Từ tranh chấp 'Em bé Napalm' đến hành vi đạo tên tác giả…

Bức ảnh 'Em bé Napalm' gây chấn động dư luận là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trên thế giới về chiến tranh Việt Nam. Chỉ cần nhắc đến 'Em bé Napalm', trong đầu nhiều người sẽ hiện lên hình ảnh của một cô bé (bà Phan Thị Kim Phúc, hiện đang sinh sống tại Canada) bị bom đốt cháy hết quần áo, đau đớn chạy chân đất trên đường làng ở Trảng Bàng, Tây Ninh, vào một ngày tháng 6-1972.

Ông Nick Út, phóng viên làm cho The Associated Press, người được cho là tác giả của bức ảnh này, được nhận giải thưởng Pulitzer danh giá, cũng như giải thưởng của World Press Photo năm 1973. Ông cũng trả lời trong nhiều cuộc phỏng vấn về bức ảnh lịch sử này, về hoàn cảnh nó ra đời, cũng như tình bạn thân thiết của ông với bà Phan Thị Kim Phúc.

Sau 53 năm, Em bé Napalm là chủ đề tranh cãi về quyền tác giả.

Sau 53 năm, Em bé Napalm là chủ đề tranh cãi về quyền tác giả.

Tuy nhiên, 53 năm sau, bức ảnh này lại là chủ đề tranh cãi về quyền tác giả. Bộ phim tài liệu “The Stringer” (tạm dịch là Phóng viên nghiệp dư) của đạo diễn Bao Nguyen được trình chiếu tại liên hoan phim Sundance đầu năm 2025 đặt ra câu hỏi liệu Nick Út có đúng là tác giả của bức ảnh nổi tiếng nói trên hay không. Bộ phim này cho thấy đạo diễn Bao Nguyen quay lại cuộc điều tra của nhà báo Mỹ Gary Knight đối với tuyên bố của ông Carl Robinson, một nhân viên của The Associated Press thời đó. Theo ông Robinson, ông được The Associated Press ra lệnh đăng tên Nick Út là tác giả bức ảnh, vì Nick Út là phóng viên chính thức của The Associated Press. Ở cuối phim, ông Knight kết luận rằng người chụp bức ảnh “Em bé Napalm” là ông Nguyễn Thành Nghệ, một tài xế của The Associated Press.

World Press Photo tạm dừng đề tên Nick Út là tác giả của “Em bé Napalm”, nhưng không vì thế mà hủy bỏ giải thưởng năm 1973 cho bức ảnh đánh dấu lịch sử này.

Sau khi bộ phim tài liệu được trình chiếu, The Associated Press tuyên bố rằng “không có lý do nào để cho rằng tác giả của “Em bé Napalm” không phải là Nick Út”. Tuy nhiên, The Stringer là lý do để World Press Photo mở một cuộc điều tra riêng và đưa ra kết luận vào ngày 16-5-2025, theo đó, “dựa trên những phân tích về vị trí, khoảng cách, và máy ảnh sử dụng ngày hôm đó”, thì “nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc có thể đã ở vị trí hợp lý hơn Nick Út để chụp bức ảnh này”. Chính vì thế, World Press Photo tạm dừng đề tên Nick Út là tác giả của “Em bé Napalm”, nhưng không vì thế mà hủy bỏ giải thưởng năm 1973 cho bức ảnh đánh dấu lịch sử này.

Tất nhiên, những chi tiết nói trên chỉ là những yếu tố cho phép nghi ngờ tác giả thực sự của “Em bé Napalm”, chứ tới giờ chưa có bằng chứng cụ thể nào để có thể kết luận rằng ông Nick Út đã “nhận nhầm” là tác giả bức ảnh nói trên.

Đứng ở góc độ luật bản quyền, có thể nói rằng việc tranh cãi về quyền tác giả không hề hiếm trong lịch sử. Xin nhắc lại rằng, trái ngược với quyền sở hữu nhãn hiệu hay quyền sở hữu bằng sáng chế cần phải đăng ký, kiểm tra mới được công nhận, quyền tác giả ra đời khi tác phẩm được tạo ra. Cụ thể là quyền tác giả được tự động công nhận cho người đứng tên tác phẩm khi tác phẩm ra mắt công chúng. Nếu như thủ tục đăng ký quyền tác giả tồn tại ở một số ít quốc gia (như Mỹ, Việt Nam), thì thủ tục này không phải là điều kiện để quyền tác giả được công nhận. Chính vì thế, ở phần lớn các quốc gia châu Âu, thủ tục đăng ký quyền tác giả không hề tồn tại. Quyền tác giả chỉ có thể bị hủy bỏ đối với người vi phạm khi có bằng chứng ngược lại chứng minh người đứng tên phổ biến tác phẩm không phải là tác giả đích thực của tác phẩm.

Vậy việc không cần đăng ký quyền tác giả mà vẫn được công nhận có thực sự hữu ích trong thực tế?

Trong phần lớn các trường hợp, quy định quyền tác giả tự động sinh ra không cần đăng ký có lợi cho tác giả. Sự đơn giản này giúp tác giả tránh mất thời gian, tiền bạc để làm thủ tục công nhận quyền tác giả. Các tác phẩm do luật bản quyền bảo hộ không phải luôn luôn được tạo ra với mục đích khai thác kinh tế như quyền sở hữu nhãn hiệu hay quyền sở hữu bằng sáng chế. Vì thế, đơn giản hóa thủ tục là tạo điều kiện cho các tác giả sáng tác và khai thác tác phẩm tùy theo mong muốn cá nhân.

Trái ngược với quyền sở hữu nhãn hiệu hay quyền sở hữu bằng sáng chế cần phải đăng ký, kiểm tra mới được công nhận, quyền tác giả ra đời khi tác phẩm được tạo ra.

Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là có thể xảy ra một số tranh chấp khi có tác giả, nghệ sĩ “nhận xằng” quyền tác giả, như một số trường hợp sau.

Camille Claudel và Auguste Rodin. Auguste Rodin - một trong những họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 từng bị nữ điêu khắc gia Camille Claudel, học trò, người tình của ông cáo buộc là đứng tên tác giả và sao chép một số tác phẩm của cô. Tuy nhiên, những cáo buộc này chưa từng được chứng minh và việc Camille Claudel phải vào bệnh viện tâm thần điều trị cũng làm ít người tin vào các cáo buộc của cô.

Margaret và Walter Keane. Một trong những vụ đạo tên tác giả nổi tiếng nhất lịch sử hội họa là vụ Margaret và Walter Keane. Những bức tranh “Mắt to” (Big eyes) vẽ phụ nữ, trẻ em và các con vật với đôi mắt buồn, mở to đã giúp đôi vợ chồng này trở nên nổi tiếng và họ đặc biệt thành công khi khai thác thương mại các bức tranh này vào những năm 1950-1960. Ông Walter Keane nhận mình là tác giả nhưng sự thực chỉ được hé lộ khi hai người ly hôn vào năm 1965: bà Margaret Keane mới thực sự là tác giả của những bức tranh mà ông Walter Keane đứng tên tác giả. Sự việc được đưa ra trước tòa, nơi bà Margaret dễ dàng vẽ lại một bức tranh “Mắt to” nổi tiếng, trong khi ông Walter viện cớ đau vai và chẳng vẽ được đường nét nào.

Ban nhạc Milli Vanilli. Đây không phải là một vụ đạo tên tác giả, mà thực ra là liên quan tới đạo quyền của nghệ sĩ - quyền liên quan trong quy định của luật bản quyền. Ban nhạc Milli Vanilli đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng khi ra mắt công chúng và đoạt giải Grammy về “Nghệ sĩ trẻ”. Năm 1990, sự thực được phơi bày khi nhà sản xuất âm nhạc Frank Farian công bố rằng hai chàng trai có ngoại hình rất bắt mắt Rob Pilatus và Fab Morvan thực ra chẳng hát câu nào trong các album của Milli Vanilli. Giọng hát thực sự hóa ra là của Brad Howell và John Davis, những nghệ sĩ không có ngoại hình hấp dẫn như Rob Pilatus và Fab Morvan.

Cũng cần bổ sung rằng, những vụ đạo tên tác giả còn đặc biệt phổ biến hơn với những trường hợp tranh bị giả mạo là tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng, nhằm bán với giá cao. Tuy nhiên, trong phần lớn luật bản quyền quốc gia, trường hợp này không bị coi là vi phạm quyền tác giả, mà chỉ là hành vi lừa đảo quy định trong luật hình sự. Một số ít quốc gia, như Vương quốc Anh chẳng hạn, lại coi là hành vi vi phạm quyền nhân thân của tác giả.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tu-tranh-chap-em-be-napalm-den-hanh-vi-dao-ten-tac-gia/
Zalo