Từ 'Tuần lễ Vàng' đến 'Quỹ Độc Lập': Bài học sinh động về công tác dân vận

Cách đây gần 79 năm, trước những khó khăn chồng chất của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia 'Tuần lễ Vàng' và xây dựng 'Quỹ Độc Lập'. Quá trình vận động nhân dân tham gia 'Tuần lễ Vàng' và xây dựng 'Quỹ Độc Lập' ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một bài học thực tiễn sinh động về công tác dân vận.

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 của phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên).

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 của phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên).

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta trở thành chủ nhân thực sự của nước Việt Nam độc lập. Song nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế, tài chính, trong khi đó quân Tưởng lại ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Thực tế này đòi hỏi chính quyền cách mạng phải có biện pháp bảo đảm tài chính để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.

Đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, trên cơ sở kế thừa truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời, có ý nghĩa quan trọng trong vận động mọi người dân yêu nước tự nguyện đóng góp cho Tổ quốc.

Với chủ trương trên, Đảng ta cũng tạo điều kiện để các nhà tư sản dân tộc yêu nước và những người giàu có trong xã hội có thể ủng hộ, giúp đỡ cách mạng; qua đó vừa tạo cho họ niềm tin vào chính quyền mới, vừa đập tan những luận điệu chia rẽ, xuyên tạc của thế lực phản động, tay sai.

Thực tế lịch sử cho thấy, “Tuần lễ Vàng” đã thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17 đến 24/9/1945, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” 20 triệu tiền đồng và 370kg vàng. Thông qua tuyên truyền, “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi của người dân trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Điểm nổi bật là phong trào “Tuần lễ Vàng” có sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước.

Những kết quả thu được từ “Tuần lễ Vàng” không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Đây còn là cơ sở để cuối tháng 1-1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam, bước đầu xây dựng một nền tiền tệ độc lập.

Những kết quả đó còn góp phần quan trọng nâng cao uy tín của chính quyền cách mạng non trẻ trước quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là các nhà tư sản dân tộc, điền chủ yêu nước… để họ thực sự là “bầu bạn của cách mạng”, qua đó đoàn kết mọi lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp để củng cố, giữ vững thành quả cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tuần lễ Vàng” sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc”.

Đây chính là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác dân vận, vận động và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn của sự nghiệp cách mạng. Phát huy bài học của “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc Lập”, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, qua đó đã phát huy tốt sức mạnh của quần chúng nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Trong tình hình mới, Đảng ta đã thường xuyên coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tiến hành công tác dân vận, vận động quần chúng. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã thông qua quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là cơ sở để phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên làm gương cho quần chúng.

Với Thái Nguyên, thời gian qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy và các ban chỉ đạo của tỉnh ban hành 23 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận; tổ chức 1 cuộc kiểm tra, 3 cuộc khảo sát, 25 hội nghị tuyên truyền, tập huấn; ban hành 287 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dân vận.

Từ đó, nhận thức của các cấp, ngành về công tác dân vận được nâng lên; nội dung, phương thức công tác dân vận có nhiều đổi mới. Công tác dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào thực chất; công tác dân vận của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang có nhiều đổi mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.759 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, trong đó có 1.468 mô hình tập thể, 291 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực. Nhiều mô hình có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị…

X.A

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202409/tu-tuan-le-vang-den-quy-doc-lap-bai-hoc-sinh-dong-ve-cong-tac-dan-van-c8b1863/
Zalo