Đại tướng Đoàn Khuê với ngành Lịch sử quân sự
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy và chiến đấu, Đại tướng Đoàn Khuê là một người cộng sản kiên trung, vị tướng mẫu mực suốt cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Với phẩm chất và tài năng của mình, Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều cống hiến to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam.
Bằng thực tiễn và kinh nghiệm trong chiến đấu và công tác, Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều bài viết về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và để lại nhiều công trình khoa học về nghệ thuật quân sự được đúc kết từ thực tiễn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, với niềm đam mê khoa học, trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy, Đại tướng Đoàn Khuê luôn quan tâm đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quân sự, trọng tâm là đối với Ngành Lịch sử quân sự - Cơ quan tham mưu giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng về công tác lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh.
Tại Hội nghị lịch sử quân sự toàn quân lần thứ ba (tháng 8-1993), để biểu dương kịp thời những thành tích và kết quả đạt được của ngành Lịch sử quân sự và chỉ thị cho ngành Lịch sử quân sự về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, Đại tướng Đoàn Khuê nhấn mạnh: “Phải hết sức coi trọng nhiệm vụ tổng kết chiến tranh, tổng kết trận đánh; trong 30 năm chiến tranh cách mạng còn rất nhiều vấn đề, nhiều trận đánh chưa được tổng kết. Ngành Lịch sử quân sự cần tập trung cho công tác này, bởi vì thời điểm đã chín muồi; chỉ cần một số năm nữa, những người tham gia chỉ đạo chiến tranh, chỉ huy các trận đánh đang và sẽ lần lượt ra đi, nguồn tư liệu sống và nhân chứng lịch sử sẽ thưa thớt dần, lúc đó chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn khi làm tổng kết; thế hệ cán bộ, chiến sĩ của ta đào tạo từ nay trở đi phải được trang bị kỹ lưỡng kinh nghiệm chiến đấu của các thế hệ cha anh; có nắm vững và biết vận dụng nó thì mới có cơ sở để phát triển nghệ thuật quân sự phù hợp với đối tượng tác chiến trong từng hoàn cảnh khác nhau. Chính vì vậy, trong khoảng một thời gian ngắn. Ngành Lịch sử quân sự phải tập trung giải quyết tốt vấn đề tổng kết chiến tranh, tổng kết trận đánh. Có thể nói, đây là ‘kho báu’ mà trước hết rất cần cho các học viện, nhà trường Quân đội. Chúng ta không nên để tuột khỏi tay ‘kho báu’ khi đang có thời gian và cơ hội”[1]. Những lời căn dặn, chỉ đạo của Đại tướng Đoàn Khuê đối với ngành Lịch sử quân sự thể hiện vai trò trọng trách của Đại tướng Đoàn Khuê đối với nhiệm vụ lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh.
Tiếp thu những chỉ đạo của Đại tướng Đoàn Khuê, đặc biệt trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, hoạt động xây dựng và nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh của ngành Lịch sử quân sự đã trưởng thành về mọi mặt.
Cùng với thực hiện lãnh đạo, chỉ huy các nhiệm vụ, với niềm đam mê khoa học, trong quá trình công tác Đại tướng Đoàn Khuê được Bộ Chính trị phân công trực tiếp chỉ đạo tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng ở Việt Nam - một nhiệm vụ quan trọng về tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong lịch sử dân tộc. Thực hiện Chỉ thị số 72/CT-TW tháng 2 năm 1992 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập. Trên cương vị là Trưởng ban Tổng kết, Đại tướng Đoàn Khuê đã chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện, Đại tướng Đoàn Khuê đã chỉ đạo và hoàn thành nhiều công trình tổng kết sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; nhiều công trình được hoàn thành, điển hình như: “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học”; “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học”; “Chiến tranh cách mạng 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học”...
Đây là những công trình được soạn thảo công phu, kế thừa những thành tựu và có những bước phát triển mới theo tư duy chính trị, quân sự, phản ánh tầm vóc của cuộc kháng chiến lớn mà nhân dân, dân tộc ta giành thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi, theo quan điểm của Đại tướng Đoàn Khuê, làm khoa học lịch sử phải luôn bám sát thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam, thấu suốt những quan điểm của nó mới tiếp cận được chân lý lịch sử. Nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự là quá trình ngày càng tiếp cận chân lý, sự thật lịch sử; phân tích, nhìn nhận từ nhiều khía cạnh để rút ra những kết luận mới. Khoa học lịch sử quân sự là một ngành khoa học mới, do đó phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khoa học lịch sử quân sự.
Khi đề cập đến các vấn đề trong tổng kết, Đại tướng Đoàn Khuê hết sức thận trọng. Trong hội nghị tham gia ý kiến đối với bản thảo “Tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng (1945 - 1975)”, Đại tướng Đoàn Khuê nêu quan điểm “Trong tổng kết cần phải đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra đúng ưu điểm, không né tránh khuyết điểm của lãnh đạo và điều hành; quan trọng nhất là đúc kết được những bài học có ích cho hôm nay và mai sau”[2]. Những tình cảm đặc biệt mà Đại tướng Đoàn Khuê đã dành cho ngành Lịch sử quân sự thể hiện sự đam mê về khoa học lịch sử quân sự của Đại tướng và cho đến nay những lời nói, lời căn dặn của Đại tướng Đoàn Khuê vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được ngành Lịch sử quân sự nghiên cứu, vận dụng và tổng kết trong thời kỳ mới.
Đề cập đến ngành Lịch sử quân sự, Đại tướng Đoàn Khuê đã khẳng định: “Quân đội còn tồn tại thì ngành Lịch sử quân sự còn tồn tại”[3], lịch sử diễn ra viết hết chặng đường này thì lại đến chặng đường khác, là một chuyên ngành phải đầu tư nhiều công sức, viết một cuốn sử không thể cầu toàn một lần là trọn vẹn mà có thể viết lại, tái bản nhiều lần trên cơ sở bổ sung nhiều tư liệu mới. Nếu cứ cầu toàn sẽ mất thời cơ vì nguồn tư liệu sẽ mai một, nhân chứng lịch sử sẽ dần dần ra đi, phải mạnh dạn viết, đừng bao giờ hy vọng cuốn sử ra một lần đã là trọn vẹn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu lịch sử quân sự Đại tướng Đoàn Khuê căn dặn phải tôn trọng sự thật lịch sử, mọi tư liệu đưa ra phải đảm bảo chính xác là điều hết sức quan trọng, phải luôn trung thực, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi và thẩm định những gì đã có và đừng bằng lòng với sản phẩm mình đã làm ra.
Đặc biệt, trong thời kỳ Quân đội có nhiều biến động về tổ chức, biên chế, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu và kiện toàn, ổn định về mặt tổ chức. Do đó, Viện và ngành Lịch sử quân sự trong toàn quân được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, có cơ cấu tổ chức từ cấp Bộ đến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng đến các học viện, nhà trường, có kinh phí hoạt động. Sự quan tâm và chỉ đạo sâu sắc của Đại tướng Đoàn Khuê đã góp phần động viên đối với Viện và ngành Lịch sử quân sự trong thực hiện những công trình, đề tài về lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh. Sự quan tâm của Đại tướng Đoàn Khuê đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với ngành Lịch sử quân sự, làm chuyển biến tốt việc mở rộng quan hệ với các cơ quan, các ngành trong và ngoài Quân đội, tạo nên sức mạnh to lớn để hoàn thành các công trình, đề tài lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ trong công tác nghiên cứu, quản lý và giảng dạy lịch sử quân sự.
Trước yêu cầu của lịch sử, hiện tại, tương lai và yêu cầu xây dựng Quân đội “Tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại”, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại tướng Đoàn Khuê đối với nhiệm vụ của ngành Lịch sử quân sự về tổng kết lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, ngành Lịch sử quân sự đã có bước phát triển toàn diện, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý nhà nước về công tác Lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt công tác lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh; tổng kết nhiệm vụ quân sự, quốc phòng…
Trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của mình, Đại tướng Đoàn Khuê luôn có quan điểm, tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết xây dựng, chỉ đạo ngành Lịch sử quân sự phát triển. Mong mỏi của Đại tướng Đoàn Khuê là xây dựng đội ngũ cán bộ thế hệ kế tiếp và những người làm công tác Lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh tâm huyết, cống hiến hết mình để giữ gìn và phát huy những kinh nghiệm quý báu về truyền thống lịch sử của dân tộc cho các thế hệ mai sau vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TRUNG TÁ, THẠC SĨ BÙI HẢI NINH (*)
* Viện Lịch sử quân sự/Bộ Tổng Tham mưu.
[1]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đại tướng Đoàn Khuê cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 521-522.
[2]. Đại tướng Đoàn Khuê cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Sđd, tr. 521-522.
[3]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 480.