Từ tinh thần Cách mạng tháng Tám đến tinh thần chống dịch Covid-19
Khác với không khí cả biển người với cờ hoa rợp đỏ, với những khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng của một dân tộc 'rũ bùn đứng dậy chói lòa' vào mùa thu năm 1945 thì năm nay thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đang thực hiện giãn cách xã hội, mọi tuyến phố đều vắng vẻ, im ắng...
Ai ai cũng hiểu rằng, chúng ta đang bước vào cuộc chiến mà luôn có niềm tin sắt đá rằng, chiến thắng rồi sẽ về ta.
Những người phất cờ hồng
Bìa tập bút ký “Những người phất cờ hồng” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2021) của Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh
Tháng 8 năm nay, đọc tập bút ký “Những người phất cờ hồng” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2021) của Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh, trong tôi dâng trào nỗi niềm cảm xúc. Bâng khuâng có, tự hào có, khắc khoải có, hy vọng có…
Chỉ với 200 trang sách, tác giả đã khắc họa được không khí sục sôi của cả dân tộc trong những ngày mùa thu lịch sử mà ở đó có những thanh, thiếu niên can trường, dũng cảm, mưu trí đã nguyện một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Họ là những người cộng sản chân chính, yêu nước, yêu dân tộc một cách vô cùng trong sáng và họ đã dấn thân, hy sinh, cống hiến không hề toan tính trong suốt cuộc đời mình.
Đó là Đại tướng Nguyễn Quyết, người được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội khi mới 23 tuổi và đã lãnh đạo quần chúng cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là Trung tá Đặng Văn Việt (biệt danh “Hùm xám đường số 4”), người được giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, đánh dấu việc Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền thành công tại Huế. Đó là bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người đã hoạt động cách mạng sôi nổi ở Bạc Liêu. Đó là Đại tá Hoàng Long Xuyên, người chỉ huy một mũi tấn công, giành chính quyền tại Lạng Sơn…
Ai mà không nao lòng khi đọc được những dòng chữ này: “Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19-8-1945 tự vệ nội, ngoại thành gương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài “Tiến quân ca”. Tiếp đó, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11 giờ tại Quảng trưởng Nhà hát Lớn với sự tham gia của 20 vạn người nhanh chống chuyển sang thành cuộc biểu tình thị uy vang dội… Họ đã đi vào trang thơ của Nguyễn Đình Thi: “Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy”.
Suốt 76 năm qua đã có không biết bao bài báo, công trình nghiên cứu phân tích về Cách mạng tháng Tám năm 1945 với rất nhiều giả thiết đặt ra về chiến thắng lịch sử này, cả những yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng phải khẳng định rằng: Chính tinh thần Việt Nam đã làm nên chiến thắng của người Việt Nam. Chính người Việt Nam đã đứng lên định đoạt số phận của dân tộc mình, đất nước mình.
Thật hiếm có quốc gia nào phải trải qua nhiều cuộc chiến như dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta nhưng như Bác Hồ đã khẳng định: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Cuộc chiến mới với tinh thần cũ
Thiết lập những “vùng xanh an toàn” giữa Thủ đô để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Quang Hùng
Trong gần 2 năm qua, đất nước ta đang phải gồng mình chống lại “kẻ thù vô hình” mà nhất là ở đợt thứ 4 này dịch vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Những ngôi làng và những con phố vắng bóng người; nhiều trường học, doanh trại và một số công trình khác được trưng dụng làm nơi ở cho những người cách ly tập trung; nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phải đóng cửa. Tất cả bao trùm lên đó là không khí ảm đạm, lo lắng. Và lo lắng hơn cả mỗi ngày chúng ta phải đón nhận hàng nghìn ca mắc mới. Ai mà không xót xa, không đớn đau với những hình ảnh đó, con số đó.
Đi làm trong ngày giãn cách qua các tuyến phố của Thủ đô với công viên chăng dây, vỉa hè chăng dây, hàng, quán chăng dây, tôi lại liên tưởng về chiến thuật “vườn không nhà trống” nhà Trần đã áp dụng để đánh giặc Nguyên – Mông mà đã có một “Hào khí Đông A” vang dội trời Nam một thuở. Có thể hiểu Hà Nội như đang dồn lại, đang nén lại như một chiếc lò xo khổng lồ mà chỉ đợi có cơ hội, có thời cơ là sẽ bật lên, sẽ tung ra với tinh thần và quyết tâm lớn gấp bội.
Nhớ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 lại nghĩ đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng, chống lại, chiến thắng bằng được đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các lực lượng “áo xanh”, “áo trắng” và nhiều lực lượng khác đã và đang ngày đêm đồng lòng chung sức trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Còn người dân thì thực hiện khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”, “Ai ở đâu thì ở yên đó”…
Rõ ràng chúng ta đang vào một cuộc chiến mới với các tư thế từ phòng ngự đến tấn công nhưng vẫn là tinh thần, là ý chí cũ – một tinh thần, một ý chí mang bản sắc của con người Việt Nam tuy nhỏ bé mà kiên cường. Ai cũng nghĩ có tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí phấn đấu, chúng ta sẽ làm được nhiều điều lớn lao. Muôn người đều có niềm tin như một là tinh thần cách mạng tháng Tám, tâm thế của người Việt trong Cách mạng tháng Tám sẽ giúp dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hà Nội đang vào thu với những cơn gió heo may báo hiệu chuyển mùa, một Hà Nội nồng nàn hương hoa sữa, hương ngọc lan như trong ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng hay “Em ơi, Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang nhưng ta cũng không quên một “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân, một “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” của nhạc sĩ Lê Mây…Chừng đó phần nào có thể làm chúng ta tin rằng, Hà Nội – trái tim của cả nước sẽ vượt qua được khó khăn, từ đó trao truyền niềm tin, động lực và kinh nghiệm cho thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác cùng vượt qua “kẻ thù không súng ống, không đạn dược” này.