Từ trò chơi dân gian trở thành 'đặc sản' du lịch

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi ném còn đã có mặt trong các dịp lễ, tết của đồng bào các dân tộc Thái, Mường khu vực miền Tây xứ Thanh. Những năm gần đây, trò chơi này được nhiều địa phương khai thác trở thành 'đặc sản' trải nghiệm du lịch, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách.

Trò chơi ném còn thu hút đông đảo du khách tham gia khi đến Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân).

Trò chơi ném còn thu hút đông đảo du khách tham gia khi đến Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân).

Đến Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân) vào dịp đầu xuân hoặc Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm, du khách sẽ được hòa mình vào không gian vui nhộn của trò chơi ném còn. Ở giữa sân cỏ gần khu vực nhà văn hóa, người dân dựng một một cây tre cao khoảng 8m, trên đỉnh gắn cố định một vòng tròn có đường kính khoảng 50cm, dán giấy màu xung quanh. Theo người dân nơi đây, trò chơi này thể hiện sự hòa hợp âm dương và cầu mong con cái đông đúc, mùa màng bội thu... Quả còn với nhiều màu sắc rực rỡ được trang trí cầu kỳ, mang tính biểu tượng, đại diện cho sự sinh sôi nảy nở, xua đuổi điều xấu và mang lại may mắn. Bên trong mỗi quả còn được nhồi cát để đủ độ nặng, có thể ném xa. Sợi dây quả còn dài khoảng 50cm, được kết lại từ nhiều mảnh vải màu để khi ném lên có màu sắc rực rỡ, dễ quan sát đường đi của quả còn.

Chị Vi Thị Huệ, Đội trưởng đội văn nghệ bản Mạ cho biết, vào những dịp lễ hội quan trọng, trò chơi ném còn được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trai gái đủ đôi... Thông thường khi ném còn sẽ lấy cây nêu có vòng tròn làm trọng tâm, sau đó chia thành hai bên nam - nữ, vừa tung còn vừa hát đối rất vui vẻ. Giờ đây, trò chơi ném còn không chỉ có người dân bản địa mà còn thu hút rất nhiều du khách tham gia trải nghiệm. Đối với người dân bản địa, mặc dù đã có kinh nghiệm ném còn, song để ném trúng đích thì không phải ai cũng làm được.

“Khi ném còn người chơi cần cầm gần cuối đoạn dây vải rồi quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ, đến khi cảm thấy đủ lực rồi mới nhắm vào tâm vòng tròn trên cây để tung lên. Người chơi cần có sự tập trung, khéo léo mới có thể ném trúng đích”, chị Huệ nói.

Với trò chơi vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa cần có kỹ thuật và cả một chút may mắn, nên khu vực ném còn trong một số lễ hội ở các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Lang Chánh... luôn thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách.

Ngày 3/2 vừa qua, tại huyện Lang Chánh đã diễn ra lễ hội chùa Mèo, với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút khách thập phương. Trong đó, phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, đi cà kheo, ném còn... Chị Nguyễn Thị Phương, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Lang Chánh cho biết: “Đối với trò chơi ném còn, ban tổ chức đã mở rộng cho tất cả Nhân dân và du khách tham gia. Đồng thời có thưởng, lì xì đầu năm cho những ai ném trúng tạo khí thế sôi nổi, thu hút đông du khách về trẩy hội chùa Mèo tham gia. Đây là một trò chơi dân gian hấp dẫn, mang màu sắc văn hóa tâm linh, đồng thời cũng chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, là nét đẹp văn hóa mà người dân Lang Chánh nói riêng, đồng bào các dân tộc Thái, Mường nói chung mong muốn được giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa”.

Đến nay, trò chơi ném còn tại các địa phương có khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng đang dần trở thành “đặc sản” hấp dẫn du khách. Bởi, cùng với những giá trị, ý nghĩa sâu xa, ném còn chính là trò chơi thể hiện tính văn hóa, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo của người chơi. Đối với người dân bản địa, ném còn là dịp để họ được giao lưu, tỏ tình, kết duyên, đồng thời tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng. Nếu có dịp ngược ngàn lên miền Tây xứ Thanh vào dịp tết đến, xuân về hoặc vào một số dịp lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, du khách hãy một lần tham gia trò chơi dân gian này để “thử vận may” của mình và cũng thêm một lần tìm hiểu về những giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây.

Bài và ảnh: Lê Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tu-tro-choi-dan-gian-nbsp-tro-thanh-dac-san-du-lich-239648.htm
Zalo