giúp đỡ, đồng hành cùng những người khó khăn, ốm yếu là hành động thiết thực hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng thời truyền đi những thông điệp yêu thương, lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng. Bằng sức ảnh hưởng của mình, những hình ảnh và việc làm của các văn nghệ sỹ đã chạm đến được với đông đảo khán giả và người dân. Đó cũng là một cách để lan tỏa tinh thần nhân văn tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” mà Bác đã dăn dạy.

Vận động văn, nghệ sỹ sống và làm việc theo gương Bác

Có thể khẳng định rằng, văn nghệ sỹ chính là tinh hoa, là “nguyên khí” làm nên những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Vì vậy, việc quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, phát triển không chỉ tài năng mà còn cả tư cách, đạo đức, lối sống của đội ngũ văn nghệ sỹ, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn đúng theo lời căn dặn của Bác Hồ là một giải pháp căn cơ để xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với đội ngũ hơn 5 nghìn văn nghệ sỹ thuộc nhiều thế hệ đã lao động sáng tạo quên mình, luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, chuyên nghiệp, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, tác dụng xã hội ngày càng rõ rệt. Đặc biệt trong thời gian đất nước chống COVID-19, đã có nhiều tác phẩm kịp thời cổ vũ, động viên xã hội đẩy lùi dịch bệnh.

Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các văn nghệ sỹ cần phải tích cực tham gia học tập bằng chính khả năng sáng tạo, sự nhạy bén của người nghệ sỹ để chuyển tải cuộc sống sôi động đã, đang và sẽ diễn ra xung quanh cuộc sống vào những tác phẩm của mình. Thông qua các loại hình văn học nghệ thuật, những cá nhân, tập thể, nhân tố mới điển hình, những con người ít nhiều đã nhận thức được những gì cao đẹp từ tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch và đã nỗ lực làm theo trong thực tiễn cuộc sống; đồng thời khơi gợi cho người đọc, người nghe, người xem nhận ra những giá trị chuẩn mực quý báu của cuộc sống hiện tại.

“Những hình tượng trong tác phẩm văn học nghệ thuật có thể sẽ thấm sâu vào lòng người, khơi gợi nên tình cảm yêu, ghét đúng đắn và thúc giục con người sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là cách mà văn nghệ sỹ chúng ta có thể đóng góp một cách tích cực và hiệu quả trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nói.

Đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học nghệ thuật vẫn xuất hiện một số tác phẩm có chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Trước thực trạng này, các văn nghệ sỹ, đặc biệt là các văn nghệ sỹ trẻ cần thấm nhuần lời căn dặn của Bác: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sỹ là những người chiến sỹ tiên phong trên mặt tư tưởng, văn hóa của Đảng”. Từ đó, mỗi văn nghệ sỹ phải xác định rõ trách nhiệm của mình là nêu cao trách nhiệm trước nhân dân; tạo ra những tác phẩm thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tích cực cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu…

Theo đạo diễn Xuân Phượng, bên cạnh việc chăm lo, phát triển cho đội ngũ văn, nghệ sỹ thì việc quảng bá các tài năng văn học, nghệ thuật của họ viết về Bác Hồ ra thế giới cũng rất quan trọng. Để bạn bè thế giới hiểu được Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta qua những tác phẩm văn học nghệ thuật, các đơn vị phụ trách nghệ thuật cần xem như đây là một mục tiêu, phải giới thiệu được những tài năng trẻ, những văn nghệ sỹ trẻ của Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với đó, các trường đại học ở các quốc gia đều có mong muốn được tìm hiểu về Việt Nam, về Bác Hồ nên khi đưa được các tác phẩm vào đó, tiếng nói văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam sẽ sớm có điều kiện lan tỏa, góp phần quảng bá đất nước, con người.

Đồng quan điểm, Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng cường đưa những tác phẩm về Bác Hồ đến với công chúng trẻ, làm sao để các tác phẩm của các văn nghệ sỹ được lan tỏa sâu rộng trong công chúng, mãi không bao giờ bị lãng quên. Đồng thời, công chúng yêu văn học đều có thể cảm nhận được tấm lòng tôn kính và tình yêu thương của những nghệ sỹ Việt Nam khi viết về Người.

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/tu-tuong-ho-chi-minh-trong-doi-song-van-hoc-nghe-thuat-bai-2-van-nghe-sy-tien-phong-phuc-vu-cong-dong-theo-loi-bac-20240204120720999.htm
Zalo